Ly Ly, chuyện một dòng sông

Đối với người Chiêm, sông Thu Bồn là cửa ngõ của vùng địa – văn hóa Trà Kiệu – Mỹ Sơn còn sông Ly Ly là cửa ngõ của vùng Đồng Dương (Indrapura). Sự đổ nát của Đồng Dương cùng sự kiệt dòng của mình, đã làm sông Ly Ly ít được người đời quan tâm.

Ly Ly là dòng sông nhỏ chảy hoàn toàn trên địa phận huyện Quế Sơn theo hướng tây nam – đông bắc, có nguồn từ núi Chom và Hòn Tàu. Sông là hợp lưu của ba con suối, một từ trên núi Chom chảy xuống làng Gia Cốc, một từ đèo Le xuống xã Quế Long và một từ Hòn Tàu xuống thị trấn Đông Phú. Sau hợp lưu sông chảy qua Quế An, thị trấn Đông Phú, Quế Minh, Quế Châu, Phú Thọ, Quế Phú, Hương An rồi đổ vào sông Bà Rén ở xã Quế Xuân 2 để nhập vào Trường Giang.

Tên gọi của dòng sông

Ly Ly được dân gian gọi là sông Rù Rì, vì hai bên sông và bãi bồi giữa sông mọc nhiều cây rù rì – một loại cây chỉ cao độ 2 – 3m, nhưng có rễ dài cắm sâu, chắc xuống đất, có sức sống mãnh liệt. Rù Rì còn là âm thanh khàn đục, trầm buồn, đều đặn của dòng sông do nước chảy chậm tràn qua những ghềnh thác thấp, len lỏi giữa những bụi cây. Âm vang trầm buồn, đều đặn nghe được suốt năm, chỉ mạnh lên vào những ngày mưa lũ, nhưng cũng không gầm thét dữ dội, làm mất đi âm điệu “đặc trưng” vốn có của dòng sông.

Sông Ly Ly nhìn từ cầu Hương An về phía đông.
Sông Ly Ly nhìn từ cầu Hương An về phía đông.

Về tên gọi Ly Ly không biết có từ bao giờ và nghĩa là gì. Chưa tìm thấy tài liệu cổ nào nhắc đến tên gọi này. Sách Đồng Khánh địa dư chí (1888) chỉ viết: “Một sông nhỏ từ địa phận xã Gia Cát, Phước Long đổ xuống hai thôn Phú Cường, Thạch Khê chảy thông đến xã Trà Đình, giáp giang phận xã An Lạc, huyện Duy Xuyên dài hơn 45 dặm rộng 5 trượng, sâu trên dưới 2 thước”. Còn Đại Nam Nhất thống chí (1914) lại viết: “Sông Hương An ở huyện Quế Sơn có tên nữa là sông Do Di, phát nguyên trên núi Tàu đến xã Hương An làm sông Hương An đổ ra cửa biển Đại Chiêm”. Tên Hương An thì đã rõ vì sông chảy qua làng Hương An (nay là xã Hương An). Còn tên Do Di có thể do đọc trại từ chữ rù rì (hay ly ly) mà thành. Vì không có tài liệu nào đề cập nên nay không thể theo tự dạng của chữ Ly mà cắt nghĩa. Khi nghiên cứu về tên gọi này chúng ta có mấy căn cứ để lý giải. Thứ nhất, sông phát nguyên từ đèo Le mà con đèo này có thời được gọi là đèo Ly. Ly Ly có thể là sông phát nguyên từ đèo Ly. Giả thuyết thứ hai đó là việc dòng sông chảy qua hai làng Thanh Ly (Thăng Bình) và Hương Ly (Quế Sơn). Chữ Ly trong hai địa danh này đều có nghĩa là hàng rào bằng tre. Có thể vào thời trước hai bên sông có mọc nhiều tre làm hàng rào (giống sông Vĩnh Điện ngày nay).

Ly Ly cũng có thể là do đọc trại từ chữ Rù Rì là một âm ngữ Chăm. Ở phường Phước Hải thành phố Nha Trang cũng có một con đèo mang tên Rù Rì. Và nếu như thế thì tên Rù Rì có trước Ly Ly và sự đổi tên sông cũng nằm trong ý đồ của người Việt muốn giảm bớt những địa danh mang đậm dấu ấn Chiêm khi họ đến sinh sống nơi đây.

Cửa ngõ của kinh đô

Theo giáo sư Trần Quốc Vượng thì kinh đô của người Chiêm luôn là một khu vực địa – văn hóa kết nối từ một vùng miền núi (có thánh địa), một vùng đồng bằng (có kinh đô) với vùng ven biển (có cảng thị) và ngoài khơi là một đảo (Mỹ Sơn – Trà Kiệu – Hội An – Cù Lao Chàm). Nối liền các khu vực này là một dòng sông (Thu Bồn). Trong cách nhìn đó, Ly Ly chính là dòng sông nối liền Phật viện Đồng Dương, Hoàng cung với cảng thị Hội An và Cù Lao Chàm trên khu vực địa – văn hóa Đồng Dương. Sông nằm ở phía bắc của kinh đô Đồng Dương có thể giao thông ra vùng Cửa Đại, Cù Lao Chàm và ngược lên vùng Trà Kiệu, Mỹ Sơn. Suối Ngọc Khô – một chi lưu tách khỏi Ly Ly ở Đồng Dương – chảy về hướng đông nam đổ ra Trường Giang, rồi chảy ra cửa An Hòa – được xem là cửa ngõ phía nam của Indrapura. Dòng chính và các chi lưu, Ly Ly làm cho Đồng Dương trở thành đỉnh của một tam giác giao thông với 2 thương cảng cổ trù phú của châu Amaravarti xưa, đó là vị trí đắc địa và khá kín đáo cho kinh đô Indrapura.

Với vai trò như vậy trước đây Ly Ly chắc chắn phải là một dòng sông khá lớn, một tuyến giao lưu quan trọng, thuận lợi nối kinh đô với Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Lê Đình Phụng trong Đối thoại với nền văn minh cổ Champa (Nxb KHXH, 2015) cho biết trên sông Ly Ly, đoạn phía sau Đồng Dương, chỗ tách ra của suối Ngọc Khô hiện vẫn còn dấu tích của 5 tháp canh có diện tích 300m2 với tháp cao 10m. Đây là những tháp canh được xây dựng để ngăn chặn sự xâm nhập vào kinh đô bằng đường thủy và dĩ nhiên của một đạo quân lớn.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Năm 982, Lê Hoàn thân chinh dẫn hàng ngàn chiến thuyền vào đánh Chiêm Thành, chém vua Chiêm tại trận, bắt sống được quân sĩ nhiều vô kể, cả trăm kỹ nữ trong cung cùng một nhà sư người Thiên Trúc, thu nhiều vàng bạc châu báu và ở lại đây một năm mới về…” (Nxb KHXH, 1998). Sự kiện trên cho thấy kinh đô Đồng Dương có mối liên hệ sông biển với đội thủy quân có hàng ngàn chiến thuyền thông qua sông Ly Ly.

Hai điều khác cũng cho thấy Ly Ly là một sông lớn. Thứ nhất phải là sông lớn, mới đủ phù sa để bồi đắp thành vùng đồng bằng rộng lớn ở phía đông Quế Sơn, chạy dài từ Bà Rén đến Hương An. Cánh đồng rộng lớn, màu mỡ vào loại hàng đầu Quảng Nam này chính là quà tặng của dòng Ly Ly.

Thứ hai, khi chưa đổi dòng, ngày trước tàu thuyền từ biển có thể theo sông Ly Ly lên Bàu Sanh dưới chân núi Quế. Câu ca dao được con cháu tộc Phạm (Hương Quế) truyền tụng “Bao giờ núi Quế hết cây/ Bàu Sanh hết nước họ này hết quan” đã cho thấy điều đó. Có người còn “cường điệu”cho rằng vào năm 1478, vua Lê Thánh Tông đã đi thuyền theo sông Ly Ly vào đậu ở Bàu Sanh, chủ trì lễ cải táng cho Phạm Nhữ Tăng và để lại hai câu đối nổi tiếng mà nay vẫn còn.

Lần đổi dòng lịch sử

Nhiều người cho rằng dòng chảy của sông hiện nay là kết quả của lần đổi dòng vào thế kỷ XIX. Trước đây sông chảy đến vị trí Vũng Chè (cách cầu Hương An 1km về phía thượng lưu) thì rẽ về phía tay trái, ngoằn ngoèo dưới chân núi Quế, qua Bàu Sanh, chảy ra phía cống Ba (cầu Phú Phong) bồi đắp dải đồng bằng rộng lớn rồi mới chảy về phía đông nhập vào sông Bà Rén. Tàu thuyền từ biển có thể dễ dàng vào Bàu Sanh.

Chuyện kể, một người con gái tộc Phạm (Hương Quế) về làm dâu ở vùng đông Thăng Bình. Thấy quê chồng toàn cát khô cằn, người dân nghèo khó, bà chạy về xin cha, vốn là một vị quan nhân hậu, khơi một con kênh dẫn nước từ Ly Ly về tưới cho quê chồng. Người cha đồng tình. Con kênh được khơi ngay nơi khúc uốn của sông Ly Ly (ở Vũng Chè). Một năm lụt lớn, sông dồn hết nước phá con kênh làm thành dòng chính. Dòng sông cũ trở thành dòng phụ, nước chảy ngược hướng đổ vào dòng mới. Từ đó dòng phụ của sông ngày càng bị thu hẹp, Bàu Sanh dần cạn nước.

Có người nghĩ việc khơi con kênh làm sông Ly Ly đổi dòng là một “sự cố đặc biệt”. Thủy pháp của vùng không còn phù hợp vì thế vùng đất này cũng như mồ mả một số dòng tộc không còn giữ được thế “đắc địa” để “hưng phát” như ngày trước. Chuyện dân gian là vậy nhưng xét cho cùng “dâu bể” vẫn là lẽ thường của tạo hóa và “thịnh suy” là quy luật muôn đời của các dòng tộc.

Gần đây nhờ rừng đầu nguồn được khôi phục, nước sông nhiều hơn, bắt đầu chảy thành một thủy đạo thực sự. Điều này hứa hẹn những khởi sắc không những về “phong thủy” mà cả về cảnh quan và thủy lợi.

Lê Thí
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục