Mì Quảng của má
Ngày còn bé, tôi vẫn hay thắc mắc tại sao mỗi lần nhà có khách, má lại chọn món mì Quảng gà để mời khách mà không phải bất cứ món nào khác.
Cho tới bây giờ, khi đã sống xa nhà đủ lâu, tôi mới hiểu được tại sao những người Quảng xa xứ mà mình quen, khi vừa đặt chân tới quê nhà, thứ đầu tiên họ nhắc đến là mì Quảng. Tôi may mắn được đi đến nhiều nơi, ở đâu tôi cũng tìm món mì Quảng để ăn thử nhưng lạ thay, chưa bao giờ tôi tìm lại được hương vị đặc trưng của quê nhà.
Tôi sinh ra trong một ngôi làng của người Quảng Nam ở cuối dải đất nắng gió miền Trung, và tôi lớn lên bằng những bữa ăn đậm đà vị Quảng của má. Tình yêu dành cho ẩm thực xứ Quảng cũng từ đó mà lớn dần theo năm tháng. Tôi đã không hề nhận ra điều đó trong những năm tháng ấu thơ, cho đến khi tôi ăn thử một tô mì Quảng ở đất Sài Gòn, trời ơi sao mà khác quá!
Mì Quảng của má khác biệt lắm so với mì Quảng ở những nơi khác, có lẽ do mọi nguyên liệu mà tự tay má chuẩn bị đều là thứ đặc biệt nhất.
Trước hết phải nói đến “nhân vật” chính – thịt gà. Má chủ trương nói không với cám và luôn luôn dùng lúa và bắp để nuôi bầy gà, thi thoảng có thêm mớ rau xanh. Nhà có vườn rộng nên má nuôi thả, bọn gà suốt ngày chạy long nhong trong vườn thành ra lớp thịt dày và chắc, còn lớp da thì vàng óng. Má hay khử dầu phụng (đậu phộng) bằng củ nén, một thứ gia vị đặc biệt, rồi đổ gà đã chặt miếng vừa ăn vô um cho tới khi thịt gà săn lại, da hơi xém cạnh, mùi thơm phưng phức lan khắp nhà.
Sau khi um gà, má sẽ nấu một nồi nước nhưn với cà rốt và hành tây. Khi nước sôi, má bỏ gà đã um vào và tắt bếp. Nước nhưn đúng vị mì Quảng của má sền sệt chỉ vừa xâm xấp dưới đáy tô mì Quảng, không “tràn bờ đê” giống như mì Quảng ở Sài Gòn.
Sợi mì Quảng ở quê cũng khác lắm: từng lá mì mỏng hơn lá mì mua ở chợ Bà Hoa quận Tân Bình, được giữ nguyên màu trắng của bột gạo chứ không vàng vàng tím tím như ở xứ khác, được thoa một lớp dầu phụng phi hành, được chấn thủ công từng sợi bằng tay chứ không dùng máy. Thứ mì này, mấy ngày trời mưa dầm cỡ xế, chỉ cần đem ra cuốn với dưa leo, rau sống rồi chấm nước tương xắt ớt cay xè thôi cũng đủ ấm bụng rồi.
Xong gà um, xong nước nhưn là đến phần rau. Món rau chính của má là loại bắp chuối sứ nõn nà quyến rũ, giòn giòn sựt sựt từ đám chuối sau vườn. Má bào mỏng bắp chuối sứ rồi còn trộn thêm mớ xà lách, rau thơm nữa thì ăn với món gì cũng hạp. Sau đó má ra vườn hái thêm mớ ớt hiểm xanh xanh đỏ đỏ, xắt nhỏ rồi đổ thêm miếng nước mắm Phan Thiết loại ngon nữa. Thế là có món chấm cho mì Quảng đúng điệu rồi, chớ không cần cầu kỳ nước mắm pha tỏi ớt như trong Sài Gòn.
Còn lại mấy thứ khác trong tô mì Quảng, dù là món phụ cũng được má chuẩn bị chỉn chu hết cỡ: đậu phộng rang phải lựa hột tròn to, rang vừa chín tới thơm nức mũi, bỏ riêng ra một hộp. Bánh tráng nướng trước trên lửa than rồi bỏ bịch nylon cho kín, tới khi ăn lấy ra bẻ rộp rộp bỏ vô tô, giòn rụm.
Mấy ngày nghỉ lễ, tôi thường thu xếp trở về nhà, mới vô tới đầu ngõ là đã nghe mùi nước nhưn thơm thiệt thơm quyện trong khói bếp, chợt thấy cồn cào trong bụng. Tôi chợt thấm thía ra một điều: đời người dù có đi đâu về đâu, bon chen cơ cực cỡ nào, chỉ cần về tới nhà, được nghe tiếng má cằn nhằn sao nay về trễ, được ngửi cái mùi đồ ăn thân thuộc và được ăn một bữa cho thiệt đã mà không phải lo nghĩ gì, là đã hạnh phúc lắm rồi, đâu cần gì hơn?
Bài & ảnh: Hiếu Lê
Theo 24hsongxanh.vn