Hài tục đến từ đâu?

Thời gian gần đây, nhiều tiết mục hài có tính tục tĩu đã xuất hiện trên truyền hình, mà với nhiều người, như vậy đã là đáng báo động. Vậy thì hài tục đến từ đâu?

Ai cũng có thể trả lời dễ dàng là hài tục đến từ chính người diễn hài, do họ không kiểm soát được hành vi và ngôn ngữ của mình trong một phút giây nào đó. Thế nhưng, sâu xa hơn, không đơn giản như vậy.

Trên mạng nổi tiếng nhóm 102 Productions, hài tục tĩu 18+, nhưng họ không phải là đối tượng của bài viết này

Trong nền văn hóa và văn học truyền miệng đồ sộ của cha ông ta để lại, các câu ca, các truyện tiếu lâm, câu đố có yếu tố phồn thực, yếu tố tục, và cả đố tục giảng thanh rất là phổ biến.

Ngay cả trong tạng kinh của các tôn giáo lớn cũng không thiếu bộ kinh diễn tả vẻ diễm tình, nhã ca; thậm chí… Dục lạc kinh, Tố Nữ kinh của khu vực Đông Á đã là kinh điển của nhân loại. Những điều này có ảnh hưởng đến chúng ta, đến người diễn hài không? Chắc chắn là có, không lộ diện thì cũng ngấm ngầm.

Nhóm này hài tục tĩu trực diện, chứ không ngấm ngầm, tiết chế

Đi vào nội tại của hài trong sân khấu truyền thống (ví dụ khảo sát các nhân vật như chàng hề, chú tễu chẳng hạn), nó bao giờ cũng song hành yếu tố tục bên cạnh mua vui, chọc cười, trào phúng, đả kích…, và cao nhất là châm biếm, phê phán.

Vì nhiều lý do, hài kịch và tấu hài ngày nay dường như ít còn giữ được các yếu tố như trào phúng, đả kích, châm biếm, phê phán…, mà chỉ còn là mua vui, chọc cười đơn thuần.

Thế nhưng, trong yếu tố mua vui đó, thỉnh thoảng chúng vẫn còn giữ được yếu tố cổ xưa nhất của hài hước là đố tục giảng thanh. Cho nên việc các nghệ sĩ ngày ngay có dính dáng đến yếu tố tục hoặc đố tục giảng thanh… cũng rất ư bình thường.

Nếu xem xét nhân vật hài (chàng hề, chú tễu…) là những thành tố tất yếu của giải trí dân gian, của sân khấu truyền thống, thì yếu tố tục và trần tục đã là những bản sắc từ ngàn xưa.

Nhân vật hài nào cũng ẩn chứa trong lời diễn hoặc câu hát của họ yếu tố tục, hoặc đố tục giảng thanh. Những bản sắc này từng là “cặp bài trùng” với các tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội mang tính phồn thực của dân gian Việt Nam khắp ba miền, từ vương triều, phủ chúa cho đến phường xã, đình làng, chợ búa… đều phổ biến.

Các tiết mục bị xem là tục tĩu, phản cảm khi nó đi chệch mục đích đố tục giảng thanh, hoặc chỉ dừng lại ở cái tục.

Thử để ý mà xem, từ quán cà phê, quán nhậu cho đến chợ, bệnh viện, thậm chí học sinh sinh viên, việc nói tục, chửi thề đâu phải là… hàng hiếm. Nếu một trong số họ lên truyền hình, trong thế bí hoặc bị căng thẳng mà buông một từ tục, cũng chỉ là thói quen xấu mà thôi.

Vấn đề là cách biên tập sao cho tinh tế, hiệu quả khi phát sóng. Điều này cũng giống như khi phát sóng phim hành động ngoại nhập trên truyền hình, phụ đề tiếng Việt đã giảm nhẹ yếu tố chửi thề, tục tĩu rất nhiều, chứ nếu nghe được tiếng Anh thì thấy quá nhiều và quá nhàm.

Trong giới nghệ sĩ cũng rất nhiều người nói tục, ngồi với họ ở quán xá hoặc đi du lịch chung sẽ thấy rõ, nhưng khi lên sân khấu, họ biết tiết chế, biết diễn theo kịch bản, nên thành ra thanh lịch.

Còn với nghệ sĩ hài, người giỏi nghề là biết đố tục giảng thanh, để làm sao người xem vừa thấy đỏ mặt, lại vừa thấy ý vị.

Chứ nếu tách hoặc cắt đứt yếu tố đố tục giảng thanh ra khỏi hài thì xem như đơn điệu hóa hài kịch, thậm chí đi ngược lại bản sắc, truyền thống của chính bộ môn này.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục