Món ngon trên phố Hội An

Như tất cả mọi nơi khác, ở phố người ta vẫn thường ăn vặt hàng ngày. Chỉ khác một chút là thị dân phố thường gọi thói quen ăn vặt vào buổi chiều gọi là “ăn xế”. Sau tám giờ tối gọi là “ăn khuya”.

Ngày trước, những gánh hàng rong thường tập trung ở đường Lê Lợi, khoảng từ ngã tư Trần Phú đến tận bờ sông. Khoảng một giờ chiều chen lẫn tiếng chuông leng keng của ông già bán bánh tiêu, bánh bò đứng ở ngã tư đường Nguyễn Thái Học – Lê Lợi là tiếng rao khê nặc của bà bán mì Quảng.

Bà đúng là người Quảng bán mì Quảng, khách hàng xin chút tỏi giã vào nước mắm là bà dứt khoát lắc đầu. Bà giải thích, nước nhưn mì Quảng nấu từ tôm thịt mùi vị thoang thoảng nhẹ nhàng, kê lên sát mũi mới nhận biết, tỏi nặng mùi sẽ phá đi cái cảm giác thưởng thức mùi thơm trước khi ăn.

Hội An một thời quen thuộc với hình ảnh gánh mì Quảng và mì Quảng Phú Chiêm. Ảnh trong bài này do Nét Quảng tự sử dụng hình tư liệu và Internet

Chặp sau ông già bán kẹo kéo đạp xe đến đứng bên cạnh ông già bán bánh tiêu. Họ chờ đám trẻ con xúm lại mua cái bánh, cây kẹo thẩn thơ vừa đi vừa nhai trên đường đến trường.

Cũng vào lúc này những người giúp việc cho bà Hiền bán bún lòng bò bắt đầu sắp xếp bàn ghế trên vĩa hè, chuẩn bị cho buổi bán bún chiều. Bà Hiền là con gái và là người kế nghiệp của bà Dần bán bún nổi tiếng ở nơi này.

Hơn 10 năm nay gánh mì Phú Chiêm của chị Cưng đã dừng bước và bám trụ bên hông tịnh xá Ngọc Châu, khá đông khách, mỗi ngày bán hơn 20 kg mì Quảng

Bún của bà Hiền có một hương vị đặc trưng không nơi nào có được. Khách ăn một lần sẽ nhớ mãi cái hương vị ngai ngái, nằng nặng mùi bò ấy. Bí quyết của bà tôi mới được biết trong những ngày cuối đời của bà.

Đó là cách rửa nồi, bà không dùng xà phòng rửa nồi như mọi người. Bà cho nước vào đầy nồi rồi đun sôi, đổ nước ấy đi trước khi bắt đầu nấu một nồi nước bún khác. Bà cho rằng xà phòng sẽ tẩy đi mùi vị đặc trưng của lòng bò. Ngày qua ngày mùi vị lòng bò thấm vào nồi tạo nên hương vị đặc biệt cho thương hiệu của bà.

Thường ngày khách hàng của bà là những công nhân viên chức, người lao động, thợ thuyền… cứ đúng giờ là đến ngồi chờ quanh hàng bún. Đúng hai giờ rưỡi chiều bà gánh nồi bún ra, theo thứ tự ai đến trước bán trước.

Bà thường có câu nói đùa nổi tiếng: “Ai đến trước bán trước, ai đến sau bán sau, ai đến trễ mai ăn, ai cũng rứa không có chế độ ưu tiên”.

Sau ba giờ chiều là khoảng thời gian sôi động nhất. Bà Mẹo bán bánh bèo tôm chấy nổi tiếng lững thững đến ngồi trên hiên nhà Phan Thành Ký. Bánh bèo của bà làm nhỏ như chiếc nắp chai, rải đều lên trên là lớp tôm chấy thơm nức mũi. Bí quyết làm tôm chấy của bà cho đến nay không còn ai làm được ngon như vậy.

Ông Thiều bán xí mà phù (chí mà phù: chè mè đen) đến 101 tuổi mới nghỉ hưu

Tiếp đến là bà Dương bán bánh bao bánh vạc. Bà giải thích từ bánh bao là gọi dựa theo hình dáng cái túi rút đựng tiền ngày xưa. Bánh vạc chỉ đơn giản là hình dáng nó giống cái quai vạc dùng để đồ xôi nên có khi gọi riêng nó là bánh quai vạc. Món này ngon nhờ nhưn chả tôm thơm nức trong bánh bao và nhưn tôm, thịt heo, giá đỗ trong bánh vạc.

Bánh bao bánh vạc nứt tiếng một thời

Sau này chỉ còn một người con trai của bà nắm được bí quyết của món này nối nghiệp. Thời mở cửa, bánh bao bánh vạc được thực khách năm châu ưa chuộng trở thành món ăn đặc sản của Hội An. Tuy nhiên không rõ từ đâu nó được dịch thành món bông hồng trắng (white rose), có lẽ người chuyển ngữ nhìn thấy bánh bao giống hình một bông hồng trắng nên chuyển ngữ như vậy cho dể hiểu chăng?

Theo thời gian, hình dáng bánh vạc còn giữ nguyên nhưng bánh bao không còn đứng thẳng như cái túi đựng tiền ngày xưa mà dần xẹp xuống cho giống bông hồng hơn. Đây thật là điều đáng tiếc.

Khách thích món ngọt thì phải chờ đến lúc ông già bán chè tào xá và bà Hai Lò gánh chè trôi nước đến ngồi bên hông nhà Huỳnh Sỏ.

Bánh mì Hội An giờ nổi tiếng khắp thế giới. Đi vào nội tại, rõ ràng bánh mì nơi đây có những đặc trưng riêng biệt, dễ thu hút

Hồi xưa nghe đồn ông già tào xá là một cao thủ võ lâm, sở trường về roi, làm mưa làmgió cũng mấy chục năm. Sau này đi bán chè hay dùng đòn gánh làm roi, giang hồ các phái đều nể trọng. Thực hư không biết, nhưng món chè tào xá của ông thì tuyệt hảo, khi ăn nhai trúng một sợi tần bì trộn lẫn trong chè, vị cay thơm của tần bì xông lên đến tận trán, ăn một lần nhớ một đời.

Cao lầu cũng vậy, nhiều người đến đây đều muốn thử một lần

Chè trôi nước của bà Hai Lò làm bằng bột nếp viên tròn với đường cát trắng. Trong mỗi chén chè, ngoài bốn viên nhỏ có một viên lớn bọc nhưn thịt mặn. Số năm có ý nghĩa là số sinh theo quan niệm sinh, lão, bệnh, tử, sinh – đồng thời viên lớn bọc thịt tượng trưng cho sự no ấm, ngọt mặn của cuộc đời.

Mỗi tháng đến rằm, mồng Một bà bán thêm món chay ngon cực kỳ. Bà con hay chọc làm rứa tiền để đâu cho hết, bà nói đùa: “lồm hươ ngày, en một thoán, dư có chỉ doàng hà”.

Ngoài gánh chè bà Hai Lò còn có bà Tám bán chè đậu các loại, nhưng ngon nhất vẫn là chè đậu xanh, vị ngọt bùi, nên thường gọi là bà Tám đậu xanh.

Đến giờ này thì khu vực ngã tư Nguyễn Thái Học-Trần Phú trở nên một phố ẩm thực đủ loại với sự góp mặt của hai chị em bà bán bánh mì chả chiên. Món chả thịt quết nhuyễn đắp lên một phần sáu ổ bánh mì rồi chiên giòn, ăn kèm với khúc chả dồi chiên vàng ươm béo ngậy, món này mà thiếu một tép tỏi thì giảm hương vị đến một nửa.

“Tổng hành dinh” của cơm gà bà Buội. Ngày nay quán bà Buội nhìn thấy ở nhiều nơi

Bà bán bột báng tôm cua lưng cong vòng, với cái nồi tròn như cái lưng của bà, nghe đâu truyền đến bà là được ba đời. Ngồi bên cạnh là bà bán bánh cuốn thịt nướng, thỉnh thoảng múc một muỗng nước cốt thịt đổ vào trã than hồng bốc khói nghi ngút, thơm lừng cả phố, khiến ai ngửi phải đều cầm lòng không đậu.

Ăn uống xong tất nhiên không thể thiếu món hút, đã có bà Đại Đồng ngồi bên cạnh nhà radio Thắng, cung cấp thuốc lá, thuốc xắt Cẩm Lệ. Mấy bà nhai trầu cao thủ thì không thể thiếu một ít thuốc xắt nhai kèm mới đậm đà địa phương tính. Sau này bà nghỉ bán, không còn ai bán món này ở đây nữa.

Nhớ hồi đi học ở Đà Nẵng, chiều cuối tuần về nhà lại phải ghé chỗ ngã năm gần khách sạn Thái Bình Dương mua một gói thuốc về cho má thằng bạn, bởi không có thuốc bà nhai trầu chê nhạt.

***

Đến sẩm tối khu ẩm thực này lại đổ về hướng ngã tư Trần Phú-Lê Lợi, một thời nổi danh với tên gọi ngã tư quốc tế. Thôi thì đủ cháo vịt bà Sắt, bánh mì bà Anh, bánh mì bà Bê nổi tiếng với món pa-tê gan heo béo ngậy, bùi mà không ớn, sau này chẳng mấy ai làm được.

Có thằng bạn học không có tiền mua, thèm đến nổi tối tối chạy đến đứng bên cạnh tủ bánh mì bà Bê ngửi cho đã ghiền rồi về.

Cách nấu và bài trí cơm gà cũng rất đa dạng, mỗi tiệm mỗi kiểu

Cơm gà bà Buội, cơm gà bà Minh nằm trên hai lề đường đối diện nhau. Nếu món cơm của bà Buội bùi hơn, thơm hơn, thì thịt gà của bà Minh được liệt vào hàng ngon nhất phố Hội.

Khách sành ăn thường hay đùa: mua dĩa cơm của bà Buội rồi chạy qua bên kia bỏ thịt gà bà Minh lên trên là trở thành thiên hạ đệ nhất… cơm gà.

Nhiều tủ bánh mì đắt khách nhờ bí kíp làm pa-tê tuyệt vời

Có lẽ phải nhắc đến bà bán hột vịt lộn nắng mưa gì cũng bán đến nửa đêm, truyền xuống hai đời, cho đến bây giờ dường như chỉ còn mỗi mình con gái bà vẫn kiên cường bám trụ ở ngã tư quốc tế hàng đêm.

Những người đi bán rong sữa đậu nành, sữa đậu phụng cũng tụ lại, chỗ ai nấy ngồi, phần ai nấy bán, không một lời to tiếng với nhau. Tất cả tạo thành một khu vực nhộn nhịp kéo dài đến nửa đêm.

Bán buôn có khi đắt khi ế là lẽ tự nhiên. Ngày trước mỗi khi bán ế ẩm, nhưng vì tự trọng nên các bà không đi nài nỉ khách hàng mua giùm. Mỗi khi ế hàng, các bà, các cô mặc thêm áo dài thô màu xám nhạt, rồi gánh đi bán quanh các phố. Thường nhật họ mặc áo bà ba. Nó như được mặc định, khách hàng nhìn thấy là biết họ đang ế ẩm, dù chưa muốn ăn cũng kêu vào mua giúp.

Ngọt thanh lịm và cái hậu mịn màng là dấu ấn của chén chè mè đen

Biết là mua giùm, dù chưa có nhu cầu, nhưng người mua vẫn tỏ thái độ tôn trọng họ bằng câu nói: “Mua để dành cho sắp nhỏ ăn khuya”, mong cho họ đỡ tủi thân. Ngẫm lại thấy văn hóa ứng xử của người xưa thật là tự trọng, tế nhị, chỉ mong lớp hậu sinh sau này kế thừa và gìn giữ được cách mua bán tốt đẹp này của người Hội An.

Thời gian trôi mau, những món ngày xưa bây giờ vẫn còn đó. Lớp trẻ khen ngon, người già chê dở. Đâu biết rằng người già khi ăn thì ăn bằng cả ký ức, cả nỗi nhớ một thời đã qua của mình. Nên món ăn còn đó, ký ức đã xa vời, không gì níu kéo lại được, không ngon miệng cũng là lẽ tự nhiên.

Tuy nhiên, mỗi chiều lang thang trên phố, thoáng ngửi thấy mùi thơm sực nức bay trên từng góc phố, cầm lòng sao đặng. Ngồi xuống bên vệ đường thưởng thức một vài món ngon hè phố, lắng nghe ngọn gió mơn man thổi lên từ phía bờ sông, nhớ lại cái không khí của một thời xưa cũ, chẳng phải là một thú vui tuyệt vời hay sao.

Hội An 01/2015

Trương Nguyên Ngã

Trích từ sách Hội An – Loanh quanh chuyện phố, sắp xuất bản

Cùng chuyên mục