Lời hứa về một đô thị hướng ra sông Hàn

Quy hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của TP Đà Nẵng đòi hỏi phát triển kinh tế hài hòa trên địa bàn toàn thành phố, sự tăng trưởng về giao thông, cụ thể về “đô thị thông minh” là gì!

loi-hua-ve-mot-do-thi-huong-ra-song-han

Cần tính đến hai chủ đề quan trọng trong Quy hoạch tổng thể TP Đà Nẵng đó là:

Mối quan hệ giữa đô thị và các khu vực ngoại thành, những không gian nuôi sống người dân thành phố.

Những mối liên hệ giữa thành phố Đà Nẵng với sông Hàn, cách xử lý các dải bờ sông và khả năng đưa không gian thiên nhiên vào thành phố.

Nông nghiệp ven đô

Ở Việt Nam, nhìn chung những thay đổi đối với quy hoạch chung thường là cơ hội để chuyển đổi các diện tích đất nông nghiệp thành đất xây dựng đô thị để nâng cao giá trị sử dụng đất, từ đó thúc đẩy thị trường tài chính bất động sản (khi đó không phải là vấn đề mở rộng địa giới hành chính để nâng hạng đô thị). Đây là nét đặc thù của các đô thị lớn và đô thị trung bình thuộc loại 1 và loại 2. Tuy nhiên, những thay đổi này đôi khi làm phương hại đến tầm nhìn dài hạn của thành phố; chúng phá vỡ mối quan hệ đôi khi đã tồn tại hàng thế kỷ giữa nông nghiệp và môi trường tự nhiên.

Chính nông dân và những người có quyền sử dụng đất ở quy mô nhỏ – nạn nhân của tình trạng đầu cơ bất động sản nhưng không đủ khả năng bảo vệ mình – trở thành những nạn nhân đầu tiên, sau đó là những cư dân thành thị chịu sự phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất nông nghiệp ven đô với các sản phẩm rau, củ, quả. Khi loại bỏ các diện tích đất nông nghiệp và hoa màu gần kề các đô thị, chúng ta tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu và sự lệ thuộc về lương thực – thực phẩm, khiến nhu cầu vận chuyển thực phẩm trên khắp đất nước gia tăng một cách vô lý, đồng thời góp phần không ngừng gia tăng lượng khí thải CO2. Giờ đây, một số loại rau cũng phải nhập khẩu từ hàng nghìn cây số, đôi khi từ nước ngoài, trong khi cuộc khủng hoảng COVID đã khiến toàn thế giới phải nâng cao nhận thức về vấn đề cấp bách là nên tiêu dùng những gì được sản xuất ngay gần địa điểm mình sinh sống.

Với Đà Nẵng thì đó là điều cần cảnh giác!

Những định hướng mới trong Quy hoạch tổng thể đến năm 2045 nên chăng bảo vệ các khu vực nông nghiệp hiện có và củng cố sự tồn tại của chúng, điều này cũng áp dụng cho việc duy trì và củng cố mạng lưới thủy văn hiện có, bổ sung, làm phong phú và hài hòa cảnh quan nông nghiệp xung quanh thành phố và tạo ra nhiều môi trường sinh cảnh. Chất lượng nước và việc xử lý nước ở thượng nguồn của các khu vực sản xuất nông nghiệp phải được kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, ý tưởng quy hoạch ngàn hồ quanh Đà Nẵng là một ý tưởng tuyệt vời.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dòng chảy sông và lũ lụt hàng năm gia tăng rất mạnh bởi tình trạng phá rừng bừa bãi đang diễn ra ở các vùng núi thuộc khu vực miền Trung Việt Nam (hàng ngàn héc-ta cây rừng bị chặt hạ để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường gỗ châu Á). Điều đó làm gia tăng lũ lụt theo mùa khi tần suất mưa bão nhiều hơn ở Đà Nẵng.

Vai trò của sông Hàn

Thế kỷ XXI sẽ là kỷ nguyên của đô thị và kết nối. Đà Nẵng sẽ tìm được chỗ đứng của mình trong sự cạnh tranh của các thành phố lớn nếu tạo được sự khác biệt và phát huy được bản sắc. Nếu Đà Nẵng chỉ cần kiến tạo bản sắc riêng nhờ vào đặc điểm địa lý độc đáo của mình thì sông Hàn và các không gian hai bên bờ là những yếu tố mang đến cơ hội có một không hai để tạo nên một thành phố sáng tạo. Thành phố cần quy hoạch phát triển một chuỗi liền mạch các tuyến kè ven sông tạo nên sức hấp dẫn theo hướng đa chức năng với nhiều không gian khác nhau để thiên nhiên lan tỏa vào không gian đô thị. Cho đến ngày nay, không gian đô thị ở Đà Nẵng chưa thực sự hoàn toàn hướng ra sông.

Các đô thị ngày một mở rộng, nhưng đặc điểm địa lý lãnh thổ thì không bao giờ thay đổi. Nhiều đô thị được hình thành một cách tự nhiên bên bờ những dòng sông. Đà Nẵng cũng vậy, một đô thị mọc lên nơi cửa sông đổ ra biển. Mối quan hệ giữa cấu trúc không gian đô thị và địa bàn lãnh thổ mềm mại và uốn lượn của các dòng nước tạo nên nét đặc trưng cho các đô thị. Tại Đà Nẵng, cấu trúc đô thị và việc tổ chức quy hoạch các tuyến kè từ thời Pháp thuộc hiện đang phải đối mặt với những thay đổi đáng kể về công năng sử dụng và phát triển đô thị. Bên cạnh đó là những áp lực về đất đai cũng như sự phát triển hệ thống giao thông vận tải. Các hoạt động khai thác kinh tế trước đây dọc theo các tuyến kè sông Hàn hiện gia tăng gấp đôi nhờ những tuyến kè mới hiện đại và tập trung vào du lịch, đó là dải bờ biển. Những tuyến không gian ven bờ này tạo nên một bản sắc riêng biệt cho đô thị và mở ra vô vàn không gian mới. Tùy từng trường hợp, mỗi địa bàn lãnh thổ sinh ra một nét đặc trưng, nét đẹp đó như một tấm bưu ảnh về đô thị đó. Một số đô thị được hình thành gắn liền với những dòng sông xinh đẹp, một số khác thì không…

Những khu vực bên bờ sông Hàn đang biến động từng ngày, cần được quy hoạch thành những không gian mới hiện đại và mang tính biểu tượng cho sự gắn bó với nỗ lực gìn giữ và bảo vệ chất lượng môi trường sống.

Trong nửa sau của thế kỷ XX, tại nhiều đô thị lớn, chức năng cảng biển và các khu vực lân cận dần nhường chỗ cho những tuyến đường lớn chia cắt một cách thô bạo mối liên hệ của người dân đô thị với dòng sông của họ. Chúng ta có thể tránh được sai lầm này tại Đà Nẵng nếu các chức năng sử dụng đất và phát triển đô thị ở các vùng bờ sông lường trước được sự chia cắt như vậy giữa không gian đô thị và không gian tự nhiên.

Đối với các khu vực ven đô, cần có cách tiếp cận tôn trọng hiện trạng về di sản, kinh tế hoặc sinh thái. Cần có những giải pháp quy hoạch tính đến những công năng hiện hữu và người dân địa phương, tạo sự hòa nhập với lịch sử phong phú của thành phố gắn với dòng sông và qua đó tác động tới mối quan hệ của dân cư với thiên nhiên: Những cách ứng xử của họ với các không gian mở, những mong muốn của họ.

Dự án phát triển các trục không gian đô thị hướng ra sông Hàn là một dự án di sản trong tương lai, đây phải là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất cho một đô thị của thế kỷ XXI. Cần tạo ra những không gian mới cho phát triển đô thị, kiến tạo một cảnh quan độc đáo và mang tính biểu tượng, một thiết kế cảnh quan và đô thị thúc đẩy quá trình cảm nhận trực quan về lãnh thổ, biến nơi đó thành những địa điểm có sức sống và giao lưu cộng đồng. Thành phố cần tạo nên diện mạo đô thị hấp dẫn, phản ánh sự năng động, một cách tiếp cận khác đơn giản và thân thiện môi trường, một đề xuất có tính đối trọng với khái niệm “Đô thị thông minh” vốn chỉ khuyến khích những khía cạnh đặc thù và mang nặng tính tinh hoa của đô thị thông minh, nhưng lại bỏ qua các mối quan hệ nuôi dưỡng gắn liền với đặc điểm lãnh thổ, cội nguồn của mọi bản sắc.

loi-hua-ve-mot-do-thi-huong-ra-song-han

Đà Nẵng – đô thị bền vững?

Đô thị bền vững là đô thị nơi chúng ta sinh sống, đô thị thống nhất trong đa dạng, đô thị liên kết, có thể chuyển hóa và vững vàng trước mọi biến đổi. Đô thị bền vững chú ý đến nông nghiệp địa phương, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, trong đó các hoạt động giao thương diễn ra theo cự ly gần và lành mạnh. Đô thị bền vững là đô thị nén, tích hợp các giá trị lịch sử và di sản trong quá trình phát triển hài hòa. Cuối cùng, một đô thị bền vững chỉ tồn tại nếu thực hiện được những hứa hẹn của mình …

Do đó, bản quy hoạch tổng thể mới của thành phố phải giữ được những lời hứa này; kết nối đô thị nén với con sông và mở rộng các không gian nông nghiệp ở ngoại ô tạo nguồn cung thực phẩm trực tiếp cho thành phố.

Theo moitruongvadothi.vn/ Tạp chí kiến trúc

 

Link nguồn: https://www.moitruongvadothi.vn/do-thi/quy-hoach-kien-truc/loi-hua-ve-mot-do-thi-huong-ra-song-han-a84258.html

Cùng chuyên mục