Mì Quảng được giới thiệu trang trọng trên báo Nhật

Sau chuyến đưa nghệ nhân, dụng cụ qua Nhật Bản nấu mì Quảng phục vụ quan khách ngoại giao, ngày 23-12 báo Nikkei của Nhật Bản đã dành thời lượng lớn trên số báo đặc biệt để giới thiệu món ăn dân dã này của Việt Nam.

Mì Quảng "chính hiệu" Phú Chiêm - Quảng Nam - Ảnh: N.D
Mì Quảng “chính hiệu” Phú Chiêm – Quảng Nam – Ảnh: N.D

Trong thư giới thiệu về bài báo, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản ông Vũ Hồng Nam cho biết bài báo được in đúng vào ngày 23-12 nhằm ngày sinh nhật của Hoàng đế Nhật Bản – ngày Quốc khánh Nhật Bản, số lượng phát hành của kỳ báo này lên tới 3 triệu bản trên toàn nước Nhật.

“Rất nhiều bạn bè, kể cả cấp bộ trưởng, nghị sĩ, bạn bè ở các địa phương, doanh nghiệp khi gặp tôi hoặc gửi email cho đại sứ quán đều cho biết đã đọc được bài báo giới thiệu và thấy món mì Quảng rất ngon. Nhiều người mong muốn được sớm thưởng thức món này. Ít nhất một nhà hàng Việt Nam mà chúng tôi biết, tại Tokyo, đã đưa vào thực đơn món mì Quảng để phục vụ khách hàng.

Những phần mì Quảng được nấu tại Nhật Bản để chiêu đãi quan khách, các nhà báo Nhật - Ảnh: N.H
Những phần mì Quảng được nấu tại Nhật Bản để chiêu đãi quan khách, các nhà báo Nhật – Ảnh: N.H

Việc quảng bá mì Quảng còn góp phần quảng bá cho tỉnh Quảng Nam như một điểm đến du lịch nổi tiếng, hấp dẫn cho du khách nhật” – đại sứ Vũ Hồng Nam viết trong thư gửi UBND tỉnh Quảng Nam và đơn vị tổ chức chuyến đi Nhật Bản cho các nghệ nhân mì Quảng.

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, cuối tháng 11 vừa qua một đoàn nghệ nhân gồm 4 người đã qua Nhật Bản để nấu món mì Quảng chiêu đãi quan khách ngoại giao, nhà báo tại Nhật Bản. Để làm món ăn này ngay trên đất Nhật, đoàn nghệ nhân đã phải đưa cối đá cổ, nguyên liệu, gia vị… lên máy bay, qua đại sứ Quán Việt Nam tại Nhật Bản để giã bột, nấu mì.

Tô mì Quảng được các nghệ nhân nấu ra phục vụ khách du lịch - Ảnh: N.H
Tô mì Quảng được các nghệ nhân nấu ra phục vụ khách du lịch – Ảnh: N.H

Những tô mì Quảng được nấu trên đất Nhật đã đón nhận được thiện tình đặc biệt từ bạn bè Nhật, các nhà báo. Đoàn đã tặng lại bộ dụng cụ cũng như chuyển giao công thức nấu mì Quảng cho phía những người bạn Nhật Bản, đại sứ quán Việt Nam tại Nhật.

Trích dẫn nội dung bài báo đăng trên Nikkei ngày 23-12:

Mì Quảng – món mì nổi tiếng ở Việt Nam

Việt Nam – Quốc gia với nền văn hoá lúa gạo trong khu vực Đông Nam Á, có rất nhiều món mì được sử dụng nguyên liệu từ bột gạo. Ở các vùng miền khác nhau, chúng ta có thể thưởng thức các loại mì khác nhau như phở ở miền Bắc, hủ tiếu ở miền Nam hay các món bún thì phổ biến đối với mọi người dân.

Lần này chúng tôi được Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản ông Vũ Hồng Nam giới thiệu món mì Quảng – một món ăn nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, một tỉnh miền Trung Việt Nam. ‘

Nghệ nhân Cao Tấn Nam - một trong bốn nghệ nhân đang trình diễn công đoạn nghiền bột gạo làm mì Quảng cho các nhà báo Nhật ghi hình trong Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản - Ảnh: N.H
Nghệ nhân Cao Tấn Nam – một trong bốn nghệ nhân đang trình diễn công đoạn nghiền bột gạo làm mì Quảng cho các nhà báo Nhật ghi hình trong Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản – Ảnh: N.H

Đại sứ Nam lần đầu được thưởng thức mì Quảng cách đây hơn 30 năm và có ấn tượng sâu sắc với món ăn này. “Được sử dụng những nguyên liệu đặc biệt của địa phương, tôi chỉ có thể ăn món này tại chính Quảng Nam. Tinh thần của đất nước được thể hiện qua sự tinh tế của cách chế biến cũng như hương vị mì Quảng”.

Nhân dịp này, chúng tôi cũng được gặp bốn đầu bếp, là các nghệ nhân đến từ tỉnh Quảng Nam. Gạo được ngâm qua đêm và xay bằng cối đá cổ 150 tuổi. Tiếp đó, bột gạo được tráng trên nồi cách thuỷ và cắt thành sợi mì. Bà Lương Thị Thi, nghệ nhân có trên 50 tuổi nghề cho biết: “Để làm ra sợi mì ngon, việc xay gạo thành bột gạo thật mịn là rất quan trọng”.

Phía dưới cùng của bát mì là nước sốt cay quyện với sợi mì, bên trên được bày tôm, thịt, thịt lợn, các loại rau thơm, lạc rang, bánh đa với nhiều màu sắc trông rất đẹp mắt. Một tay cầm quả ớt tươi vừa ăn mì vừa cắn ớt, đại sứ Nam cho biết: “đây là cách ăn của miền Trung và nó rất ngon”.

Ở phần giữa của chiếc bát có độ lõm, giúp cho nước sốt của mì được lắng xuống. Nếu như phở thường được ăn bằng bát gốm trắng, mì Quảng sẽ được dùng với bát gốm có viền hoạ tiết vẽ màu xanh.

Đây là màu sắc của bầu trời. Sợi mì tượng trưng cho đất, các thành phần khác tượng trưng cho núi. Biển, hoặc các sản vật khác của vùng này. Mì Quảng chính là tượng trưng cho sự hài hoà của trái đất, cũng là một món ăn với mong muốn đem tới hoà bình thịnh vượng.

2018 là năm thiết lập 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. “Tôi nhớ lại một câu chuyện tình yêu cho thấy mối liên hệ giữa hai nước đã có từ rất lâu”.

Câu chuyện tình yêu được bắt nguồn từ thời Edo. Thương nhân của tỉnh Nagasaki, ông Sotaro – Araki đã kết hôn với công chúa Ngọc Hoa của Việt Nam, sinh sống tại tỉnh Nagasaki và được gọi với tên là “công chúa Anio”.

Câu chuyện tình yêu của hai người cũng đã trở nên nổi tiếng tại tỉnh Nagasaki, lễ hội Nagasaki Kunchi đã trở thành truyền thống hàng năm nhằm tôn vinh vợ chồng công chúa Ngọc Hoa.

Đại sứ Nam cho biết “mì Quảng rất giống với món Chanpon của Nagasaki. Ở Việt Nam chúng tôi có văn hoá là tự tay làm các món ăn dành cho những người đặc biệt. Như vậy, công chúa Ngọc Hoa chắc chắn đã nấu món mì Quảng cho chồng tại Nagasaki”…

Thái Bá Dũng

Theo Tuổi trẻ

 

 

 

 

 

 

 

Cùng chuyên mục