Mỗi người Việt ‘gánh’ 35 triệu đồng nợ công: Hàng loạt dự án đội vốn, kém hiệu quả

Bên cạnh dự án thua lỗ, một loạt dự án vay vốn ODA vừa qua cũng rất kém hiệu quả, bị điều chỉnh tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu.

Thông tin kịch bản nợ công Nguồn: Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT

Bên cạnh dự án thua lỗ, một loạt dự án vay vốn ODA vừa qua cũng rất kém hiệu quả, bị điều chỉnh tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu như: dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) tăng từ 19.555 tỉ đồng lên 51.750 tỉ đồng, sau khi thẩm định đề nghị điều chỉnh xuống 33.568 tỉ đồng; dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM tuyến 1 (Bến Thành – Suối Tiên) tăng từ hơn 17.387 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng; dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM (Bến Thành – Tham Lương), dự kiến tăng từ 26.116 tỉ đồng lên 47.604 tỉ đồng; dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) đội vốn 8.769 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng…

Nguyên nhân chủ yếu theo Bộ KH-ĐT, các dự án bị kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng dẫn tới phát sinh thêm chi phí; năng lực của tư vấn kém, đưa ra các giải pháp thiết kế, tính toán chưa chính xác…
Tại dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) quá trình thẩm tra tổng mức đầu tư đã phát hiện nhiều sai sót trong quá trình tính toán chi phí đầu tư như áp dụng tỷ giá quy đổi, chi phí dự phòng không theo quy định, tính sai khối lượng một số hạng mục…; dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM (Bến Thành – Tham Lương), tư vấn đã bỏ sót khối lượng và hạng mục chi phí trong báo cáo khả thi dự án.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ nhiều dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, phải khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, hoặc ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ nước ngoài. Cụ thể, có 60 dự án vay lại chuyển nợ quá hạn (gốc, lãi, phí) 10.556 tỉ đồng, chiếm 3,3% tổng dư nợ cho vay lại.
Điển hình, dự án Vinashin chiếm 8.180 tỉ đồng; 9 dự án được Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ quỹ tích lũy trả nợ với dư nợ 4.618 tỉ đồng (đã được khoanh nợ): dự án Nhà máy xi măng Sông Thao; Nhà máy xi măng Hạ Long; Nhà máy giấy Phương Nam; Nhà máy xi măng Thái Nguyên; Nhà máy thủy điện Xekaman 3; Nhà máy xi măng Đồng Bành; Nhà máy mía đường Sông Con; Xi măng Tam Điệp và Giấy Việt Trì. Ngoài ra, khoản ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) để thanh toán trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh 2.477 tỉ đồng chưa được VEC ký nhận nợ với Bộ Tài chính.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đặt vấn đề về tình trạng sử dụng vốn không hiệu quả trong chi đầu tư phát triển, minh chứng qua những con số, những phụ lục về danh sách hàng dài các dự án đội vốn, thua lỗ nghìn tỉ được Quốc hội hằng năm công khai khi kèm theo các báo cáo nợ công.
“Ở đây chúng ta phải nói theo luật, rằng mặc dù nợ của doanh nghiệp nhà nước không tính vào nợ công nhưng qua đó để thấy rằng, tình trạng đầu tư không hiệu quả mới là điều đáng ngại hơn cả trong vấn đề nợ công chứ không phải vay được hay không. Năm 2011, doanh nghiệp nhà nước từ chỗ 1,8 đồng vốn thì tạo ra 1 đồng doanh thu thuần thì đến năm 2016, tỷ lệ này tăng lên 2,91 đồng vốn mới tạo được 1 đồng doanh thu thuần. Nếu so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chẳng hạn, thì khu vực này từ chỗ chỉ cần 1,17 đồng vốn (2011) để tạo ra 1 đồng doanh thu thuần thì đến năm 2016 họ chỉ còn cần 1,05 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu thuần”, ông Trinh dẫn số liệu so sánh.

 

Nguồn “thanhnien.vn”

 

Cùng chuyên mục