Lê Văn Hiến-nhớ nhung phố mới đường xưa
Điểm độc đáo của đường phố Đà Nẵng mà hiếm nơi nào có, là những tuyến đường mang tên danh nhân lịch sử được đặt tượng, tạo thêm vẻ trực quan sinh động và thú vị cho con đường.
Cách đây 2 năm, quận Ngũ Hành Sơn đã đặt hai tượng Lê Văn Hiến, Hồ Xuân Hương và trong tháng 3 vừa qua, đã đặt thêm tượng thiền sư Vạn Hạnh và Huyền Trân Công Chúa. Hẳn nhiên là từ đôi tay của nghệ nhân làng đá Non Nước.
Lê Văn Hiến – con đường lạ mà quen
Việc đặt tượng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn xuất phát từ ý tưởng quy hoạch tổng thể công trình tượng và tranh của Đà Nẵng, cũng là cách để quận Ngũ Hành Sơn khoe khéo tài hoa chế tác trứ danh của nghệ nhân làng đá Non Nước thuộc địa bàn quận này. Từ 4 con đường được đặt tượng, sẽ có một loạt các con đường khác cũng đang được chuẩn gị triển khai.
Người được đặt tên đường và tạc tượng, ông Lê Văn Hiến (1904-1997) vốn là một người con của Đà Nẵng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Lao động Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đại biểu Quốc hội khóa I, II, III. Ông cũng là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền đầu tiên và duy nhất của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Vương quốc Lào. Ông sinh ra ở xóm Cây Thông, xã Phước Ninh, Đà Nẵng. Thuở nhỏ, ông học tại Đà Nẵng và Huế.
Với nhiều người Đà Nẵng xa xứ lâu ngày, có thể có chút bỡ ngỡ với con đường Lê Văn Hiến. Vì 2 lẽ, con đường mang tên mới và “giao diện” của con đường đã hoàn toàn khác xưa. Nhưng nếu nói Lê Văn Hiến chính là một phần của con đường Sơn Trà – Điện Ngọc thuở xưa, trước khi được mở rộng, thì chắc chắn họ sẽ à lên rằng “nhớ rồi”.
Trước khi có con đường ven biển nối Đà Nẵng với Hội An, người Đà Nẵng ở quận 1, quận 3 (cũ) nếu muốn đi Hội An chỉ có đi từ con đường này (Sơn Trà – Điện Ngọc cũ) nếu không muốn đi vòng ra quốc lộ 1 khá xa. Tôi cũng vậy. Năm nào về Đà Nẵng cũng đi Hội An nên mỗi năm lại thấy con đường này khác đi, mỗi lúc một to ra, sau nhiều năm nắng bụi mưa bùn do thi công, con đường ngày nào chỉ rộng đủ 2 làn xe ô tô tránh nhau còn dư ra một ít cho hai xe máy lưu thông hai chiều, thì nay đã thênh thang như đại lộ. Đường Lê Văn Hiến dài 4.900m, bắt đầu từ ngã ba đường Ngũ Hành Sơn – Hồ Xuân Hương đến cầu Biện, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.
Con đường hiện tại, rộng tới mức không chỉ giúp việc di chuyển đến Ngũ Hành Sơn thoải mái, nhanh hơn, mà còn khiến cảm giác như những ngọn núi này mỗi lúc một nhỏ đi, bớt kỳ bí hoang sơ như xưa. Thậm chí, Ngũ Hành Sơn trước kia nằm xa cách đường Sơn Trà – Điện Ngọc là thế, nhưng nay, với độ rộng 48m chưa kể vỉa hè, nó đã ôm sát rạt chân núi, có đoạn như suýt xén lấy chân núi, làm hòn Thủy lúc nào cũng như chực chờ nhô ra, “kèn cựa” giành lấy vỉa hè với con đường.
Kỷ niệm cũ với con đường đến Ngũ Hành Sơn
Đó là con đường mà lũ chúng tôi thuở ấy hay đùa với nhau là con đường thử thách của những cua-rơ xe đạp học trò. Từ trung tâm thành phố mà đạp xe qua nơi này khoảng 12, 13km, quãng đường không hề ngắn đối với những đôi chân học trò 14, 15 tuổi. Đạp xe đến khi thở hổn hển thì cũng là lúc thấy dáng núi xa xa như chắn hẳn con đường, là biết đã gần tới Non Nước rồi (một cách gọi khác của Ngũ Hành Sơn mà ngườI Đà Nẵng quen dùng).
Ngày ấy, rất nhiều lũ học trò, sinh viên trong đó có tôi, đạp xe từ quận 1, qua cầu Nguyễn Văn Trỗi, quẹo phải vào đường Sơn Trà – Điện Ngọc này để đi một mạch chừng hơn chục cây số là tới Non Nước. Hai bên con đường nhỏ còn khá nhiều cây xanh, bụi tre lúp xúp và những bức tường cũ chạy dài như vô tận của sân bay Nước Mặn – một trong những cứ điểm quân sự quan trọng của Mỹ thời chiến tranh. Tôi luôn cứ thắc mắc, tò mò về cái sân bay chỉ thấy đất trống mênh mông và những bồn xăng dầu to thật to, những bong-ke chứa máy bay hình bán nguyệt đồ sộ chạy từng dãy dài, thầm mong có dịp được chạy nhảy trong vùng đất bí hiểm luôn kín cổng cao tường ấy. Nhưng tới khi nó được “mở toang” thì ý định ấy cũng không còn, vì bây giờ diện tích sân bay đã “khiêm tốn” hơn xưa, lọt thỏm giữa các khu dân cư san sát và tôi thì đã để tuổi thơ lại phía sau…
Sẽ thiếu sót nếu không kể hành trình đi chơi Ngũ Hành Sơn từ Đà Nẵng, nhất định cứ phải đạp xe qua nhà máy sản xuất của Công ty CP Cao su Đà Nẵng, nay là số 1 Lê Văn Hiến. Đây là nơi lũ học trò ngây thơ chúng tôi ngày ấy cứ đùa, đi Non Nước cho mòn lốp rồi vô đây mua cho rẻ, hoặc bị lủng lốp xe chỗ ni là an tâm nhứt vì thể nào cũng có lốp giá nhà máy mà mua. Đùa nhau vậy thôi chứ cũng không biết rõ nhà máy này thế nào, chỉ biết đây từng là một nhà máy đắp vỏ xe của quân đội Mỹ thời chiến tranh. Sau này, khi dân cư chung quanh đông lên, nhà máy này lại là một trong những điểm đen về ô nhiễm nên chính quyền thành phố đã đưa nhà máy ra tới KCN Liên Chiểu, Đà Nẵng.
Ngày ấy, đi qua con đường này dễ bị tăng độ mệt vì nhiều bãi cát trắng trống mênh mông, buổi sớm hay chập choạng tối, khi đèn đường nhiều đoạn không có hoặc có với ánh sáng yếu ớt, hàng ngàn ngôi mộ chập choạng trong trời tối càng khiến đoạn đường này thêm… liêu trai. Giờ thì quanh con đường này chẳng còn bóng dáng những ngôi nhà cấp 4 của dân ven biển xưa kia. Khó có thể hình dung được khu thị tứ nhộn nhịp, nhà cửa san sát bây giờ từng là những bãi cát mênh mông cùng bao nhiêu là mồ mả. Tự dưng tôi thấy một sự thú vị, khi con đường này bây giờ lại là nơi chào đón nhiều sinh linh ra đời nhất xứ Đà. Bạn bè tôi hay gọi đùa là con đường cho… bà đẻ khắp xứ Quảng – Đà và các vùng lân cận, khi 4 năm trở lại đây, có sự xuất hiện của một bệnh viện đầu tiên dành cho bà mẹ và trẻ em với tên gọi Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng ở số 402 Lê Văn Hiến, dân gian thường gọi “bệnh viện 600 giường”.
Trước đây, khi con đường Sơn Trà – Điện Ngọc còn hẹp, nhiều chỗ lồi lõm, không có con lươn phân tuyến, thì chuyện đi chậm mới là điều những kẻ như tôi hay làm. Chẳng ai dại gì phóng xe vèo vèo tranh đường với những xe bồn, xe khách, xe tải… cả. Đường Lê Văn Hiến bây giờ rút ngắn thời gian chạy xe, người ta có thể lưu thông bao nhiêu tùy ý trong quy định tốc độ cho phép, nhưng tôi ít thấy ai đi chậm. Hình như người ta vội hơn khi đường to hơn và tự nhiên tôi muốn biết có bao nhiêu người chậm lại để ngắm bức tượng đặt ở đầu đường?
Bài và ảnh: L.M.Hạ