Mạng lưới Ngôi Nhà Trí Tuệ
Gần một năm kể từ khi ra mắt Ngôi Nhà Trí Tuệ đầu tiên, mô hình trung tâm học tập suốt đời này đã khai trương cơ sở thứ ba, tại Đức Thọ – Hà Tĩnh tháng 4 vừa qua. Dự kiến kết thúc năm 2019, mạng lưới sẽ bổ sung thêm 5 cơ sở, rải rác ở khu vực miền Trung và Tây Nam bộ.
Nông thôn khát sách
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2013 công bố người Việt đọc 0,8 cuốn sách mỗi năm, dựa trên báo cáo của các thư viện gửi về bộ này. Tỷ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng còn thấp hơn: 0,38 cuốn.
Ông Đoàn Tử Hoan, Giám đốc Công ty Văn hóa Đông Tây, hoài nghi độ chính xác những con số này. Nguyên buổi chiều thực địa tại thư viện huyện ở khu vực Nam Trung bộ được cho là có hơn trăm lượt mượn sách mỗi ngày, ông có ba gạch đầu dòng: không gặp khách ghé thư viện; nhiều đầu sách thực tế không có; danh sách đăng ký mượn sách đều tăm tắp một nét chữ. Theo ông Hoan, số liệu thống kê từ Bộ không có nhiều ý nghĩa. Thực tế còn có thể thấp hơn. Nhưng quan trọng hơn là báo cáo của Bộ không cho biết người dân đang đọc sách gì. Thời buổi vàng thau lẫn lộn, sách cũng không phải ngoại lệ.
Ở Ngôi Nhà Trí Tuệ số 3 thì khác. Hơn một ngàn đầu sách đã được thẩm định và vẫn tiếp tục được bổ sung. Vừa đi vào hoạt động nhưng có ngày thư viện cộng đồng đón 50 lượt đến mượn và đọc sách. Thành phần chủ yếu là học sinh. Bởi lẽ, Ngôi Nhà Trí Tuệ số 3 chính là căn nhà của gia đình ông Đoàn Tử Hoan. Cách nay 6 năm, ông đưa sách về, làm giá, đặt trên tầng hai phục vụ bà con. Chỗ ngồi đẹp nhưng hơi bất tiện. Nhiều người cũng không biết đến. Ông lại phải chở ngược sách về Hà Nội. Sau một thời gian theo dõi các hoạt động của Ngôi Nhà Trí Tuệ số 1, ông quyết định chuyển đổi mô hình, vừa sẻ chia với cộng đồng, vừa để ngôi nhà luôn được “sống”.
Viên gạch đầu tiên
Người Đức Thọ tự trào xứ mình chỉ có hai nghề: một là trồng lúa, hai là… nuôi con đi học. Đất khó ngậm ngùi. Mà nào chỉ riêng Đức Thọ. Điều kiện tự nhiên bất lợi, cơ hội kinh tế thiếu vắng là mẫu số chung của dải đất Nghệ – Tĩnh. Nhìn về Thanh Chương (Nghệ An), nơi mạng lưới Ngôi Nhà Trí Tuệ đặt viên gạch đầu tiên, cũng gặp nhiều nét tương đồng.
Thừa nhận không có lợi thế so sánh đáng kể, đặc biệt là trong bối cảnh buộc phải chấp nhận cạnh tranh với phần còn lại của thế giới, Phó bí thư huyện ủy Trình Văn Nhã cho biết phần lớn người dân Thanh Chương xem giáo dục như con đường độc đạo để vượt thoát khỏi lũy tre làng. “Nhiều người thành đạt quay trở lại đóng góp thiết thực cho quê hương” – ông Nhã trân trọng nhắc đến người sáng lập mô hình Ngôi Nhà Trí Tuệ số 1, và chủ trì nhóm xây dựng – vận hành Ngôi Nhà Trí Tuệ số 1: Nguyễn Anh Tuấn – giám đốc một công ty hoạt động trong ngành xây dựng, có trụ sở tại TP.HCM.
Người đàn ông trung niên này cũng chính là đồng sáng lập Tủ sách Nhân ái, là gương mặt trang bìa Người Đô Thị số 71/2018 khi chương trình quyên hơn 10 vạn cuốn sách vào nhà trường, nhà thương, nhà thờ, nhà tù… khắp mọi miền đất nước, sau ba năm hoạt động. Với nhiều người quan tâm đến hoạt động của hai mô hình nhân ái ở Thanh Chương, ông phó bí thư huyện ủy là gương mặt thân quen, từ khi còn đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch huyện phụ trách văn xã. Hơn ai hết, những người hoạt động cộng đồng thấm thía giá trị và ý nghĩa của tiếng nói ủng hộ từ lãnh đạo địa phương.
Ngoài chức năng thư viện, Ngôi Nhà Trí Tuệ rộng cửa nhiều hoạt động giáo dục miễn phí cho trẻ em cũng như tất cả người dân địa phương. Giáo viên bản xứ và giáo viên nước ngoài thay nhau đứng lớp tiếng Anh. Chương trình Kỹ năng sống do Ngô Diệu Thúy đảm đương, chưa kể những tình nguyện viên đến từ nhiều vùng miền đất nước. Diệu Thúy vốn là giáo viên dạy văn cấp ba, chuyên bồi dưỡng học sinh thi đội tuyển. Rời bục giảng vì lý do gia đình, chị tham gia nhiều hoạt động cộng đồng trước khi gắn bó cùng Tủ sách Nhân ái và Ngôi Nhà Trí Tuệ. Diệu Thúy nói nhẹ về mình. Chị ưa làm nhiều hơn. Nhân lực tại chỗ là thách thức có tính nền tảng. Chính những con người thầm lặng tại địa phương như người phụ nữ này nuôi dưỡng linh hồn của Ngôi Nhà Trí Tuệ.
“Mọi câu hỏi đều được tôn trọng, kể cả những thắc mắc ngớ ngẩn hoặc điên rồ nhất” – Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ chủ trương khuyến khích tư duy độc lập. Ý tưởng gầy dựng một trung tâm học tập suốt đời, nơi mà mọi thành phần trong xã hội nông thôn đều có thể dễ dàng tiếp cận cũng từng bị xem là điên rồ. Khát vọng dày lên trong cuốn sổ tay anh thửa riêng từ hồi mới tốt nghiệp đại học.
Thường, vào ngày đầu Xuân, anh khai bút bằng cách vạch ra những việc muốn làm. Những gạch đầu dòng vừa là kế hoạch, vừa tự nhắc mình, nung nấu. Thực tế cũng đã nhiều lần nhấp nhứ. Nhưng vì nhiều lý do chủ quan và khách quan nên mãi đến tháng 5/2018, mục tiêu từ thuở tóc xanh mới hoàn thành. Căn nhà cũ được sửa sang tươm tất. Công năng chuyển đổi. Không gian riêng tư thành chốn sinh hoạt cộng đồng, đảm đương thêm chức năng lưu trú dành cho những tình nguyện viên cả trong và ngoài nước. Hè này, năm sinh viên nữ người Tây Ban Nha đăng ký lưu lại gần một tháng, dạy tiếng Anh.
Cảm hứng cộng đồng
Mấy sào dưa hấu sắp đến mùa thu hoạch bị phá nát. Côn đồ ép buộc nông dân thuê máy gặt lúa của những thành phần chi tiền bảo kê. Trâu bò, tài sản lớn của nhà nông bị chặt trộm chân trong đêm. Những bản tin phác thảo gương mặt nông thôn bị tha hóa. Ngành giáo dục chịu trách nhiệm một phần. Ngôi Nhà Trí Tuệ không khoanh tay đứng nhìn. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhân vật nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng sẵn lòng đồng hành với mô hình dân sự này. Hướng dẫn phương pháp đọc sách hiệu quả, tiết kiệm thời gian.
Thảo luận với phụ huynh về giáo dục gia đình. Những người dưng nước lã, ở mãi đâu đâu, tự nguyện bỏ công bỏ của về dạy con trẻ vô hình trung khiến người lớn tự nhìn lại mình, mà sống. Chẳng có hình mẫu vĩ đại nào bằng “người thực, việc thực”. Tinh thần thiện nguyện lan tỏa mạnh hơn bằng những tấm gương nhân ái từ đồng đất đi ra, chẳng hạn như một sinh viên Đại học Luật Hà Nội ở xóm 8, xã Thanh Tiên. Cô gái trẻ tham gia đứng lớp Kỹ năng sống từng có mấy năm tình nguyện dạy trẻ tự kỷ. “Những cá nhân xuất sắc có ở bất cứ thôn xóm nào ở nước Nam này”, Nguyễn Anh Tuấn nói.
Sau một năm hoạt động, sĩ số ổn định ở mức 120 em. Mừng thay, học trò đến với mô hình giáo dục này không chỉ để thụ hưởng giáo dục miễn phí… Đã hình thành một “biệt đội” gồm nhiều thành viên tích cực tham gia trợ giảng, phụ giúp cô giáo coi sóc lớp đàn em.
Chẳng hạn như Nguyễn Thị Trang, học sinh lớp 10D Trung học phổ thông Thanh Chương 3, tham gia mảng thư viện, phân loại sách. Hai em của Trang, lớp 1 và lớp 6, cũng là học viên của Ngôi Nhà Trí Tuệ. Một trường hợp khác là Nguyễn Quý Dương, học sinh lớp 10A, Trường Trung học phổ thông Thanh Chương 3, tham gia hỗ trợ mảng kỹ thuật tin học. Dương đặt mục tiêu xuất bản một cuốn sách thường thức về thiên văn, lĩnh vực mà bạn đam mê. “Chú Tuấn hứa sẽ ủng hộ”, Dương hào hứng. Ở mô hình giáo dục dân sự này, mọi sáng tạo cá nhân đều được nâng đỡ.
Cho và nhận, hóa ra, cũng chẳng nhiêu khê.
Khác với số 1 và số 3, Ngôi Nhà Trí Tuệ số 2 ở huyện Yên Thành, Nghệ An “mượn” được nhà văn hóa thôn. Ngoài đọc sách, nhà số 2 còn tổ chức chương trình “Nông dân vui vẻ” với mong muốn giúp trẻ em trải nghiệm công việc của nhà nông như ươm cây giống, trồng cây… dưới sự hướng dẫn của kỹ sư nông nghiệp. Chương trình kỹ năng sống xuyên suốt mùa hè, tiếp nhận từ bé 3 tuổi tập bỏ bầu cây cho đến các bạn sinh viên nghỉ hè, phụ huynh đồng hành cùng các bé. Chương trình chủ trương miễn phí, đóng góp tùy tâm. Kết quả và thành quả sẽ được công khai, minh bạch. Để biết chi tiết, xin liên hệ cô Trần Hằng (0376618677), anh Phan Đăng Chương – chủ trì Ngôi Nhà Trí Tuệ số 2 (0903031035). |
Tường Anh
Ảnh: NAT
Theo Người Đô Thị