Lũ buồn vô ngã

Tập thơ mới nhất của Miên Di là Lũ buồn hoang do NXB Hội Nhà văn ấn hành, được chắt lọc từ nội dung đến hình thức. Tranh bìa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cùng các phụ bản tranh của các họa sĩ Lê Thiết Cương, Phương Bình, Phạm Trần Quân, Hoàng Oanh…

Miên Di tên đầy đủ là Lê Xuân Hòa, nguyên quán Đà Nẵng, sinh năm 1976 tại Đại Từ, Thái Nguyên, hiện sống tại phố núi Pleiku, Gia Lai. Miên Di chọn bút danh không viết hoa: miên di, nên trong bài này cũng xin không viết hoa để tôn trọng một chọn lựa.

Tập thơ “Lũ buồn hoang” vừa ấn hành của mịên di

Người ta thường nói, thơ là tiếng lòng, là cái gì đó thiêng liêng không thể diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ nào khác. Tôi nghĩ miên di cũng vậy. Một trái tim chất chồng bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu nỗi đau đời, đau người sau cùng đã yên nhiên, đã viết nên những dòng thơ nhẹ nhõm, thanh thoát, dù có buồn, có cô độc, nhưng vẫn đẹp, vẫn thấp thoáng những tia nắng đầu ngày.

Thơ của miên di nhiều bút pháp, nhiều trăn trở

Tình cờ, và thật đặc biệt, khi ngày tôi cầm cuốn thơ Lũ buồn hoang của miên di trên tay, cũng là lúc tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, tình cờ nhìn thấy hoa ưu đàm – loài hoa người ta vẫn thường bảo 3.000 năm mới nở một lần, mang theo điềm lành cho những ai hữu duyên nhìn thấy. Lòng tôi bỗng hân hoan đến lạ. Hân hoan vì biết rằng, điềm lành chính là được biết đến Lũ buồn hoang, được đọc những câu thơ như rút ra từ trái tim, rút ra từ cuộc đời của một người đàn ông đã tìm thấy chính mình sau những vô thường của cuộc sống khổ đau.

miên di không muốn viết hoa bút danh của mình

Nó có gì đó thiêng liêng như giây phút người phụ nữ được làm mẹ, được nghe tiếng khóc oa oe đầu tiên của thiên thần nhỏ. miên di cũng “làm mẹ” của một đứa con dứt ruột đẻ ra, có quằn quại đau đớn, có hạnh phúc tràn đầy và những giọt nước mắt thiêng liêng. Đứa con đó chính là tập thơ Lũ buồn hoang mà tôi may mắn được cầm trên tay và lật dở chậm rãi từ đầu đến cuối như một món ăn tinh thần giữa bộn bề cuộc sống.

Anh không chỉ viết về vợ con, về gia đình và nhân tình thế thái, mà còn một mảng rất lớn trong Lũ buồn hoang như một cánh cửa khác mở vào tâm hồn – một góc khuất sâu bên trong ít khi giãi bày cùng ai. Những vần thơ đậm chất vô thường, vô ngã, vô ưu. Đậm chất “giác ngộ buồn” của một người bình yên đứng dậy từ khổ đau và mất mát. “Bên kia trống một chỗ ngồi/ Dường như tôi vắng cả tôi luôn này” – (Miền qua tay).

“Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau” – Trịnh Công Sơn

Tôi hiện hữu mà không hiện hữu. Vì trống vắng những yêu thương nên trống vắng cả chính mình, hay vì sự rỗng không ý niệm, vì tôi là tôi mà chẳng phải là tôi? Nghe thì có vẻ khó hiểu, nhưng khi chúng ta không còn cái Vô ngã bên trong nữa, thì khổ đau và hạnh phúc cũng là một, tồn tại và không tồn tại cũng giống nhau. Đó chính là chất Thiền, là cái Ta đốn ngộ mà miên di đã từng cảm nhận được và diễn tả lại bằng ngôn ngữ thơ. “Tôi gần gặp một tôi xa/ Nơi không tôi đấy nhưng mà tôi đây” – (Tìm gặp vô ngã) như khoảnh khắc tác giả chạm vào chính mình.

“Này tôi, vừa mới đánh rơi

Đâu đây có một cuộc đời của ai

Muốn say như một thoát thai

Để mang tôi trả vào ngày không tôi” – (Say)

Tôi cũng muốn một lần được say như vậy. Say trong trạng thái “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”. Lời thơ vẫn hiện diện trên trang giấy, mà xung quanh tôi bỗng mang mang tiếng chuông chùa. Mỗi câu thơ là một tiếng chuông, như tiếng lòng của tác giả, và tiếng lòng tôi trong một buổi chiều Sài Gòn đẫm nắng bỗng gặp cơn mưa mềm như cỏ lá.

Được các đồng nghiệp và độc giả ấn tượng

Viết nhiều về tuổi 40, cái tuổi dường như đã đủ từng trải để mạnh mẽ, đủ khổ đau để cứng rắn và đủ yếu mềm để biết cần một người đầu ấp tay gối những buồn vui. Vậy mà dường như, có những lúc mọi thứ trong cuộc đời bỗng trở nên thừa thãi và bừa bộn trong những góc lòng chưa khi nào thôi ướt.

Sống cho xong không dễ như dọn gọn căn phòng

Đời rộng quá, dọn chỗ này lại bày bừa chỗ khác

Chưa kịp thương mình, thì đã phải thương nhau

Chưa kịp đến, đã phải dời đi nơi khác

Chưa kịp ân cần, đã phải lạnh lẽo với nhau

Chưa kịp khóc, đã phải bật cười cất giấu” – (Tâm sự với tuổi bốn mươi)

Có lẽ vì thế mà thấy đời đau. Có lẽ vì thế mà thấy lòng vội vã những bình thường. Để rồi “Chạm vào tuổi bốn mươi vào ngày bỏ thuốc/ Cất chính mình như cái gạt tàn đã thừa ra”.

Chất thiền ở đâu đó vẫn phảng phất ẩn hiện trong thơ miên di. Chất thiền toát ra từ sự chứng ngộ nỗi buồn và khổ đau.

Sát-na cái khoảnh bật khuy

Vô ưu trong chính tư nghì đảo điên

Tôi tu bằng những ưu phiền

Lắng nghe thật tính trong miền khổ đau

Có em bằng cách không nhau

Yêu em đến nỗi vô cầu có em” – (Khúc tu phiền)

Không phải cứ vào chùa mới là tu. Không phải cứ bên nhau mới là yêu thương gắn bó. miên di tu bằng những ưu phiền và nhận ra chính mình từ khổ đau trần trụi. Tình yêu phải vừa đủ lớn vừa thiêng liêng lắm mới an yên đến độ “có em bằng cách không nhau”. Không có mà có. Không sở hữu mà thành chủ nhân. Mấy ai yêu người đến nỗi không mong cầu có người. Yêu đấy, tha thiết và sâu đậm đấy, nhưng không có nghĩa phải ở bên cạnh họ. Bởi điều đó liệu có nghĩa gì không?

Nhà thơ Du Tử Lê và miên di tại Pleiku năm 2015

Tình yêu đúng nghĩa là thứ gì đó thiêng liêng không chấp niệm và cũng chẳng sở hữu. Nó hiện diện như một thực thể tách biệt giữa hai người – tách biệt mà trong nhau, không có nhau mà đủ đầy mãn nguyện.

Đọc miên di, tôi liên tưởng đến câu nói của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau”. Bên khung cửa sổ, những đóa ưu đàm vẫn tinh khôi như những chiếc chuông nhỏ nằm nghỉ ngơi và thảnh thơi bên đời. miên di cũng thảnh thơi rồi! Thảnh thời và yên vĩnh như cách anh chọn để tên mình không viết hoa. Đó cũng là điều khiến tôi yêu mến anh như yêu mến lũ buồn đẹp trong thơ anh.

Hạnh Tâm

Cùng chuyên mục