Một kiệt tác của chủ nghĩa ác ma

Trong thời gian chiến đấu với bệnh tật và tuổi già, Tanizaki Junichirō (1886-1965) vẫn không ngừng sáng tác, trong đó phải kể đến kiệt tác của chủ nghĩa ác ma là Hai cuốn nhật ký… Sách đã được Thanh Điền dịch và phát hành tại Việt Nam. 

Lần đầu đăng trên tạp chí Chuuō Kōron năm 1956, Hai cuốn nhật ký được trình bày qua lời kể song song của một đôi vợ chồng tuổi trung niên theo hình thức ghi chép cá nhân.

Cuối cùng thì kiệt tác này cũng có bản tiếng Việt

Bắt đầu từ ngày mùng một tháng Giêng trong nhật ký của người chồng: “Tôi quyết định từ năm nay sẽ bắt đầu ghi lại tất cả những điều chưa từng dám viết vào nhật ký. Trước giờ, những việc phòng the, sinh hoạt vợ chồng, tôi thường không dám ghi chép tỉ mỉ lại, bởi e ngại vợ mình đọc trộm mà sinh tức giận…”.

Tanizaki Junichirō là một kỳ tài văn chương của Nhật Bản

Sách dần mở ra cánh cửa dẫn vào cuộc sống chăn gối hoan lạc của cặp đôi buổi xế tà đang loay hoay tìm đường khơi lại ngọn lửa tình ái. Một đằng là ông chồng già cũng ham lạc thú tà dâm nhưng thể trạng yếu kém dẫn đến lực bất tòng tâm, một đằng là cô vợ đã một qua một đời sinh nở nhưng vẫn hừng hực sung mãn, ham muốn mạnh mẽ đến mức phi thường.

Trạng huống trớ trêu đẩy cặp đôi đũa lệch ấy vào bước đường phải tìm đến những thứ “thuốc kích thích” lạ lùng để thỏa mãn nhu cầu sinh lý. Cứ thế lún sâu vào bể tình hoan lạc, họ bất chấp luân thường đạo lý, bất chấp sức khỏe và cả tính mạng cho cuộc vui nhục dục, nhưng kỳ diệu làm sao, vẫn có thể gọi là thực thi toàn vẹn đạo làm vợ làm chồng(!).

Lựa chọn hình thức nhật ký cho câu chuyện là một quyết định vô cùng vi tế của Tanizaki

Là người ưa thích tìm hiểu tâm lý bệnh học, Tanizaki tích cực vận dụng kiến thức để viết rất dạn dĩ về đề tài liên quan đến những khoái cảm dị thường do lệch lạc trong tính dục sinh ra. Từ sau khi tác phẩm nhan đề Akuma (Ác ma, 1926) ra đời thì Tanizaki được xem như nhà văn đại diện cho chủ nghĩa ác ma (diabolism) của Nhật Bản.

Là một phong trào văn học nghệ thuật nổi lên cuối thế kỷ 19 ở châu Âu, chủ nghĩa ác ma có khuynh hướng đề cao cái đẹp ở những gì đồi bại và kỳ quái.

Tương tự, Tanizaki trong hơn nửa thế kỷ đi tìm cái đẹp cũng chỉ tập trung vào “cái đẹp có vấn đề”. Ông khai thác xu hướng ngược đãi và bị ngược đãi trong Người cắt lau, Xăm mình; bái vật trong Bàn chân Fumiko; ái thú trong Con mèo, Shōzō và hai người đàn bà; hoặc phức cảm Oedipus trong Mộng phù kiều

Khi mới xuất bản, Hai cuốn nhật ký gây sóng gió dư luận vì bị quy kết là truyện dâm ô. Nhưng sau đó ít lâu, sách đã trở thành một trong những kiệt tác của chủ nghĩa ác ma, của Tanizaki Junichirō.

T.Đ.

Cùng chuyên mục