Mở cửa bảo tàng tư nhân
Việc tự do mở cửa bảo tàng tư nhân đã tạo nên cú hích mang đến sự đa dạng cho các hoạt động trưng bày và lưu giữ hiện vật.
Thắp lửa niềm đam mê bảo tàng
Hệ thống bảo tàng tư nhân ở nước ta hiện nay có thể nói là “trăm hoa đua nở”, với sự xuất hiện và hoạt động của đủ loại hình: Bảo tàng Sâm Ngọc Linh, Bảo tàng Vũ khí cổ, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng Mỹ thuật họa sĩ Tốt và gia đình, Bảo tàng Áo dài của Sĩ Hoàng, Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long…
Theo luật Di sản văn hóa, tổ chức và cá nhân có nhu cầu thành lập bảo tàng gửi hồ sơ đề nghị thành lập đến người có thẩm quyền, gồm văn bản đề nghị thành lập, giấy xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các điều kiện được quy định: Có sưu tập theo một hoặc nhiều chủ đề; Có nơi trưng bày, kho và phương tiện bảo quản; Có người am hiểu chuyên môn phù hợp với hoạt động bảo tàng. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, người có thẩm quyền quyết định thành lập bảo tàng có trách nhiệm xem xét, quyết định; trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Chuẩn bị chu đáo hơn 11 năm, tháng 12.2019, nhà sưu tầm sâm Nguyễn Tấn Việt (TP.HCM) vừa khai trương Bảo tàng Sâm Ngọc Linh tại 374 Nguyễn Sơn, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú (TP.HCM). Bảo tàng gồm gần 400 hiện vật sâm Ngọc Linh được trang trí đẹp mắt, độc nhất vô nhị trong các bình thủy tinh rượu. Nguyễn Tấn Việt cho biết: “Việc làm bảo tàng sâm đối với tôi là một cơ duyên. Khi ấy, má tôi bệnh nặng, trong quá trình điều trị phải sử dụng tới loại dược liệu này nên tôi phải cất công đi tìm. Sau đó, tôi ấp ủ dự định thành lập bảo tàng…”.
Nguyễn Tấn Việt đã lên Kon Tum “nếm mật nằm gai”, vào tận núi cao, vực sâu lùng mua những loại sâm quý hiếm từ 10 năm tuổi đến gần 100 năm tuổi, có hình dáng độc đáo nhất mang về nhà máy sơ chế, tạo dáng cho phù hợp với từng kích cỡ bình để có tính mỹ thuật cao. Về việc thành lập bảo tàng, ông Việt cho biết: “Lúc mới xin phép lập bảo tàng, tôi khá lo lắng, nhưng nhờ làm tốt công tác lý lịch hiện vật nên mọi việc diễn ra thuận lợi. Cũng nhờ các lãnh đạo ở Sở VH-TT TP.HCM và Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nên chỉ sau vài tháng, bảo tàng đã đi vào hoạt động, gây bất ngờ với du khách về quy mô và số lượng lớn các hiện vật sâm Ngọc Linh ngay giữa TP.HCM”.
Là một trong số những bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP.HCM, Bảo tàng Áo dài của nhà thiết kế Sĩ Hoàng được biết đến như một địa điểm kể những câu chuyện về chiếc áo dài VN từ lúc hình thành đến nay với những đổi thay của đất nước, trong một không gian Việt với những nếp nhà mang kiến trúc truyền thống và màu sắc thiền – tịnh, đậm dấu ấn sông nước miền Tây. Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài, cho biết: “Trước khi có dịch Covid-19, số lượng khách tham quan bảo tàng gia tăng nhanh từng năm. Năm 2017, chúng tôi đón khoảng 2.000 người, đến 2018 là 5.000 lượt và năm 2019 lên đến 10.000 khách tham quan. Điều đó nói lên sức hút của công chúng đối với bảo tàng tư nhân…”.
Bằng tình yêu với VN, ông Robert Taylor (người Anh) đã đến Vũng Tàu thành lập Bảo tàng Vũ khí cổ Robert Taylor với gần 4.000 hiện vật, gồm: súng, gươm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, quân trang, quân phục… của nhiều nước, có niên đại từ thế kỷ 17 – 20. Đây là những hiện vật mà Robert Taylor (nay 76 tuổi) cất công sưu tầm từ năm 18 tuổi. Đại diện Bảo tàng Vũ khí cổ Robert Taylor, chị Nguyễn Thị Thu Trang, cho biết: “Bảo tàng mở cửa từ năm 2016. Do tính độc lạ của các hiện vật, từ những bộ quân phục của quân đội Anh, Pháp, Hà Lan, Nga, Đức… trong các cuộc thập tự chinh đến trang phục của võ sĩ samurai Nhật Bản, kỵ binh Trung Quốc, súng carbine của vua Napoleon Bonaparte (từ 1600 – 1620), súng lục của nữ hoàng Anh năm 1728, súng máy Maxim Nga từng nổi đình nổi đám trong thế chiến thứ nhất…; được chú giải đầy đủ và có thuyết minh tận tình, chu đáo nên du khách tới Vũng Tàu thường tìm đến đây tham quan và rất mê”.
Nên có cơ chế thông thoáng
Hiện nay, luật Di sản văn hóa cho phép và khuyến khích thành lập bảo tàng tư nhân. Chính việc xã hội hóa bảo tàng cũng chia sẻ áp lực về đầu tư văn hóa với nhà nước. Giám đốc Bảo tàng Áo dài Huỳnh Ngọc Vân cho rằng: “Mô hình bảo tàng tư nhân đang hoạt động rất hiệu quả, do gắn liền với điều kiện của riêng từng người nên họ phải nỗ lực, không trông cậy vào ai. Họ không nhờ vào ngân sách, mà “đất của mình, nhà của mình, người của mình, hiện vật của mình” nên phải… bơi hết cỡ để tạo ra lợi nhuận, phát huy mọi giá trị của các hiện vật đang nắm giữ, và tìm mọi nguồn thu để nuôi dưỡng chúng”.
Đồng tình với quan điểm này, TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, khẳng định: “Việc mở cửa cho bảo tàng tư nhân đóng góp thêm nguồn lực của xã hội cho sự phát triển giá trị di sản, giúp công chúng có thêm nhiều cách tiếp cận tri thức, mở mang văn hóa, đó là điều đáng hoan nghênh. Không chỉ đóng góp hiện vật, công sức, kỹ năng, trí tuệ…, bảo tàng tư nhân còn lưu giữ nhiều hiện vật vô giá, chống chảy máu cổ vật ra nước ngoài. Sự thông thoáng trong cơ chế đã thắp lửa thêm cho niềm đam mê cháy bỏng của nhà sưu tập, và những nỗ lực cá nhân rất đáng trân trọng”. Cũng theo ông Tuấn: “Chúng tôi sẽ sát cánh hỗ trợ các bảo tàng tư nhân về mặt chuyên môn và bảo quản để nghiệp vụ ngày một hoàn thiện, chuyên nghiệp hơn. Tôi cũng mong nhà nước có những ưu đãi về chính sách, tạo hành lang pháp lý phù hợp để bảo tàng tư nhân hoạt động hiệu quả, đừng để họ “tự thân vận động” đủ thứ như hiện nay”.
Nguyễn Tấn Việt, người có 3 bằng đại học nhưng quyết định “rẽ ngang” làm nhà sưu tầm và đầu tư bảo tàng, tâm sự: “Thực ra, nếu muốn làm giàu, tôi đã kinh doanh nghề khác, chứ ai vất vả đi làm bảo tàng rồi mở cửa chỉ để khách tới xem miễn phí”. Ông kiến nghị: “Cơ quan quản lý nên có sự tư vấn cụ thể, thường xuyên cho các nhà sưu tập nếu có nguyện vọng thành lập bảo tàng tư nhân. Bởi, ngoài tình yêu lớn, đam mê cổ vật tiêu tốn nhiều tiền bạc và công sức thì họ không rành rẽ về các thủ tục pháp lý, nghiệp vụ… Ngoài ra, ngành du lịch nên có thêm sự kết nối hơn nữa với chúng tôi, đưa hoạt động này vào chương trình tham quan chính thức như một điểm đến hấp dẫn, sẽ giúp cho hệ thống bảo tàng tư nhân có điều kiện phát triển, quảng bá văn hóa Việt đến với du khách và phát huy các giá trị di sản”.
Theo Lê Công Sơn (Thanhnien.vn)
https://thanhnien.vn/van-hoa/mo-cua-bao-tang-tu-nhan-1256611.html?fbclid=IwAR10Hqe3fshyHlNSeO6tI0fUJUMuCpG4cwRRtHxOtjOxbLcB2D8MDl35nHw