Ý tưởng thành phố nổi giữa đại dương, không khói bụi, chất thải

Tất cả tòa nhà được xây dựng từ các vật liệu bền vững như gỗ và tre. Chúng cũng được thiết kế tháo rời để các thế hệ kiến trúc sư tương lai có thể tái thiết kế lại.

Tại một hội nghị bàn tròn hôm 3/4, Liên Hợp Quốc nhận định thành phố nổi sẽ là giải pháp cho các nước có bờ biển, vốn rất nhạy cảm với hiện tượng nước biển dâng. Tại hội nghị cũng đưa ra thiết kế thành phố nổi do kiến trúc sư Bjarke Ingels và công ty xây dựng thành phố nổi Oceanix, dự án được Liên Hợp Quốc tài trợ này có thể chứa đến 10.000 cư dân, chống được lũ lụt, cuồng phong cấp 5. Về cơ bản, đây là một tập hợp các bệ nổi có hình lục giác, mỗi nền chứa khoảng 300 cư dân.

Bằng cách thiết kế mỗi nền nổi như một hình lục giác, các nhà xây dựng hy vọng sẽ giảm thiểu lượng vật liệu xây dựng cần thiết. Nhóm thiết kế coi một nhóm sáu nền nổi là một “ngôi làng”. Ingels cho biết 10.000 người là số lượng cư dân lý tưởng, vì nó sẽ cho phép hòn đảo tự sản xuất năng lượng, nước ngọt và nhiệt. Ngoài ra, các ngôi làng sẽ không cho phép bất kỳ phương tiện phát thải cao nào tham gia giao thông.

Thành phố nổi cũng không có xe rác, thay vào đó các ống dẫn đưa rác đến trung tâm phân loại và tái chế. Thiết kế có thể cho phép nhiều thiết bị tự hành hoạt động, tuy nhiên các công nghệ được ưu tiên sẽ bao gồm vận tải hàng hóa bằng máy bay không người lái và nuôi trồng thực phẩm dưới mặt nước.

Các lồng nuôi bên dưới nền móng có thể thu hoạch sò điệp, tảo bẹ hoặc nhiều hải sản khác. Những hệ thống thủy canh sẽ sử dụng chất thải từ cá để giúp bón cho cây, trong khi các trang trại thẳng đứng tạo ra sản phẩm quanh năm. Cả hai công nghệ này cũng có thể giúp thành phố tự túc trong điều kiện bão lũ hoặc thiên tai. Nhìn chung, tất cả đều vì mục tiêu giảm chất thải và sản xuất tất cả thực phẩm cần thiết để nuôi sống cư dân thành phố. Ngoài ra, dù được gọi là “thành phố nổi”, các tấm nền lại được neo chặt dưới đáy đại dương.

Oceanix hình dung các ngôi làng sẽ bố trí trong phạm vi khoảng 1,6 km ngoài khơi các thành phố lớn ven biển. Các nền nổi cũng có thể được kéo đến những địa điểm an toàn hơn trong trường hợp xảy ra thảm họa. Những tấm nền này sẽ được làm từ Biorock, vật liệu có lớp phủ đá vôi cứng hơn bê tông ba lần song vẫn có thể nổi. Chất này trở nên cứng hơn theo thời gian, thậm chí tự sửa chữa miễn là vẫn tiếp xúc với dòng nước. Điều này cho phép nó chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Thành phố còn được trang bị một hệ thống tách nước sạch từ không khí. Các khối nhà ở cũng phải được thiết kế không quá cao với trọng tâm thấp (không quá 7 tầng), nhằm đảm bảo an toàn trong điều kiện bão.

Ngoài nhà cửa, thành phố sẽ có một trung tâm tôn giáo, trung tâm văn hóa và thư viện, nơi cư dân có thể thuê máy tính, xe đạp và sách. Tất cả các tòa nhà sẽ được xây dựng từ các vật liệu bền vững như gỗ và tre. Chúng cũng được thiết kế tháo rời để các thế hệ kiến trúc sư tương lai có thể dễ tái thiết kế lại.

Ingels gọi tầm nhìn của ông về thành phố là “chủ nghĩa thực dụng không tưởng” – cách diễn tả con người có thể thực hiện những kỳ công lớn theo nhiều hướng cụ thể, thiết thực. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể sống được dưới nước, nhưng những người không có khả năng thuê nhà ở các thành phố lớn hoặc muốn có một trải nghiệm thân thiện với thiên nhiên có thể được hưởng lợi từ khái niệm này.

Ingels cũng là người nổi tiếng với các dự án như công viên công cộng Superkilen ở Copenhagen, Đan Mạch hoặc một cặp tháp xoắn ở thành phố New York, Mỹ. Chia sẻ với Business Insider, Ingels cho rằng việc thiết kế toàn bộ thành phố lục giác cho anh cơ hội mở rộng tầm nhìn.

“Ở quy mô thành phố, bạn có thể làm được nhiều hơn”, Ingels nói.

Đại Việt
Theo Zing.vn

Cùng chuyên mục