Lộn xộn giá dịch vụ lưu trú

Cơ hội lợi nhuận và triển vọng về sự phát triển của thị trường dịch vụ lưu trú bị “thổi phồng” quá mức đã khiến nhiều đơn vị kinh doanh lĩnh vực này, nhất là hai loại hình homestay và biệt thự du lịch (villas) trên địa bàn tỉnh ào ạt đầu tư, dẫn đến thực trạng “phá giá” tràn lan ảnh hưởng tiêu cực cho thương hiệu du lịch địa phương.

Các cơ sở lưu trú cần hướng đến việc cạnh tranh về chất lượng thay vì cạnh tranh giá thì mới phát triển bền vững. Ảnh: Q.T
Các cơ sở lưu trú cần hướng đến việc cạnh tranh về chất lượng thay vì cạnh tranh giá thì mới phát triển bền vững. Ảnh: Q.T

“Phá giá” tràn lan

Lướt qua nhiều ứng dụng đặt phòng lưu trú online uy tín hàng đầu hiện nay, du khách sẽ không khỏi giật mình khi tìm kiếm được nhiều phòng nghỉ ở các vila 2 đến 3 sao nhưng có giá “rẻ bèo” tại Hội An (giá thậm chí xuống dưới 400 nghìn đồng/đêm bao cả ăn sáng). Bà Hồ Thị Quý Thanh – Quản lý HoiAn Discovery Vila cho rằng: “Một lượng không nhỏ các vila trên địa bàn thành phố hiện ở trong vòng luẩn quẩn với service (dịch vụ cho khách) rất kém và không có nguồn khách ổn định, họ đua nhau giảm giá để mong cầm cự, bù lỗ rồi dần dần khiến nhiều cơ sở khác buộc phải hạ theo”.

Thêm một khó khăn trong quá trình điều tiết, giữ ổn định giá cả dịch vụ lưu trú trên địa bàn khi vừa qua UBND TP. Hội An đã phê duyệt Đề án điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phát triển mạng lưới cơ sở lưu trú trên địa bàn từ nay đến năm 2020, trong đó giảm diện tích tối thiểu để xây dựng vila xuống chỉ còn 150m² để đúng theo quy định của Tổng cục Du lịch.

Ông Phan Văn Thức – đại diện một đơn vị lữ hành chia sẻ: “Ở phân khúc lưu trú hạng sang tại Hội An, nhiều đối tác nước ngoài của chúng tôi sẵn sàng book dịch vụ với giá 400 đô la nhưng họ cũng rất lăn tăn rằng tại sao họ lại chi mức giá đó khi cũng có cơ sở tương tự mời chào với giá thậm chí chỉ với 50 đô la. Rõ ràng là có tình trạng phá giá ở đây”.

Bà Phạm Thị Ngọc Dung – Phó phòng VH-TT TP. Hội An cho biết: “Đặc thù của ngành kinh doanh lưu trú du lịch theo luật đã quy định thì doanh nghiệp chỉ cần niêm yết giá công khai và bán theo đúng mức đó chứ Nhà nước không can thiệp được. Bình ổn giá hay không là ở chính các doanh nghiệp du lịch”.

Theo số liệu từ Phòng VH-TT TP. Hội An, hiện trên địa bàn thành phố có tới 302 homestay (tức chiếm khoảng 50% tổng số cơ sở lưu trú). Quản lý homestay Lý Phúc (phường Cẩm Châu) cho rằng: “Mặc dù homestay trên địa bàn nở rộ nhưng hình thức khách du lịch ở, lưu trú, sinh hoạt cùng người dân và dường như loại hình homestay đang mang tính chất của guest house (loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú với khả năng sinh lời cao cho chủ đầu tư và tiết kiệm kinh phí cho khách) thì đúng hơn”.

Bà Phạm Thị Ngọc Dung nói: “Công tác quản lý nhà nước với loại hình lưu trú này rất khó, hiện quy chế quản lý homestay của tỉnh cũng đã có những điều khoản lại nói chung chung, xử lý thế nào thì không có hướng dẫn. Cụ thể hơn là nếu các cơ sở làm sai thì cũng chỉ tuyên truyền, điều chỉnh chứ không có chế tài xử phạt”.

Kết nối để điều chỉnh

Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, vừa qua Hội An được một số trang của nước ngoài chọn vào danh sách top thành phố du lịch rẻ nhất thế giới, điều này giúp quảng bá cho địa phương nhưng thành phố không chủ trương hướng tới du lịch giá rẻ bởi sẽ làm mất đi giá trị của đô thị cổ, của di sản quý giá này.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam (Hiệp hội Du lịch Quảng Nam) thì cho rằng điểm mấu chốt hiện nay mà các cơ sở lưu trú gặp phải là làm ra sản phẩm không biết bán cho ai nên nếu cơ sở nào gia nhập Hội Homestay hoặc Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ được hỗ trợ, tư vấn để hướng tới dòng khách phù hợp.

Theo ông Phan Xuân An – Chủ tịch Công ty Du lịch Tân Hồng – du ngoạn Việt, vào mùa thấp điểm, dịch vụ lưu trú giảm giá để kích cầu khách là chuyện bình thường, tuy nhiên cả hệ thống lưu trú trong thành phố hoặc chí ít trong khu vực điểm đến đó cần thống nhất một mức chung, ví dụ giảm 10%, nếu không sẽ loạn giá ngay. Ông An nói thêm, các cơ sở lưu trú trong một khu vực chủ động kết nối với nhau rất có lợi, đơn cử như việc chia sẻ khách cho nhau trong trường hợp cơ sở của mình đã đầy khách.

Ông Lê Ngọc Thuận phân tích: “Thay vì ta cứ chăm chăm nâng số lượng phòng thì hãy cố gắng tạo ra cái gì mới mẻ ở cơ sở lưu trú của mình để hút khách mới bền vững được. Nếu trước kia làm homestay với 4 phòng không hiệu quả thì mình thử giảm xuống 2 phòng thôi, diện tích còn lại cải tạo thành không gian giải trí cho khách thì tự khắc giá trị của điểm lưu trú mình sẽ tăng lên”. Ông Thuận cho biết thêm, mỗi cơ sở đã làm tốt rồi thì cố gắng “kéo” những cơ sở đang “chới với” lại tìm tiếng nói chung bởi nếu không sớm cải thiện tình hình thì cả cộng đồng lưu trú sẽ đều lao đao.

Quốc Tuấn

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục