Cây đa cổ thụ Sơn Trà và mối lo khi mỗi ngày một đông khách

Cây đa cổ thụ 800 tuổi là một trong những điểm đến được ưa thích nhất của dân du lịch, đặc biệt những ai yêu thiên nhiên vùng bán đảo Sơn Trà. Nhưng cây đa cũng đang khổ sở vì chuyện được yêu thích này.

Trước đây, khi chưa được công nhận là cây di sản và chưa có những cuộc thẩm định chính thức, cây đa được dân du lịch và người địa phương gọi là bách niên cổ thụ hay cây đa ngàn năm tuổi vì từ khi phát hiện ra nó, bằng những cảm quan riêng, người ta đinh ninh rằng cây đa to rộng này đã ngàn năm tuổi hoặc có thể hơn.

Trở lại khi cây đa đã là di sản

Đã khá lâu, dễ chừng hơn 3 năm tôi chưa trở lại đây, nên chuyến đến thăm “cụ đa” cổ thụ có tính “kiểm định” bằng cảm nhận, bằng mắt thường của một du khách xem dạo này “cụ đa” sống ra sao.

Tấm bảng cây di sản được đặt trước gốc đa, ngay cạnh lối đi, từ năm 2014.

Lần trở lại này, khung cảnh chung quanh cây đa có hơi khác biệt thật. Trông nó… bớt hoang sơ hơn. Đến nay thì ngoài việc gắn bảng di sản, xây thêm mấy khối bê tông như những cái khung giàn cho cây leo có gắn chữ cấm leo trèo, cho thêm điểm giữ xe – có thu phí và quán nước ở ngay trước cây đa, cộng thêm một vài tấm biển báo khô khan, ngoài ra không có gì thêm. Những cái thêm ấy không phải cái nào cũng ổn. Thực sự đáng phàn nàn là dọc đường, đoạn từ đối diện cây đa đến cuối con đường cụt, không hiểu sao người ta lại cho xây lên những khung bê tông trông thô kệch, khá phản cảm với cảnh quan chung quanh và sự xuất hiện này khiến thiên nhiên rừng núi bỗng như thành một tiểu cảnh ở công viên.

Thân cây đa và các loại rễ phụ.

Cây đa này cao 22m, thuộc họ dâu tằm, chu vi thân chính và cụm thân phụ: 85m có 26 rễ phụ và chiều cao rễ đến 25m. Cây đa được phát hiện năm 1771, nằm trên triền núi Sơn Trà, thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Sống rất lâu rồi, cây có tán rất rộng và đặc biệt là thân cây cùng các bộ rễ phụ theo thời gian đã lớn như là thân cây mọc cắm chặt xuống đất tạo thế vững chãi cho cây đa và tạo nên hình dáng sống động đẹp mắt. Cây đa xưa kia nằm khuất trong khu vực rừng rậm rạp của Sơn Trà, một khu vực có khá nhiều cây cổ thụ. Sau khi con đường nhỏ mở lối lên tới đây được hình thành thì cây đa bỗng dưng nằm ven đường cụt. (Con đường bê tông chạy ngang qua sát  gốc cây đa thêm chừng 50m nữa thì hết đường).

Con voọc  trên ngọn đa và những lượt người dưới gốc

Theo nhiều nhà chuyên môn, bên cạnh giá trị về du lịch, cây đa và nhiều cây thuộc họ đa khác trên bán đảo Sơn Trà là một trong những loại thức ăn quan trọng của loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm đang sống ở đây. “Cây đa có nhiều tán rộng, cành to, cao… nên cũng là nơi ngủ, nghỉ, sinh hoạt ưa thích của loài động vật quý hiếm này. Trong một lần đi khảo sát, tôi đã từng gặp voọc trên cây đa. Nếu bảo tồn tốt, có thể tận dụng cây đa làm thành cầu cây xanh cho các loài động vật di chuyển qua lại, khi việc xây dựng các đường bê tông đang làm chia cắt các khu vực sống của chúng”. Một nhà chuyên môn từng phân tích nhiều kỳ vọng như thế và thực sự là sau khá nhiều lần đến đây, tận mùa Hè này, tôi mới lần đầu được nhìn thấy một con voọc ngồi đung đưa trên ngọn cây.

Không phải là dân chụp voọc chuyên nghiệp thì khó mà săn được chúng. Đây là con voọc tôi tình cờ được ngắm theo phương thẳng đứng, từ gốc đa. Và dĩ nhiên là chỉ thấy cái đuôi đặc trưng của nó.

Không chỉ có tôi, mà mấy vị khách nước ngoài cũng dành cả buổi trời chỉ để ngửa cổ ngước lên trời ngắm “nữ hoàng linh trưởng”, dù chỉ là sau mông nó. Họ say sưa chụp bằng điện thoại, ngắm mãi mỏi cổ thì họ nằm lăn ra tảng đá dưới đất để ngước lên xem, dù cả buổi họ cũng chỉ ngắm được góc nhìn bất lợi như thế. Trên cao, con voọc vẫn ngồi ung dung tự tại nhìn về phía biển. Nó có vẻ chẳng bận tâm du khách bên dưới đang ngắm nghía nó, không để ý rằng mấy du khách nước ngoài sau đó lặng lẽ rút đi, khi một nhóm khách khác tìm đến, cười nói ồn ào dưới gốc đa. Có lẽ con voọc đã quá quen với khung cảnh này. Còn tôi, dù nhiều lần đến thăm cây đa, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy “nữ hoàng linh trưởng” xuất hiện ở đây, trong cự ly khá gần như vậy, nên thấy không quen. Cảnh thường gặp lâu nay ở Sơn Trà là các tay máy ảnh chuyên chụp voọc đi săn hình. Nghĩa là tìm mọi cách để chụp được voọc ở cự ly có thể, không để chúng phát hiện và bỏ đi. Nên thấy con voọc ngồi như bất động trên ngọn đa, tôi thấy lo. Bởi như thế là con voọc đã phải chịu đựng cảnh này quá lâu rồi, nghĩa là môi trường sống tự nhiên của chúng ở bán đảo này – vốn đã và đang bị xâm hại rất nhiều – lại tiếp tục bị co hẹp lại.

Cây đa cổ thụ không cần đông khách đại trà

Bán đảo xanh Sơn Trà ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Một trong những địa điểm hút khách nhất, đặc biệt với dân du lịch ưa khám phá là cây đa cổ thụ cao niên nhất của vùng bán sơn địa này. Nhất là từ khi cây đa được công nhận là cây di sản Việt Nam, thì lượng khách quan tâm, yêu thiên nhiên hay chỉ thuần tò mò, hiếu kỳ đổ xô tìm đến mỗi lúc một nhiều.

Nếu chỉ nhìn thoáng qua, khó mà phân biệt đâu là thân, đâu là rễ phụ của cây đã phát triển to lớn như thân cây, tạo thế vững chắc cho cây đa.

Sau khi được công nhận là cây di sản năm 2014, tuổi tác của cây được các nhà khoa học xác định là khoảng 800 năm tuổi. Tuy… bớt đi 200 tuổi so với cái nhìn của dân gian, nhưng sự lâu niên của nó, độc đáo của nó không vì thế mà ngớt khách đến tham quan. Thậm chí, với đà tăng của khách du lịch đến với bán đảo này, cây đa hiện tại đang phải đón tiếp mỗi ngày từ sáng sớm đến chập choạng tối không biết bao nhiêu lượt khách.

Ngã ba, nơi rẽ phải là lối lên cây đa cổ thụ, rẽ trái là xuống hải đăng Sơn Trà.

Ơn trời, vì lối đi lên cây đa này, quanh co hẹp và dốc, chỉ có thể cho xe ô tô 4 chỗ loại nhỏ đi một chiều. Điều này đã góp phần hạn chế quyết liệt các thể loại xe chở khách lớn hơn, hạn chế được một lượng lớn các khách đoàn du lịch trong và ngoài nước đang rần rộ đổ về Đà Nẵng mỗi lúc một đông.

Dưới gốc đa, năm 2011, người ta bất ngờ đặt bàn thờ ở đây một thời gian trước khi cây đa được trả lại cảnh quan như cũ.

Thực tế, việc quản lý, bảo vệ cây đa cổ thụ này còn khá nhiều bất cập, lúng túng. Năm 2011, khi trở lại nơi này lần thứ 3, tôi khá bất ngờ khi ngay dưới sát gốc cây đa, người ta đã đột nhiên cho xây bệ thờ kiên cố, hương khói, hoa trái cúng kiến các loại. Rồi một thời gian sau, những cảnh này biến mất. Không khó để có thể hình dung ra là trong việc này những người có trách nhiệm quản lý quá chậm khắc phục những tình huống xảy ra quanh cây đa, mà một trong những chuyện đáng buồn nhất là chuyện khắc dấu một cách vô tội vạ lên chính thân thể của cây!

Trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, bao nhiêu mưa gió bão tố và khắc nghiệt của thời gian, cây đa vẫn đứng vững chãi trên triền núi hướng ra biển. Nhưng giờ đây trước ý thức của con người, ý thức của những người tìm đến đây, kể cả những người có trách nhiệm với nó, thật sự là phận cây đa cổ thụ ấy, vẫn có vẻ mong manh quá đỗi!

Bài & ảnh: Lê Minh Hạ

 

 

 

Cùng chuyên mục