Lão mèo già trong tranh “Đám cưới chuột”

Con mèo mà trèo cây cau,

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?

Chú chuột đi chợ đường xa,

Mua mắm, mua muối giỗ cha con mèo!”

Bài ca dao phổ biến trên, có thể là một bài đồng dao để trẻ con hát chơi vô tư, có nội dung ngược đời: Kẻ bị hại lo toan việc giỗ quải cho tổ tiên của chủng loài thù địch truyền kiếp từ thuở khai thiên lập địa đến tận ngày nay luôn giết hại dòng họ nhà mình. Rõ ràng trời sinh ra mèo là để bắt chuột ăn thịt và cũng rõ ràng là không có chuyện chuột làm giỗ cho tổ tiên nhà mèo. Bài ca dao trên chỉ mượn chuyện mèo chuột để nói về điều nghịch lý bất công trong xã hội loài người.

Bức tranh Trạng chuột vinh quy (dân gian thường gọi là Đám cưới chuột)
Bức tranh Trạng chuột vinh quy (dân gian thường gọi là Đám cưới chuột)

Từ cái nhìn xung đột xã hội qua phúng dụ mèo – chuột, nên bức tranh Trạng chuột vinh quy (thường được gọi là tranh Đám cưới chuột) của làng tranh Đông Hồ đã được xếp vào loại tranh “biểu hiện sự chống đối tích cực của nhân dân về tệ nạn tham ô, ăn đút lót của bọn thống trị”. Cụ thể là “nhân dân đã mượn hình ảnh chú mèo già với lũ chuột, một loài gặm nhấm đục khoét để ám chỉ đả kích bọn thống trị quan lại to nhỏ từ trên xuống dưới đều là một lũ sâu mọt ăn hại nhân dân”.

Có phải vậy không? Có phải là nghệ nhân tranh Đông Hồ (hay khái quát hơn, là nhân dân) đã sáng tác trên ý thức tiến bộ sớm sủa như vậy? Đó là vấn đề cần phải lưu ý.

Không chỉ tranh dân gian, Đám cưới chuột còn đi vào nhiều tác phẩm, vật trang trí khác
Không chỉ tranh dân gian, Đám cưới chuột còn đi vào nhiều tác phẩm, vật trang trí khác

Một là, bức tranh gọi là Đám cưới chuột chính danh là Trạng chuột vinh quy bằng văn tự ghi trên tranh. Điều này quy định khảo hướng cho mọi nỗ lực tìm hiểu nó; theo đó, đây là bức tranh phản ánh việc vinh quy bái tổ – một định lệ quan phương của xã hội quân chủ nước ta.

Tranh này thuộc loại tranh Tết được mua về treo trong nhà chủ yếu vào dịp đầu năm mới, nên nó thuộc loại tranh khánh chúc cát tường như ý, đồng thời biểu thị điều mong cầu của gia chủ. Ở đây, mèo/lão miêu biểu trưng cho bậc trưởng thượng của trạng chuột. Và theo truyền thống, tranh vẽ mèo dùng để chúc thọ. Lời chúc này dựa vào sự đồng âm của từ miêu (mèo) và từ mạo (người thọ bát tuần, 80 tuổi). Cách thức biểu đạt lời khách chúc dựa trên sự đồng âm này thể hiện trên nhiều đồ án truyền thống. Tương tự, tranh vẽ bướm cũng dùng để chúc thọ, bởi từ điệp (bướm) đồng âm với từ điệt (thọ 70 tuổi). Nhiều sách vở đã đề cập vấn đề này khá chi tiết.

Không chỉ tranh dân gian, Đám cưới chuột còn đi vào nhiều tác phẩm, vật trang trí khác
Không chỉ tranh dân gian, Đám cưới chuột còn đi vào nhiều tác phẩm, vật trang trí khác

Cách thức mượn vật để lấy âm mà biểu ý (miêu/mạo, điệp/điệt) không phải là đặc sản của Trung Quốc, mà trái lại, cũng chẳng xa với phong hóa xứ ta. Xin dẫn một ví dụ, bài Văn tế thánh trong lễ hội làng Cổ Bơn (Đông Sơn, Thanh Hóa), có đoạn: “Ư hương, ư quốc, ư triều: Trương hỷ đổ Chu đình chi hoàng củ/ Viết lão, viết mao, viết điệt: y quan sãi thượng tẩu chi bạch mi”.(Dịch: Ở làng, ở nước, ở triều, đã thấy nhiều ông lão chống gậy đến sân nhà Chu/ Lão 70, lão 80, lão 90, từng thấy áo mão các vị này trắng ở núi Thượng sơn).

Và trong định lệ, tôn ti của các bậc khoa bảng cũng được xếp thứ bậc tương xứng với các bô lão có tuổi thọ trong cộng đồng; cụ thể là trong yến tiệc chốn đình trung, những cụ 80 tuổi trở lên (mạo) ngồi ngang với tiến sĩ, những cụ 70 tuổi trở lên (điệt) ngồi ngang với cử nhân và các cụ 60 tuổi trở lên ngồi ngang với tú tài.

Các dữ liệu dẫn trên cho thấy vị thế tương đồng của lão mèo già và trạng chuột trong tranh Trạng chuột vinh quy. Ở đó, một bên là tuổi thọ được trời ban (thiên tước) và một bên là học vị cao trọng của kẻ sĩ do vua ban. Một đằng biểu thị tinh thần trọng xỉ, một đằng biểu thị tinh thần trọng sĩ, vốn phổ biến song hành trong xã hội truyền thống xứ ta.

Nói chung, khi đặt một tác phẩm nghệ thuật vào ngữ cảnh phong hóa của chính nó, thì khả năng nhận ra chân nghĩa của tác phẩm là điều có nhiều triển vọng hơn. Nhân đây, xin được nói thêm đôi điều để minh oan cho “lũ chuột” trong bức tranh Trạng chuột vinh quy này.

Không chỉ tranh dân gian, Đám cưới chuột còn đi vào nhiều tác phẩm, vật trang trí khác
Không chỉ tranh dân gian, Đám cưới chuột còn đi vào nhiều tác phẩm, vật trang trí khác

Đã đành, trong thực tế, lũ chuột là “loài gặm nhấm đục khoét”, có phần giống với đám “quan lại to nhỏ từ trên xuống dưới đều là một lũ sâu mọt ăn hại nhân dân”. Song trong cảnh giới văn hóa, chuột là vật háu ăn, đẻ nhiều và hoạt động về đêm, nên chúng có thể là một ẩn dụ phong tình và nói rộng ra là khả năng sinh sôi nảy nở. Giống như một số động vật khác, như chó chẳng hạn, chuột là một biểu tượng hai mặt. Mặt yếu, nó là loài tham lam, trộm cắp, gây hại và nhút nhát, bủn xỉn… Mặt tốt, trong cách kiến giải tôn vinh, đặt trọng tâm vào năng lực sinh sản dồi dào. Theo đó, trong tranh Trạng chuột vinh quy, lũ chuột – ngoài trạng chuột thành đạt – là một dòng họ đông đảo, biểu thị điều mong cầu phúc lộc.

Phúc theo nghĩa truyền thống là sinh con đẻ cháu đầy đàn để truyền dòng họ. Điều này cũng được thể hiện trong một bức tranh Đông Hồ khác, có tiêu đề Rước rồng, vẽ một đám chuột múa rồng. Rồng ở đây biểu ý lời chúc “hưng long – khương thái”, mưa thuận gió hòa, và chuột cũng hàm ý… phồn thực, chứ không thể là hình ảnh xấu.

Nói chung, chuột cũng như mèo, trong thực tế chúng như thế nào là một việc. Còn trong cảnh giới văn hóa, trong tác phẩm nghệ thuật, chúng lại hàm chứa ý nghĩa biểu trưng khác. Ý nghĩa biểu trưng này có thể mang tính phổ quát, đồng thời lại có tính đặc thù của từng truyền thống riêng.

Huỳnh Ngọc Trảng

Dẫn theo Nhà đẹp

Cùng chuyên mục