Miền Trung lao đao trong đại hạn

Nắng gắt, thiếu nước, cháy rừng đã diễn ra ở nhiều vùng của miền Trung làm đảo lộn sinh hoạt của người dân. Ở một số nơi, không chịu nổi nắng nóng, nông dân phải làm việc đồng áng vào ban đêm.

Lo rừng cháy, người khát

Tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài từ cuối tháng Năm đến nay khiến nhiều khu rừng ở tỉnh Nghệ An có nguy cơ xảy ra cháy lớn. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An phải đặt chốt giữ những vùng rừng trọng điểm.

Tại H.Diễn Châu, chốt kiểm soát được lập tại các xã Diễn Phú, Diễn Đoài để kiểm soát người ra vào rừng. Anh Nguyễn Xuân Thuận – phụ trách chốt canh gác tại xã Diễn Phú – cho biết chốt canh gác được thành lập trong bốn tháng cao điểm mùa nắng nóng (từ ngày 17/5 – 17/9). Ngoài việc ghi lại thông tin người ra vào rừng, cán bộ các chốt còn tuyên truyền, nhắc nhở người dân không mang lửa vào rừng.

mien-trung-lao-dao-trong-dai-han
Nắng hạn nhiều ngày khiến suối Ta Rinh chảy qua xã A Ngo, H.A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế dần cạn kiệt.

Tại H.Đô Lương, các điểm kiểm soát, chòi canh được lắp đặt trên các đỉnh núi cao nhằm quan sát được toàn bộ diện tích rừng trong phạm vi quản lý. “Tại chòi, có 3-4 công nhân thay nhau túc trực mỗi ngày, chỉ cần thấy đám khói là báo cáo, xử lý ngay” – anh Hòa, phụ trách chòi canh ở xã Hòa Sơn, H.Đô Lương, nói.

“Chín giờ là nắng gắt không chịu nổi. Để kịp mùa vụ, cả tuần qua, chúng tôi phải tranh thủ mang cơm ra ruộng thu hoạch lúa, làm đất rồi cấy lúa ban đêm để tránh nắng” – bà Trần Thị Mai, trú tại xã Quang Thành, H.Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nói.

Trên bảy xã vùng Lìa dọc tuyến biên giới Việt – Lào thuộc H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, nguồn nước dùng cho sinh hoạt đang dần khan hiếm. Người dân các xã A Xing, Thanh, Thuận, A Túc, Xy… phải lấy nước từ sông Sê Pôn hoặc các khe suối, giếng đào để dùng. Múc mước ở giếng đào duy nhất của thôn Po Ro, anh Hồ Văn Theo – ở bản Po Ro, xã Xy – nói: “Hằng ngày, cử (tôi) đều phải đi bộ gần 2km đến đây lấy nước, mỗi lần chừng 10 lít về phục vụ cho cả gia đình năm người. 60 hộ dân bản Po Ro dùng chung giếng này, nếu nhiều người đến trước lấy hết nước, người đến sau phải đợi đến chiều mới có nước lại”.

mien-trung-lao-dao-trong-dai-han
Bà con ở xã Xy, H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị mong muốn có thêm nhiều điểm cấp nước sạch để có nước dùng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở vùng Lìa, những năm gần đây, người dân đã được hỗ trợ giếng khoan, bể nước tự chảy cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Riêng tại xã A Xing, từ năm 2007 đến nay, đã có 36 giếng khoan và gần 30 bể nước tự chảy được đầu tư xây dựng nhưng do quản lý kém, địa chất khắc nghiệt, nguồn nước ô nhiễm nên nhiều công trình đã bỏ hoang.

Dự án thủy lợi “đắp chiếu”

Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, hạn nặng đầu mùa khô ảnh hưởng đến 1.000ha lúa của các huyện Phú Vang, A Lưới. Đặc biệt, hàng trăm héc-ta lúa và hoa màu ở thị trấn Phú Đa, H.Phú Vang khát nước đã nhiều năm nay nhưng công trình tưới tiêu kênh mương nằm cạnh đó thi công năm năm qua vẫn chưa hoàn thành.

Ông Mai Bá Mọt – ở thôn Vĩnh Trình, thị trấn Phú Đa – cho biết vụ hè thu này, gia đình ông tiếp tục bỏ hoang hơn ba sào ruộng lúa do nguồn nước tưới chủ yếu dựa vào tự nhiên, trong khi không có kênh dẫn nước từ sông Đại Giang về: “Năm nào cũng chỉ làm được một vụ thôi. Tiến độ của dự án đưa nước từ sông Đại Giang vào quá chậm, dân chờ dài cổ”. 150ha đất lúa ở hai thôn Lương Vĩnh, Vĩnh Trình, thị trấn Phú Đa đều chỉ làm được một vụ.

mien-trung-lao-dao-trong-dai-han
Ông Mai Bá Mọt (thôn Vĩnh Trình, thị trấn Phú Đa, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) chờ nước để làm vụ hè thu bên đám ruộng khô cháy

Trong khi đó, hệ thống tưới Thanh Lam – Phú Đa dẫn nước từ sông Đại Giang có tổng kinh phí gần 32,7 tỷ đồng, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2016, đến nay vẫn ì ạch. Mới đây, ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế – đã đến kiểm tra công trình này, yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Trong vụ hè thu này, tỉnh Thừa Thiên – Huế có khoảng trên dưới 3.000ha lúa phải chuyển đổi sang cây trồng khác, chủ yếu tập trung ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang và một số xã của hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới.

Ngộp thở vì dịch đi kèm nắng nóng

Đầu tháng 5/2020, TP.Đà Nẵng xuất hiện đợt dịch covid-19 thứ tư khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Hơn một tháng trời, thành phố rơi vào tình trạng ngột ngạt với công cuộc phòng, chống dịch căng thẳng trong thời tiết nắng nóng.

Anh Phan Đình Phước – công nhân Công ty cổ phần Đối Tác Chân Thật Đà Nẵng – cho hay: “Công ty mình làm về logistics nên vẫn có công việc đều, nhưng vợ mình làm ở mảng du lịch từ năm 2020 đến nay thất nghiệp. Tiền lương của mình chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày và nuôi con. Mùa nắng nóng, chi phí trả cho ngành điện rất nhiều. Phòng trọ chật chội, con nóng nảy không ngủ được, vợ chồng mình phải cắn răng lắp máy điều hòa. Đợt dịch này, chính quyền hạn chế ra ngoài nên vợ con ở nhà cả ngày, tiền điện tăng vọt lên mấy trăm ngàn đồng”.

Chị Nguyễn Thị Sương – quê ở tỉnh Quảng Trị – kể: “Em làm công nhân ở khu công nghiệp Hòa Khánh, chồng em làm môi giới bất động sản. Dịch giã liên tục, giao dịch nhà đất ở Đà Nẵng đóng băng nên chồng tạm chuyển qua làm shipper. Chỉ thương ảnh chạy cả ngày ngoài đường, nhất là buổi trưa nắng. Họ kêu ship hàng nhiều nên phải chạy liên tục”.

Chị Nguyễn Thị Bảy – công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster (Khu công nghiệp Hòa Cầm, TP.Đà Nẵng) – cho biết: “Trong đợt dịch này, bên Khu công nghiệp An Đồn bị nhiễm tùm lum. Chúng tôi làm bên khu công nghiệp này vẫn làm việc nhưng giữ khoảng cách kỹ hơn. Vào mùa nắng nóng nhưng để phòng dịch, nhà xưởng tắt máy điều hòa, chuyển qua bật quạt và thông gió nên người cứ lừ đừ”. Lương của chị Bảy khoảng gần 5 triệu đồng/tháng, đóng tiền điện hơi nặng nhưng phòng trọ chật chội nên vẫn phải bật quạt liên tục để chống nóng cho con.

Dịch bệnh liên tiếp kèm thời tiết cực đoan đang vắt kiệt dần sức người lao động. Anh Tô Xuân Hoan – người Hà Tĩnh – kể: “Ra tết, tôi dẫn nhóm khoảng chục anh em từ quê vào Đà Nẵng làm công trình. Dịch liên tục nên công trình dân sinh không có mấy, công trình dự án nhà nước thì khó xin. Đợt rồi, anh em chúng tôi làm ở công trình cầu vượt phía tây cầu Trần Thị Lý nhưng nhà thầu không cho ứng tiền nên đành phải nghỉ. Chúng tôi phải lên khu đô thị Golden Hills đúc gạch. Đợt rồi, tôi tính về quê để xoay xở tiền vào trang trải cho anh em nhưng ngoài quê lại bùng dịch. Vậy là mấy anh em phải ở lại, dựng lán sống tạm ngay chỗ làm, trưa nắng thì nằm vật vờ dưới gốc cây, ăn uống lay lắt qua ngày, chờ hết dịch”.

Quảng Nam: Ruộng bỏ hoang do hạn, mặn 

Theo ông Huỳnh Ngọc Hùng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam – toàn xã có 45ha đất trồng lúa và rau màu nhưng vụ hè thu này, chỉ mới sản xuất được 20ha. Vừa qua, địa phương đã làm việc với UBND xã Duy Phước, H.Duy Xuyên, đề nghị hỗ trợ nước tưới, sản xuất thêm được 6ha. “Số diện tích còn lại không có nước nên đành phải bỏ hoang. Không những vậy, xã còn bị tình trạng xâm nhập mặn, nước mặn xâm nhập vào sâu trong đồng ruộng đến hơn 5km” – ông Hùng cho hay.

Tại xã Duy Sơn, H.Duy Xuyên, 120ha đất sản xuất không có nguồn nước. Địa phương này phải đắp ba con đập thời vụ để tăng cường nguồn nước cho các trạm bơm cố định, mở mới một tuyến kênh dài 350m để dẫn nước từ các trạm bơm về tưới cho đồng ruộng. Vụ hè thu này, UBND huyện dự kiến sản xuất hoa màu trên 7.650ha, trong đó có hơn 3.500ha đất lúa, nhưng phải cắt giảm và chuyển 120ha đất lúa sang trồng cây khác do các hồ, đập thiếu nước trầm trọng.

Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho hay tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chuyển đổi sản xuất, cân đối nguồn nước tại các hồ chứa, áp dụng các biện pháp tiết kiệm và khai thác nước bằng mọi cách để phục vụ sản xuất.

Nhóm PV miền Trung – Ảnh: Thuận Hóa

Theo phunuonline.com.vn

 

Link nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/mien-trung-lao-dao-trong-dai-han-a1437007.html

Cùng chuyên mục