May quá, cây đại thụ nổi tiếng nhất xứ Đà chưa bị nghiêng!

Hoặc ít ra là quan sát mắt thường thì như thế, khi người ta đến ngắm cây đa đại thụ hơn 800 năm tuổi, được công nhận là cây di sản Việt Nam, ở vùng rừng núi bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.

Cách đây không lâu, từng có nhà khoa học ở Đà Nẵng bày tỏ sự lo lắng rằng cây đa tưởng chừng vững chãi gần ngàn năm ấy có khả năng sẽ bị nghiêng. Dưới tác động của con người, dễ làm cho cây đa mau chóng già cỗi, rễ, cành và cây con khó phát sinh, phát triển,… thậm chí gãy đổ vào mùa mưa bão do tác động của các công trình xây dựng. Thậm chí, đã không ít ý kiến âu lo khi nguyên quãng đường bê – tông đã chặn lối xuống hạ thổ cho các loại rễ phụ của cây, một trong những yếu tố giúp cho cây phát triển tán rộng và tạo thế vững chắc bao đời nay bên sườn núi của miền đất vốn thừa mưa lắm bão.

Cảm nhận bằng mắt thường, may quá, cây đa chưa bị nghiêng, dù tán vẫn đang hướng ra biển. Khung cảnh hoang dã ngày nào giờ đã có ô dù hàng quán chen lấn vào màu của rừng xanh.
Tán lá trên ngọn đã thưa, xơ xác hơn trước. Đã có một cành cây to cụt ngọn không biết từ lúc nào.
Trước đây, để cứu cây đa cổ thụ khỏi nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão, hạn chế việc chết rễ do đâm xuống mặt đường bê – tông, các cơ quan hữu quan đã tìm cách vén những rễ mới mọc về phía ta – luy âm giúp rễ phát triển tốt, tạo thêm các thân nâng đỡ cả cây. Thế mới hay, làm một con đường bê – tông kè sát gốc cây không phải là hay!
Theo ước tính, từ đầu năm 2017 đến nay có khoảng trên dưới 100.000 lượt khách tới tham quan, chiêm ngưỡng cây đa gần ngàn năm tuổi. Đồng thời, cây đa phải chịu đựng sự kém ý thức của một bộ phận khách tham quan, nhất là giới trẻ. Họ thoải mái dùng vật sắc nhọn để khắc tên tuổi, tâm tư tình cảm… của mình lên thân cây trông rất phản cảm.
Thậm chí rễ cây nằm sát đất cũng không thoát khỏi sự vô ý thức của khách tham quan. Như thông tin khắc trên rễ, thì cây đa đã chịu vết thương này 8 năm chưa lành!
Có 5 cái khung bê – tông trông thô kệch được xây dọc theo bờ ta – luy âm, đối diện gốc đa, như một cách để tạo cảnh quan, nhưng rõ là không liên quan!
Du khách nước ngoài đang nằm ngửa dưới gốc đa ngắm voọc . Thật đáng tiếc khi phải nói rằng du khách nước ngoài yên lặng và ít ồn ào hơn du khách trong nước khi đến nơi này.
Việc bảo tồn cây đa này sẽ giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng (địa phương, khách du lịch) về giá trị lịch sử, giá trị bảo tồn gen, đa dạng sinh học, văn hóa ứng xử với thiên nhiên, môi trường. Nhưng xem ra từ lúc nó được gắn cây di sản, mọi việc chưa có gì tiến triển hơn.
Ban quản lý bán đảo Sơn Trà từng than rằng lực lượng mỏng không đủ sức quản lý thường trực nơi này. Nhưng không lẽ, cứ phó mặc cây đa di sản theo sự may rủi từ ý thức của người tham quan?

   Lê Minh Hạ

 

Cùng chuyên mục