Lê Uyên, khi trở lại khung trời có Lê Uyên & Phương
Mới đó mà đã hơn 20 năm kể từ khi nhạc sĩ Lê Uyên Phương rời chốn nhân gian (29/6/1999-29/6/2019). Đó đây gần xa, người yêu nhạc ông đã có những buổi văn nghệ ngẫu hứng để tưởng nhớ một nhạc sĩ tài hoa với những sáng tác không lẫn vào đâu được. Còn tôi, tôi nhớ ông qua những lần gặp gỡ người bạn đời duy nhất của ông, một phần của Lê Uyên Phương.- nữ ca sĩ Lê Uyên.
Tôi gặp Lê Uyên lần đầu tiên năm 2008, khi chị có chuyến về nước chính thức biểu diễn lần đầu trong chương trình Duyên dáng Việt Nam. Từ sau đó, thi thoảng tôi có dịp gặp gỡ chị, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nhưng thú vị nhất, đáng nhớ nhất là lần gặp Lê Uyên khi chị trở về thăm Đà Lạt. Một ngày của 5 năm trước.
Chuyến trở về kỷ niệm thanh xuân
Khi biết chị sẽ lên Đà Lạt, thì tôi, một kẻ vừa từ nơi đó bước xuống xe về nhà, đã quyết vác máy ảnh trở lại Đà Lạt ngay trong đêm để có thể kịp gặp chị ở xứ ngàn thông. Điều này với tôi và với cả những ai yêu mến nhạc Lê Uyên Phương sẽ thấy rất ý nghĩa, bởi đây là nơi chứng kiến quãng thời gian đẹp nhất của đôi uyên ương âm nhạc, cho ra đời những ca khúc trứ danh và cùng hát, cùng yêu say mê quên ngày tháng.
Thế rồi, sớm hôm sau, trong cái lạnh co ro cố hữu của Đà Lạt, tôi đến điểm hẹn với Lê Uyên. Đó là một quán cà phê rất quen thuộc của Đà Lạt ở khu Hoà Bình, là nơi từng chứng kiến bao lần hẹn hò của Lê Uyên và Phương – cà phê Tùng. Lê Uyên kể từ khi định cư hải ngoại, đây là lần đầu tiên chị trở về Đà Lạt, với cà phê Tùng cũng vậy. Chị nhấp ngụm cà phê đầu ngày mà không khỏi bồi hồi.
Đà Lạt của Lê Uyên bây giờ thật khác xa với hình dung và những năm tháng cũ. Nhưng may cho chị (và có lẽ cho tôi, cho những ai yêu Đà Lạt), quán cà phê Tùng vẫn còn đây, vẫn nằm một góc khu Hòa Bình, như gần 50 năm trước họ đã ngồi. Nhấp nhẹ một ngụm cà phê cũng là cách để Lê Uyên kìm nén lại sự xúc động của mình. Lần trò chuyện trong tuần này cũng khác hẳn những lần khác, những câu chuyện được tôi hỏi với chị, từ Sài Gòn, đến Đà Lạt, từ cà phê Tùng, đến ngã 5 đại học, ga Đà Lạt, dốc ngã ba Chùa… Mà tôi cũng chẳng phải hỏi Lê Uyên nhiều, vì cứ mỗi lần qua một nơi chốn kỷ niệm, chị lại nói, lúc sôi nổi rạng rỡ hào hứng, khi tư lự như thể nói với chính mình.
Nơi ra đời những bài tình khó quên
Lê Uyên bồi hồi: “Trở về đây sau 39 năm xa cách (thời điểm năm 2014-NV), tôi có lại cảm xúc ban đầu. Một nơi chốn đã đưa chúng tôi nắm tay bước vào một cuộc tình quá đẹp. Một nơi chốn mà hai đứa tôi cùng dìu nhau bước vào vườn hạnh phúc. Một nơi chốn mà nếu có kiếp sau, tôi xin được sống và yêu anh như kiếp này. Sáng nay, tôi trở lại nơi này, như bạn thấy, cà phê Tùng, nơi hẹn hò đầu tiên của hai đứa chúng tôi ở Đà Lạt, một ngày của năm 1966. Anh Phương đã có dự định cùng mình và một số người bạn trở về Đà Lạt vào năm 2000 để đi lại những nơi chốn ấy, nhưng chưa kịp thực hiện thì anh ấy mất.”
Ly cà phê buổi sáng ở cà phê Tùng hôm ấy còn là sự tao ngộ, dù chỉ chớp nhoáng với ông chủ quán cà phê Tùng và những người thân của ông, khi tình cờ phát hiện ra một vị khách đã mấy thập niên không gặp, nhưng khuôn mặt rất quen. Và họ nhận ra ngay, dù người đàn bà ấy chỉ đi một mình, lặng lẽ chứ không ríu rít như uyên ương trong lồng gần 50 năm trước.
Theo chân Lê Uyên đến ga Đà Lạt, tôi được nghe kể rằng đây là nơi Lê Uyên Phương viết cho chị một nhạc phẩm mà sau này rất nổi tiếng Một ngày vui mùa đông… Chị đi dọc sân ga, trông chị rất vui, tiếng giày gõ lọc cọc xuống nền ga cũ như giữ nhịp đều cho chị miên man trong hồi ức “Hồi ấy, anh Đà Lạt, tôi Sài Gòn. Mỗi tháng chỉ gặp nhau được một lần, một lần như vậy chỉ trong hai ngày cuối tuần. Anh từ Đà Lạt xuống gặp tôi rồi lại quay về Đà Lạt để đi dạy. Có khi tôi lén nhà lên Đà Lạt thăm anh. Nhà ga này là nơi chúng tôi gặp nhau. Thường thì anh luôn có mặt ở ga để đón tôi. Nhưng có hôm tôi trốn anh, không xuất hiện trên sân ga gặp anh như đã hẹn. Anh nôn nao trông ngóng, chờ đợi, sốt ruột, buồn hiu vì ngỡ sẽ không gặp được tôi. Và rồi, tôi bất ngờ xuất hiện trước mặt anh, khiến anh vô cùng mừng rỡ và hạnh phúc. Đó cũng là lý do mà anh viết những câu hát vui mừng trong bài hát Một ngày vui mùa đông. “Ô hay mùa đông mà xuân đã lâng lâng. Ô hay mùa đông mà mai đã lên bông. Vì gót chân in dấu ân tình Hoa lá ngỡ như mùa xuân, mùa xuân ái ân,… là những câu hát đã được anh viết ra từ xúc cảm ấy…”
Tôi hỏi Lê Uyên: “Vậy còn những câu hát khá lạ như theo em xuống phố trưa nay, đang còn chất ngất cơn say, theo em xuống phố trưa mai, đang còn nhức mỏi đôi vai”, trong bài hát Vũng lầy của chúng ta mà chị bảo rằng mình yêu nhất trong tập nhạc Khi loài thú xa nhau thì sao thưa chị?” . Chị cười, bảo rằng đó là con dốc ở ngã ba chùa, gần chùa Linh Sơn, một ngôi chùa rất nổi tiếng ở Đà Lạt. “Chúng tôi đi bộ qua đường Hàm Nghi (nay là đường Nguyễn Văn trỗi-NV) về hướng khu Hòa Bình để đến cà phê Tùng. Hồi đó chúng tôi hay đi bộ lòng vòng Đà Lạt, qua con dốc này không biết bao nhiêu bận. Những lúc tôi mỏi chân, anh lại cầm giày cho tôi đi chân trần trên phố. Bài Vũng lầy của chúng ta ra đời trong những ngày chúng tôi bên nhau như thế. Nhạc của anh Phương như là những dòng nhật ký âm nhạc, ghi lại những cảm xúc của anh, ghi lại những ngày hai đứa yêu nhau. Mà cảm xúc lúc ấy thì hẳn nhiên phải là cảm xúc thật rồi.” Tôi đi cạnh chị, tiếng giày cao gót gõ thật chậm trên vỉa hè nghiêng nghiêng dốc ngã ba chùa. Trưa Đà Lạt nắng nhẹ, tiếng Lê Uyên khe khẽ hát mấy câu hát quen Theo em xuống phố trưa mai đang còn nhức mỏi đôi vai Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau… Không gian như dừng lại cho người đàn bà ngoài 60 ấy nhớ lại những tháng năm tuổi trẻ sống giữa tình yêu và âm nhạc cùng tình nhân một thuở…
Bài & ảnh: Lê Minh Hạ
Theo 24hsongxanh.vn