Lạc lối nơi quê nhà

“ôi những giọt sương

trân châu từng hạt

hiện hình cố hương”

– thơ Kobayashi Issa (1793 – 1828), Nhật Chiêu dịch

“… Có người bảo Huế xa, xa lắm

Nhưng Huế quê tôi ở giữa lòng”

– trong bài Nhớ Huế quê tôi, Thanh Tịnh (1911 – 1988)

lac-loi-noi-que-nha
Bến đò làng Đại Bình, Quảng Nam. Nhớ nhà nhiều khi chỉ là nhớ một bến đò. Ảnh: Lý Đợi

Nhiếp ảnh gia MPK kể, vì anh rời nhà đi lang thang quá lâu, nên đến lúc cha mẹ chia đất đai cho các con thì quên mất có “Phước khùng” trên đời – tên ở nhà của anh. Đến khi mọi việc gần xong thì mới nhớ ra, thế anh em góp mỗi người một ít tiền đưa cho MPK mua một mảnh đất nhỏ, cách nhà cha mẹ mấy cây số. Suốt đời gắn bó với Đà Lạt, nhà cha mẹ – là quê hương – cũng ở ngay Đà Lạt, vậy mà cứ “xa quê hương” dài dài.

MPK nói với tôi, giọng hơi cà lăm: “Tao – tao – tao… thích cái câu ca dao của xứ Quảng nhà mi, nghe thằng nhà thơ Nguyễn Trung Bình đọc một lần, tao – tao… nhớ luôn: ‘Rằng xa, chỗ ngõ cũng xa/ Rằng gần, Vĩnh Điện, La Qua cũng gần’. Trừ ít năm đi giang hồ xa, còn gần như suốt đời tao ở Đà Lạt, thương cha mẹ, anh em quý nhau không hết, nhưng – nhưng… tao không có quê mày ạ. Gần đây tao – tao – tao… có vợ con rồi, tao tự làm cái nhà nhỏ nhỏ, có con tao mới có quê ở Đà Lạt đó”.

Tâm sự này có lẽ cũng giống như Hạ Tri Chương (659 – 744) đời xưa, trong bài Hồi hương ngẫu thư 1: “Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi/ Hương âm vô cải, mấn mao tồi/ Nhi đồng tương kiến, bất tương thức/ Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai”. (Về quê tình cờ ngồi viết: Tuổi trẻ ra đi, già mới về/ Giọng quê không đổi, tóc tai xơ xác/ Trẻ con trông thấy, không nhận ra/ Cười hỏi, khách từ phương nào đến?)

lac-loi-noi-que-nha
Hoặc nhớ một lối sống, một công việc quen thuộc. Cần Giờ lúc nước ròng, khi ngư dân nghỉ ngơi. Ảnh: Lý Đợi

Cái tâm trạng “Nhi đồng tương kiến, bất tương thức/ Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai” có lẽ không ít người xa quê đã từng gặp. Đọc các tản văn mà Việt kiều hồi hương những năm 2000 viết, cũng thấy khá rõ điều này. Họ nhớ quê da diết, cứ mong mỏi đến ngày trở về, họ mong quê mãi mãi như là trong ký ức, nhưng khi về quê thì không còn giống như vậy? Họ thường gặp những câu hỏi nhói lòng, kiểu như: Từ đâu đến đây vậy? Quen ai ở đây không? Về mặt thời gian xuôi chiều, đây là điều bình thường, bởi chỉ cần cách ngăn hai ba thế hệ, thì đã khác, nhưng về thời gian tâm lý thì khó mà chịu nổi, bởi “hạt sương cũng hiện quê hương”, bởi “quê tôi ở giữa lòng”.

Miền Trung có câu: “Chửi cha không bằng pha tiếng”, để chỉ những người đi xa về mà giọng nói bị lai, xem như mất gốc một phần. Nhưng thực ra, sống ở xứ người nhiều năm, bị/được pha tiếng là điều rất bình thường, thậm chí người đó thuộc dạng cởi mở, biết hòa nhập, ít bảo thủ. Bởi vậy tục ngữ Việt Nam mới có câu: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, mà láng giềng ở lâu chính là quê nhà, là quê hương. Với truyền thống lưu dân của người Do Thái mấy ngàn năm cũng vậy, trong Thánh Kinh (Châm ngôn 27:10) có câu: “Đừng từ bỏ bạn bè của con hoặc bạn bè của cha con; Trong ngày hoạn nạn đừng bỏ nhà để đến quê của anh chị em ruột; Vì anh em xa không bằng láng giềng gần”.

lac-loi-noi-que-nha
Một bờ sông Đà Nẵng năm 1970. Ảnh: Steve Ferendo

Sau năm 1975, nhà thơ Phạm Thư Cưu nói với mẹ con ra đầu hẻm uống cà phê với bạn, mẹ nhớ chờ con về ăn cơm tối. Vậy là người mẹ ấy chờ hết tuần này qua tháng nọ, mấy năm không có tin tức thì mời thầy về lập bàn thờ, lấy ngày đi uống cà phê ấy làm ngày đám giỗ. Sau nhiều năm xa mẹ và xa Đà Nẵng đi ngao du tứ xứ, một ngày Phạm Thư Cưu nhớ bữa cơm chiều đã hứa năm xưa, nên muốn trở về. Bạn bè Sài Gòn làm bữa nhậu tiễn biệt, có người tặng quần áo mới, có người tặng đôi giày mới. Khi xe đò về đến gần Quảng Ngãi, Phạm Thư Cưu sực nhớ mình còn quên đôi giày bạn tặng, sợ bạn hiểu lầm, thế là bắt xe ngược vào Sài Gòn, gần hai năm sau mới về lại Đà Nẵng. Bước vào nhà thì thấy hình của mình trên bàn thờ, mẹ đang lui cui cơm chiều dưới bếp. Mẹ già bước lên, không nói không rằng, thắp ba cây hương xin phép tổ tiên cho “đổ bàn thờ thằng Tuấn” – tên ở nhà của Phạm Thư Cưu. Xong mẹ nhìn con từ đầu xuống chân, thấy đôi giày mới: “Chu cha, có giày mới nữa tề, ngơm hỉ? Con ăn cơm chưa, mạ dọn cơm lên ăn”.

Vậy là, với MPK thì con cái làm nên quê nhà, còn với mẹ của Phạm Thư Cưu, con cái chính là quê nhà. Nhà ở đâu, con ở đâu, quê ở đó. Từ đó về sau, vì còn mẹ già, nên ít bỏ nhà đi lâu năm nữa, nhưng vẫn đi ngắn ngày liên tù tì. Phạm Thư Cưu vẫn là “đệ nhất giang hồ mải chơi”, được các “cao thủ mải chơi” đương thời như họa sĩ Đào Trọng Lưu (tức Lưu “mải chơi” ở Hà Nội), nhà thơ Tâm Nhiên ở Hòn Sơn (Kiên Giang) nể vì, quý mến.

lac-loi-noi-que-nha
Một gánh mì Quảng tại Hội An trước năm 1954. Ảnh: tư liệu

Trong trường thiên tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust (1871 – 1922), nhân vật người thuật chuyện đã làm một hành trình hồi tưởng xuyên không, từ nơi nghỉ Hè của gia đình ở Combray về thời thơ ấu, về gia đình, về ngôi làng, về quê cũ… Từ gặp gỡ lại những khuôn mặt thân thuộc, rồi hàng xóm sơ giao, rồi những người còn xa lạ. Trong hồi tưởng đó, mọi việc cứ dần rõ ràng và thân thuộc, mà khi đi về thật, chưa chắc đã tìm thấy, đã nhận ra. Và người ta dễ tìm lại được thời gian, được quê nhà trong hồi tưởng, còn ngoài đời thực, đôi khi nan giải lắm thay.

Về nhà (về quê, quy cố hương) tưởng là một khái niệm bền vững, một hành trình dễ dàng, nhưng thực ra khá kỳ lạ. Nó có thể gần gũi, thân thương như Đoàn Văn Cừ (1913-2004), trong bài Đường về quê mẹ: “U tôi ngày ấy mỗi mùa Xuân/ Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần/ Lại dẫn chúng tôi về nhận họ/ Bên miền quê ngoại của hai thân”. Nhưng cũng có thể bẽ bàng như bài thơ đánh số 32 trong tập Chân dung nhà văn của Xuân Sách (1932 – 2008): “Bao năm ngậm ngải tìm trầm/ Giã từ quê mẹ xa dòng Hương giang/ Bạc đầu mới biết lạc đường/ Tay không nay lại vẫn hoàn tay không/ Mộng làm giọt nước ôm sông/ Ôm sông chẳng được, tơ lòng gió bay”.

lac-loi-noi-que-nha
Hoặc nhớ một cảnh làng cũ. Lối vào làng Đường Lâm, Hà Nội, nhìn từ xa. Ảnh: Lý Đợi

Có những người sinh ra nơi đất khách, nguyên quán chỉ là quê cũ của cha mẹ, nay họ không còn nữa, cứ tưởng nguyên quán ấy chẳng liên quan trực tiếp gì đến mình. Nhưng đến một lúc nào đó muốn “về quê nghiêm túc”, người ấy chắc sẽ cảm thấy như đang trở về một nơi mà mình đã chia xa từ lâu, như thể đang cùng cha mẹ trở về quê cũ, về nhận họ nhận hàng. Sự “về quê nghiêm túc” này là kết quả của một hồi tưởng, dù không trực tiếp trải qua, nhưng vẫn thức dậy từ tiềm thức. Sự thân thuộc của quê nhà không chỉ có thời gian và không gian vật lý, mà còn được di truyền qua huyết thống, qua tiềm thức, qua vô thức nhiều đời. Bởi vậy mà Tản Đà (1889 – 1939) kết bài Thăm mả cũ bên đường bằng mấy câu: “Ấy thực quê hương con người ta/ Dặn bảo trên đường những khách qua/ Có tiếng khóc oe thời có thế/ Trăm năm ai lại biết ai mà!”.

10 cuốn sách hay với chủ đề trở về nhà

Đây tuyển chọn của nhà văn Derek Palacio (sinh 1982, Illinois, Hoa Kỳ), tác giả The Mortifications, một số đã được dịch sang tiếng Việt: The Insufferable Gaucho (của Roberto Bolaño), Gilead (Marilynne Robinson), Ways of Going Home (Alejandro Zambra), Song of Solomon (Toni Morrison), Sweet Promised Land (Robert Laxalt), Ciao, Suerte (Annie McGreevy), The Mambo Kings Play Songs of Love (Oscar Hijuelos), Pedro Páramo (Juan Rulfo), The Revolutionaries Try Again (Mauro Javier Cardenas), The Milan Miracle: The Town that Hoosiers Left Behind (Bill Riley).

Hiền Hòa

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục