Ký ức về ngôi thánh đường và những thiên sứ

Tuy ở chót vót trên tầng bốn không có thang máy, khán phòng lại nghèo nàn, đơn sơ song sàn diễn của Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần ngày ấy đúng là một thánh đường nghệ thuật với những vở diễn thuộc hàng “đỉnh của đỉnh” về nhiều mặt.

Mới đây, tôi tình cờ đọc được những dòng tâm sự của nghệ sĩ Thành Lộc: “Mấy chục năm rồi tôi mới được làm việc lại với cô em gái của tôi. Mới đây ít tháng là một phim điện ảnh hài tâm lý Ngôi nhà Bươm Bướm, lần này là Phượng Khấu (phim web – drama), một câu chuyện buồn hậu cung. Chỉ quay phần giới thiệu về phim thôi mà Hồng Đào đã làm tôi bàng hoàng về phong độ diễn xuất của cô cho thần thái nhân vật mà cô đảm nhiệm, vẫn còn nguyên xi đó nội lực của một nghệ sĩ chuyên nghiệp không hề suy suyển, có khi còn dày dặn hơn.

Hồng Vân góp mặt trong phim với một nhân vật cũng nặng ký ngang với Hồng Đào. Tôi thấy vui mừng được tham gia phim với hai cô em gái mà chúng tôi đã từng có một thời gian dài ơi là dài cùng nhau làm nên diện mạo sáng sủa của sân khấu thoại kịch miền Nam từ sau 1975. Mới thấy, cho dù cuộc sống đưa đẩy đôi khi chúng tôi thả mình vào dòng nghệ thuật giải trí để sinh tồn như thế nào đi nữa, nhưng một khi trở lại với những gì mà mình đã từng sống chết với nó, một dòng nghệ thuật nuôi dưỡng tinh thần và tâm hồn mình, thì cái ánh sáng ấy vẫn cứ bùng lên và đủ sức lan tỏa mãnh liệt…”

Sấu khấu kịch 5B - vàng son một thuở... Ảnh: C.T.V
Sấu khấu kịch 5B – vàng son một thuở… Ảnh: C.T.V

Cuộc đời làm báo, theo dõi mảng văn hóa nghệ thuật của tôi trên 40 năm, may mắn được đồng hành với Thành Lộc và các đồng nghiệp cùng thế hệ với anh, hơn nữa, tôi còn là bạn “đồng môn” với nghệ sĩ Hồng Vân trong những giờ môn phụ khi tôi theo học Đại học Lý luận phê bình tại Trường Nghệ thuật Sân khấu 2. Vậy nên, những câu trải lòng của Thành Lộc không chỉ gợi nhớ về thuở thanh xuân của một lớp nghệ sĩ thoại kịch tài năng ở Sài Gòn sau năm 1975 mà còn đưa tôi quay về đầy nhung nhớ thời “tuổi trẻ sôi nổi” của mình, một nữ phóng viên kịch trường mà vô hình trung trở thành “nhân chứng” cho một giai đoạn vàng son rực rỡ của sân khấu kịch trên đất Sài Gòn.

Từ dòng trạng thái trên của Thành Lộc, tôi xin mạn phép được lướt sơ qua đôi nét về “chuyện ba người” với những gì còn đọng trong trí nhớ.

Trong ba người, Thành Lộc nhìn “nhỏ con” nhất song tuổi đời lớn hơn cả, tuổi nghề lại càng cao hơn hết. Xuất thân từ một gia đình có dòng họ nhiều đời làm nghệ thuật, tám tuổi đã diễn kịch trên truyền hình và là một trong số những diễn viên tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 nên khi Hồng Vân lẫn Hồng Đào chưa bước chân vào trường sân khấu, Thành Lộc đã là gương mặt nổi bật nhất trong làng kịch trẻ.

Kém tuổi nhất, tốt nghiệp sau nhất nhưng vóc dáng lại “to con” nhất, Hồng Vân thường được phân vai mẹ của Thành Lộc và Hồng Đào. Trong vở Tiếng chim vườn Ngọc Lan, Hồng Vân làm vợ Thành Lộc, nhưng ở vở Lôi Vũ, Thành Lộc là Chu Xung, con của Thị Bình – Hồng Vân; trong Ngôi nhà không có đàn ông, Hồng Vân là mẹ của cô Hạ – Hồng Đào. Hồng Đào và Thành Lộc là cặp trai gái thường “phải lòng” nhau trên sàn diễn. Trong vở Đêm họa mi, chàng Vorodin Thành Lộc yêu say mê cô gái do Hồng Đào thủ vai, còn trong Ngôi nhà của chúng ta, mối tình giữa người đàn ông 50 tuổi tên Thiện – Thành Lộc với cô Hạ 20 tuổi – Hồng Đào đã làm nổ tung lề thói gia phong của bà mẹ – Hồng Vân.

Ngoài những vở kịch dài trên sân khấu, bộ ba này còn gắn bó khắng khít với nhau trên các “cung đường” tấu hài với hai cặp đôi nổi tiếng ngày ấy: Hồng Vân – Lê Vũ Cầu, Hồng Đào – Thành Lộc. Và tất nhiên, họ không chỉ gần gũi nhau vì nghề nghiệp.

Tạo hình vai diễn của nghệ sĩ Hồng Vân, Thành Lộc, Hồng Đào trong phim Phượng Khấu đang khởi quay tại Huế. Ảnh: TLĐP
Tạo hình vai diễn của nghệ sĩ Hồng Vân, Thành Lộc, Hồng Đào trong phim Phượng Khấu đang khởi quay tại Huế. Ảnh: TLĐP

Song nhắc đến “một thời dài ơi là dài cùng nhau làm nên diện mạo sáng sủa của sân khấu thoại kịch…” mà cả ba người đã từng có là nhắc đến một “ngôi thánh đường” sân khấu, từng làm được các phép lạ, biến những diễn viên trẻ thất nghiệp ngày ấy thành những “thiên sứ”, có khả năng rao giảng cho nhân thế về nét đẹp lung linh của tâm hồn, về sự cứu rỗi thế giới bằng lòng khoan dung, nhân hậu. Đó là Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm, tiền thân của Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, mà tính từ ngày thành lập cho đến nay vừa tròn 35 năm (1984). Thời gian quả như “bóng câu qua cửa sổ”, thoắt cái, những diễn viên tuổi hai mươi ngày ấy, nay đang đứng ở ngưỡng “sáu mươi năm cuộc đời”.

Việc hình thành Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm ngày ấy, kỳ lạ là không nằm trong một dự án chính thức nào của ngành sân khấu thành phố, chỉ như kiểu “tức nước vỡ bờ”, một giải pháp tình thế của Hội Sân khấu TP.HCM để “cứu” các hội viên của mình mà chẳng thể ngờ được sức “nước” lớn, tạo ra hẳn một dòng kịch mới mang đậm dấu ấn, vẽ nên một gam màu rực rỡ cho bức tranh sân khấu nước nhà vốn rất đơn điệu.

Chuyện bắt đầu khi các đạo diễn trẻ tài năng, nhiệt huyết được đào tạo bài bản ở trường, tốt nghiệp ra không có nơi làm nghề. Sáng sáng rủ nhau đến văn phòng Hội, chào hỏi nhau, đi tới đi lui, cuối cùng không biết làm gì lại cùng nhau ra ngồi ở quán cà phê trong khuôn viên Hội. Ai đó chợt lên tiếng sao “mấy người mình” không tự dựng, tự diễn một vở cho “đỡ ghiền”. Như cơn khát lâu ngày gặp một tia nước nhỏ, kịch bản Dư luận quần chúng của tác giả Rumani được đưa lên sàn tập với tất cả sự háo hức.

Lần đầu tiên, người ta thấy có một vở kịch mà diễn viên toàn là các đạo diễn trẻ cùng sự có mặt đặc biệt của nghệ sĩ cải lương chi bảo Bạch Tuyết. Sàn tập là phòng khách của Hội Sân khấu, còn sàn diễn là lưu động, đem vở đi giới thiệu khắp nơi, nơi nào nhận thì diễn nơi đó và diễn… miễn phí. Nhưng không ngờ, vở diễn “làm chơi” này có sức lan tỏa rất nhanh, tiếng lành đồn xa, nhu cầu được xem vở ngày một nhiều đến nỗi sau này vở phải có diễn viên đúp vai mới đáp ứng nổi. Sự đón nhận bất ngờ của công chúng dành cho Dư luận quần chúng chính là tiền đề để một sân khấu mang tên Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm thuộc Hội Sân khấu TP.HCM được thành lập.

NSƯT Thành Lộc và NSƯT Việt Anh trong vở Dạ cổ hoài lang, bản dựng nổi tiếng của đạo diễn Nguyễn Công Ninh. Ảnh: Thanh Hiệp
NSƯT Thành Lộc và NSƯT Việt Anh trong vở Dạ cổ hoài lang, bản dựng nổi tiếng của đạo diễn Nguyễn Công Ninh. Ảnh: Thanh Hiệp

Ngày ấy, ngôi nhà bốn tầng của trụ sở Hội Sân khấu TP.HCM còn khá trống trải. Ngoài tầng sát đất là văn phòng, các tầng trên cho một vài người tá túc, riêng tầng bốn bây giờ là sàn diễn Nhà hát, để hoang đầy bụi bặm, có một bàn ping-pong cũ, thỉnh thoảng soạn giả Hà Triều ghé lên so vợt với soạn giả Việt Thường hoặc với nhà viết kịch trẻ Lê Chí Trung, hay với diễn viên Nguyễn Việt Anh (từ Thanh niên Xung phong về, tay ngang nhưng diễn xuất sắc vai tổng biên tập trong vở Dư luận quần chúng, thay cho đạo diễn Nguyễn Văn Thống trước đó).

Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm đã dọn dẹp căn phòng này và hình thành nên một khán phòng đơn sơ, chủ yếu là làm ghế cao thấp từ sau đến trước cho khán giả ngồi, còn sàn diễn cũng là sàn nhà, cố ý để trống ba mặt cho những ý tưởng sáng tạo. Nghệ sĩ và khán giả cùng có chung một không gian, gần gũi, không dùng máy tăng âm, một hình thức của sân khấu nhỏ, sân khấu thử nghiệm, một sự đột phá so với sân khấu cả nước.

Tuy ra đời vì sự bức bí, song có thể nói, Câu lạc bộ Sân khấu 5B Võ Văn Tần thành công nhờ đã gặp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đúng vào thời điểm đất nước mở cửa, kinh tế thị trường mới mẻ đã gần như quét sạch các đoàn kịch tập thể, làm lao đao các đoàn nghệ thuật quốc doanh, khiến cho các đạo diễn, diễn viên trẻ dồn hết về đây, làm cho không khí nơi này lúc nào cũng như ngày hội.

Các vở diễn thi nhau lên sàn, đem lại cho công chúng một món ăn tinh thần rất phong phú. Hàng loạt các diễn viên trẻ mới ra trường ngày ấy như Hồng Vân, Hồng Đào, Thanh Thủy, Trung Dân, Mai Trần, Hoàng Sơn, Nguyễn Việt Anh, Minh Phượng, Tuyết Thu, Quốc Thảo, Thanh Hoàng… Hàng loạt các đạo diễn trẻ như Minh Hải, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Công Ninh, Thành Hội, Ái Như, Minh Nguyệt… hợp cùng các nghệ sĩ đã thành danh như Văn Thành, Tấn Thành, Mai Trần, Minh Hoàng, Minh Trang…, nhất là “phù thủy” Thành Lộc, làm nên những vở diễn mang tính nghệ thuật gần như hoàn hảo.

Nơi đây, ngoài việc “sản sinh” ra một số cây viết kịch trẻ sau này thành danh như Thành Hội – Ái Như, Đỗ Đức Thịnh, Lê Chí Trung, còn là vùng đất tốt cho những kịch bản mang nét mới lạ của tác giả Lê Hoàng được đơm hoa kết trái trong lòng người xem: Ngụ ngôn năm 2000, Đi tìm những gì đã mất, Những cuộc phiêu lưu của tâm hồn, Chuyến tàu đến thiên đường

Sau nhiều đổi thay, khán phòng sân khấu kịch 5B vẫn giữ đặc trưng để trống ba mặt cho những ý tưởng sáng tạo, nghệ sĩ và khán giả có chung không gian, gần gũi. Ảnh: N.H.K
Sau nhiều đổi thay, khán phòng sân khấu kịch 5B vẫn giữ đặc trưng để trống ba mặt cho những ý tưởng sáng tạo, nghệ sĩ và khán giả có chung không gian, gần gũi. Ảnh: N.H.K

Nhưng thành công xuất sắc nhất, nâng tầm vị trí nghề nghiệp cho Câu lạc bộ Sân khấu 5B, chính là những vở kịch mang tính thử nghiệm cao của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh, người giữ vai trò đầu tàu của sân khấu này trong suốt nhiều chục năm, như vở Nguyệt hạ, Nỗi đau nhân loại, Diễn kịch một mình, Hoàng hậu của hai vua… Chỉ tính trong hơn một thập kỷ đầu, Sân khấu 5B đã có hằng trăm vở được giới thiệu đến khán giả, trở thành điểm đến tin cậy nhất của công chúng yêu kịch, đặc biệt vở Dạ cổ hoài lang (tác giả Thanh Hoàng, đạo diễn Nguyễn Công Ninh) trở thành vở kịch có nhiều suất diễn nhất trong cả nước, từng có thời tạo ra cảnh xếp hàng rồng rắn trước phòng vé nhiều tháng liền.

Các kịch sĩ trẻ đã thành công khi tạo ra được một phong cách kịch mới cho công chúng, kết hợp lối diễn cảm xúc truyền thống của thoại kịch miền Nam trước kia với phương pháp thể hiện kịch chiêm nghiệm Xtanilapxki được hấp thu ở nhà trường chính quy sau 1975. Cách thể hiện này vừa mang tính giải trí, vừa chuyển tải những thông điệp sâu sắc về nhân sinh quan, về các giá trị thẩm mỹ của cuộc sống…

Tuy ở chót vót trên tầng bốn không có thang máy, khán phòng lại nghèo nàn, đơn sơ song sàn diễn của Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần ngày ấy đúng là một thánh đường nghệ thuật với những vở diễn thuộc hàng “đỉnh của đỉnh” về nhiều mặt. Ở nơi “tôn nghiêm” đó, người ta như uống từng lời, cùng khóc, cùng cười với nhân vật để rồi khi ra về, bước xuống chiếc cầu thang nhỏ hẹp cũ kỹ, vẫn thấy lòng lâng lâng, sảng khoái về món ăn tinh thần vừa được hưởng thụ.

Một thuở đã xa lắm rồi… Bởi từ khi kinh tế thị trường bước vào sàn diễn cũng là lúc “thánh đường” bị lung lay, các “thiên sứ” một thời chung tay nay đã chia nhau đi cùng cơm áo. Giờ đây mấy mươi năm trở lại, chiếc cầu thang cũ kỹ vẫn còn nguyên, khán phòng vẫn chật hẹp nghèo nàn, Câu lạc bộ đã trở thành nhà hát nhưng thánh đường xưa dường như đã mất.

Cát Vũ
Theo Người Đô Thị

Cùng chuyên mục