Nhà thiện nguyện Châu Thành Toàn: Kiên trì đánh thức những hành động tử tế

Coi thiện nguyện như một “nghề”, Châu Thành Toàn gắn với công việc này đã hơn 22 năm. Anh bền bỉ gieo những hạt mầm tử tế, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ và khuyến khích họ hãy sống khát khao, sống có lý tưởng, biết yêu thương, sẻ chia… Nhân dịp ra mắt cuốn sách mới cũng như nhận kỷ lục “Top những người có thời gian làm thiện nguyện lâu nhất” do Trung tâm Kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận, Châu Thành Toàn chia sẻ góc khuất của công việc này.

Hơn 22 năm gắn với các hoạt động thiện nguyện, chương trình nào bạn cảm thấy tâm đắc nhất và vì sao?

Đó là chương trình thể thao dành cho người khuyết tật. Giải mỗi năm tổ chức một lần để chọn vận động viên tham dự Para Games các cấp từ khu vực tới thế giới, đến nay tôi có 16 năm gắn bó với vai trò tình nguyện viên. Giải có 8 môn thi đấu, tình nguyện viên phải làm không chỉ những công việc cụ thể như hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho vận động viên mà còn nhiều việc không tên khác.

Cái được nhất chính là tiếp xúc, làm quen và kết bạn với những gương mặt tiêu biểu, từ đó kết nối các bạn ấy vào những chương trình thiện nguyện, truyền cảm hứng, nghị lực sống cho những bạn yếu thế để họ thấy không bị thua thiệt, xóa tan mặc cảm, từ đó hòa nhập với xã hội.

Châu Thành Toàn (bìa trái) cùng các mạnh thường quân tổ chức hoạt động tặng quà cho người khiếm thị Tây Ninh nhân Ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4 vừa qua. Ảnh: CTV

Hình như có một nhóm người bạn dành sự quan tâm đặc biệt hơn, đó là những bệnh nhi ung thư phải đoạn chi?

Với người bình thường không may bị tai nạn dẫn đến phải đoạn chi, thường họ chỉ phải trải qua cú sốc đó một lần thôi. Với bệnh nhân ung thư, sau khi sốc trước hung tin, trước mắt họ còn cả một chặng đường mệt nhoài chiến đấu với bệnh tật. Là việc xạ trị, hóa trị như cực hình hành hạ thể xác, tuy nhiên sợ nhất là sự sụp đổ về tinh thần, ý định buông xuôi. Chỉ vào thăm nom mà về tôi còn thấy ám ảnh huống gì họ phải đối diện với cái chết, chứng kiến từng phần thân thể bị cắt đi.

Bệnh nhân ung thư xương sau khi đoạn chi rất sợ những cơn ho, bởi sợ di căn tới phổi nên tâm lý rất hoang mang. Vì vậy tôi muốn chia sẻ, an ủi và dành sự quan tâm đặc biệt cho họ.

Trong chặng đường dài làm thiện nguyện, cách bạn tìm nguồn tiền như thế nào? Bí quyết để mạnh thường quân không chỉ tham gia một lần mà gắn với chương trình dài hơi?

Thời gian đầu kiếm tiền để làm từ thiện không dễ. “Phi vụ” đầu tiên tôi đã khóc nức nở trước mặt mọi người sau khi vận động mỗi người chỉ 10 ngàn đồng mua chiếc khung để lồng bức tranh chữ “Phật” tặng bệnh nhân ung thư mà không ai tin. Nhưng nhờ vậy mà tôi và nhóm tình nguyện của mình nghĩ không chỉ ngửa tay đi xin mà phải kiếm tiền, miễn là hợp pháp như đi vỗ tay thuê cho game show, đóng vai fan cuồng tặng hoa hay gấu bông, thậm chí sắm loa đi hát dạo…

Tôi hát không có nhạc đệm, chỉ đơn giản là dùng tiếng hát để mang đến thông điệp của mình. Tôi cũng không nhớ đã gom được bao nhiêu tiền từ giọng hát tào lao của mình hơn mười năm nay. Nhưng tôi biết, người ta ủng hộ không phải bởi giọng hát hay, mà họ biết chúng tôi đang làm những công việc có ích. Khó thống kê bao nhiêu lần mình đã cầm loa đi hát nhưng lần nào cũng như lần nấy, những tờ tiền lẻ ấy không ngừng mang cho tôi động lực và niềm tin về lòng tốt của người dân Sài Gòn. Nhờ vậy mà có được một ít kinh phí để giúp lại cho mấy em. Dần dà, nhờ chương trình thực chất, mối quan hệ mở rộng nên kinh phí cũng tăng lên và như vậy lại giúp được nhiều người hơn. Nhưng tôi vẫn nhớ giọt nước mắt 10 ngàn đó như khởi đầu của đời tình nguyện mặn mòi mình theo đuổi.

Khi có tiền chúng tôi phân công người cụ thể theo dõi tài chính. Ai đóng góp bao nhiêu, hay chi làm chương trình bao nhiêu đều minh bạch. Ví vụ bà T. tài trợ kinh phí 45 triệu xây một ngôi nhà cho người nghèo, khi làm xong thì chúng tôi làm công bố quà của người nào thì đi theo tên của người đó, rõ ràng phân minh. Chúng tôi làm dựa vào chữ tín nên không chỉ ủng hộ một lần mà nhiều người sau đó tiếp tục ủng hộ, thậm chí ủng hộ nhiều hơn. Có người theo nhóm chúng tôi hơn cả 10 năm nay rồi. Họ tin tôi và vì tin như vậy nên tôi càng không được tham. Vì họ quá tốt với mình nên mình không thể để phụ mất niềm tin đó.

Công việc buộc phải nếm trải không ít tủi nhục, vậy có khi nào bạn tự vấn là tại sao phải đâm đầu vào công việc bao đồng này, trong khi hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một cuộc sống vị kỷ hơn?

Lâu lâu tôi cũng chợt nghĩ, bởi nếu không nghĩ thế thì mình là thần thánh rồi. Tôi chấp nhận tình nguyện là “làm dâu trăm họ”. Mà với tôi thậm chí là “làm dâu nghìn họ”, khóc cười chẳng quan trọng gì miễn mình làm được việc lành, giúp được ai đó.

Châu Thành Toàn và mô hình “Quán cơm 0 đồng” dành cho những người có hoàn cảnh đặc biệt. Ảnh: CTV

Rất dễ để trở thành một người đi xin tiền nhưng để trở thành một tình nguyện viên chuyên nghiệp thì không hề dễ. Theo bạn để làm “nghề” tình nguyện viên cần yếu tố gì?

Mỗi con người đều có yếu tố nhân thiện bên trong, đều muốn phát tâm. Tuy nhiên từ muốn đến hành động cụ thể là một quá trình. Mình phải bỏ thời gian, công sức, trí tuệ thì mới làm được công việc thiện nguyện lâu bền. Quan trọng nữa là mình có thương được người ta, đủ bao dung với công việc hay không. Nếu mình thương, bao dung được thì mình sẽ làm được.

Cách làm từ thiện của bạn khá đặc biệt là quan tâm khơi dậy nghị lực, cảm hứng sống, khát khao vươn lên của những người yếu thế, đặc biệt là bệnh nhi ung thư. Từ suy nghĩ nào mà bạn lại có “liệu pháp” như vậy?

Đa số những em ung thư thường có ước mơ. Các em đều mong điều trị xong thì cho đi từ thiện. Nhiều em khi phát hiện đã di căn rồi. Tôi hứa với những em ấy cho đi làm từ thiện, chở đi xem kịch, đãi ăn ngon… để mấy em cảm thấy được tận hưởng cảm giác mai mốt khoẻ sẽ được đi làm như anh Toàn. Nhờ những liệu pháp tinh thần như vậy cho các em cố gắng, có động lực mặc dù đôi khi biết sẽ không có phép màu như chuyện cổ tích.

Cũng có nhiều người không hiểu, thường nói việc tôi đi tặng quà chỉ là cho người bệnh “con cá” chẳng giúp gì được họ lâu dài. Nhưng ít ai ở trong tình huống thường xuyên gặp bệnh nhân ung thư để hiểu rằng, thứ họ cần nhất không phải là những lí thuyết “cần câu” với “con cá” mà là nghị lực để sống, nghị lực để vượt qua thời khắc khó khăn nhất trong đời.

Và ở chiều ngược lại, các em cũng cho tôi bài học về niềm tin. Đó là khi khi bạn đặt niềm tin vào ai đấy, trong lúc họ bế tắc, sụp đổ nhất cũng là cách làm thiện nguyện. Giúp người khi mình có thể, chứ không đợi khi mình giàu.

Nhưng bạn từng chia sẻ rằng tiêu chí làm thiện nguyện là phải có tâm, lương thiện và phải “ác”. “Ác” ở đây là sao?

Là nhiều khi mình phải đóng vai ác như la mắng, làm dữ trước mọi người. Nhưng la vì thương chứ không phải la để bỏ, vì ghét. Chẳng hạn như chương trình gọng hát hay trường khiếm thị tỉnh Tây Ninh, mình đã cực nhọc sau giờ làm đi xuống đó để tuyển thí sinh. Các em đăng ký đã đời nhưng khi xướng tên thì không ai dơ tay. Thế là tôi lại phải đóng vai ác. Lần đầu tiên tôi thấy người mù họ khóc. Lúc đó lòng chùng xuống nhưng phải la như vậy để các em cố gắng. Sau này các em tâm sự nhờ lần đó bị la mà giờ tự tin đứng trước đám đông, có em thậm chí còn xung phong dẫn chương trình.

Tinh tế mang những trải nghiệm bản thân để chia sẻ với bệnh nhân, sống được nhiều cuộc đời với họ. Tự làm phong phú đời sống, đó có phải là món lời của bạn trong “nghề” này?

Sống được nhiều cuộc đời như vậy rất khổ vì lúc nào người ta cũng gọi tới mình, mà gọi tới thì không thể chối bỏ. May là mình sắm được nhiều vai, chịu đựng giỏi nên nhiều khi các em khuyết tật đám cưới, nhà nghèo không có tiền mướn dịch vụ thì mình lại nhào vô, làm cả MC.

Tôi tìm được niềm vui khi chia sẻ với mọi người. Tôi chịu lắng nghe. Khi thì vui hết biết nhưng cũng không hiếm những lần ước mắt rơi chung. Cái tôi được nhiều nhất có lẽ là được nhiều người coi là chỗ dựa tinh thần. Với tôi điều đó rất lớn lao.

Bạn đã truyền được cảm hứng cho nhiều người, còn về phần mình, bạn có thần tượng ai? Bạn tìm chốn nương náu cho tâm hồn nơi đâu?

Tôi thần tượng bản thân mình bởi tự thấy trong lĩnh vực này mình đã làm quá tốt, hay nói đúng hơn chắc chả ai chọn cách làm như mình (cười). Còn nương tựa thì tôi chọn nương tựa nơi cửa Phật vì như vậy mình mới giải đáp được những câu hỏi thắc mắc của các em ung thư là chết mình đi về đâu. Để khi giải thích như vậy có nhưng em cảm thấy được sự an ổn từ lời khuyên của mình, từ sự gieo nhân của mình…

Châu Thành Toàn quan niệm: “Giúp người khi mình có thể, chứ không đợi khi mình giàu.”

Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc bạn đã thuyết phục gia đình như thế nào để được chấp nhận sống cuộc đời gắn với thiện nguyện, gần như không dành gì cho bản thân?

Lúc đầu tôi chỉ làm vì thương tụi nhỏ nhưng rồi dần dần không bỏ được. Nhìn cách tôi quan tâm tụi nhỏ, đặc biệt những lần đưa cả những em khuyết tật về nhà, một tay lo ăn uống vệ sinh, tắm rửa, ba tôi chép miệng: “Không biết sau này ba già có chăm cho ba được như vậy không?” Là ba lo vì thấy tôi cực quá nhưng bù lại bây giờ tôi trở thành niềm vui, sự hãnh diện cho ba.

Tôi biết ba vui nên càng cố gắng làm nhiều việc tốt.

Thực ra bạn hoàn toàn có thể san sẻ bớt công việc cho những “đồng ngiệp” và như vậy sẽ bớt được rất nhiều sự đánh đổi?

Nói thật làm tình nguyện là câu chuyện 0 đồng nhưng tôi may mắn có trong tay một nhóm cộng sự chia sẻ được với mình nhiều điều. Tuy nhiên tôi vẫn phải là người đứng mũi chịu sào, công việc này không chỉ đòi hỏi nhiều sự hi sinh mà còn cả sự tinh tế và nhiều phẩm chất khác nữa.

Được biết nhiều năm hướng dẫn cho các thí sinh Hoa hậu hoàn vũ tham gia các chương trình công tác xã hội, điều bạn muốn truyền cảm hứng cho những “bông hoa” ấy là gì?

Tôi chia sẻ với các bạn nhiều điều, những ứng xử, tương tác đặc biệt với các em nhỏ và dặn dò các bạn làm gì cũng bắt đầu bằng tấm lòng. Tôi thẳng thắn với họ: Các em không cần phải diễn và tôi chỉ dòm các em bằng sáu chữ là thái độ, lời nói và hành động. Chính những cái này sẽ làm cho tụi em tốt hơn sau này.

Tập huấn cho các thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ những hoạt động công tác xã hội tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Ảnh: CTV

Đã có nhiều chương trình, mô hình thiện nguyện ý nghĩa được thực hiện những ngày cách ly vừa qua. Bạn có nghĩ rằng đó là những bổ khuyết cho khoảng trống từ chính quyền?

Tôi nghĩ tinh thần tương thân tương ái, san sẻ khó khăn là điều rất đáng quý, đặc biệt những gì xuất phát từ tâm. Nhưng cũng cần thấy rằng những sự kiện tự phát thì luôn có tính hai mặt. Tạm thời bỏ qua những tranh luận liên quan đến “của cho không bằng cách cho”, của sự tham sân si trong việc nhận quà thì có thể thấy nguồn lực xã hội nhiều khi chỉ dồn về một vài chỗ trong khi đáng ra sẽ được phân bổ hợp lý hơn.

Tôi nhớ có lần mình và cả nhóm đi phát phần ăn tối cho người vô gia cư ở quận 3 và quận 10, nghe các bác than là hàng ngày thì đói khổ thật nhưng cứ đến “tháng cô hồn” thì tối ngủ cũng không yên vì cả chục nhóm ghé qua phát cơm. Mà bụng người thì ăn một bữa thôi chứ làm sao ăn chục hôp cơm trong một đêm. Sáng đến trưa thì phần cơm hư thúi, phải bỏ đi lại thấy tội lỗi với trời đất.

Là người gắn bó với những người yếu thế tôi thắc mắc không biết có bao nhiêu người khuyết tật tiếp cận được những phần cơm, gạo, quà từ thiện trong dịp các hoạt động thiện được quan tâm tới mức “tung hê” như vừa qua?

Bạn có đồng ý quan điểm: không có con người tử tế mà chỉ có hành động tử tế?

Để đánh giá con người đó có tử tế hay không theo tôi là rất khó. Tôi nghĩ chỉ có những hành động tử tế và có nhiều con người tử tế ở những hành động cụ thể. Tôi có niềm tin mỗi con người đều mang bên trong tính thiện lương, vấn đề là phẩm chất đó được nuôi dưỡng như thế nào. Về phần mình tôi vẫn kiên trì tìm kiếm và đánh thức những hành động tử tế.

Thiện nguyện ở Việt Nam nhìn chung vẫn mạnh ai nấy làm, mang tính tự phát dẫn đến tình trạng vàng thau lẫn lộn. Theo bạn đã đến lúc cần chuyên nghiệp hoá cách làm từ thiện?

Hiện tượng này không chỉ ở Việt Nam mà cũng xảy ra ở đây đó trên thế giới, đặc biệt là trong thời đại 4.0 như hiện nay. Một bức ảnh, đoạn video tự phát có thể kêu gọi nguồn lực rất lớn từ xã hội mà việc quản lý nguồn tài chính ấy là dấu hỏi lớn? Do vậy, đã có sẵn lòng tốt thì chịu khó thêm một bước nữa là cần tìm hiểu kỹ để gửi lòng tốt ấy đến đúng địa chỉ cần nhận.

Tôi nhớ thời gian đầu mới vào bệnh viện họ nghi ngờ tôi tìm cách tiếp cận, làm tiền bệnh nhân vì quả thật có rất nhiều người lợi dụng tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” nên đã lừa bệnh nhân mua “thần dược”, gạt tiền. Tôi và nhóm tình nguyện của mình đã tốn rất nhiều thời gian để các bác sĩ, y tác, nhân viên bệnh viện cũng như bệnh nhân hiểu và tin công việc mình làm.

Tôi thấy Việt Nam cũng đang có những tín hiệu vui như dự án Hiểu về Trái tim, Room to read, SCC… hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả. Tuy nhiên, chúng ta không thể ngăn cản những hoạt động tự phát bởi dù sao đó cũng là sự phát tâm, tuỳ tâm. Tôi chỉ không đồng tình với cách làm từ thiện kiểu mình có cái dư giả rồi thì mình cho đi, hoặc không cần nữa thì đem cái đó ra làm phước. Thay vào đó tôi học được và khuyến khích những người bên cạnh mình hãy cho đi những thứ mình có thể vì đôi khi người bị nạn chẳng thể chờ.

Khó khăn nào bạn cảm thấy nhớ nhất? Bài học nào theo bạn cho đến nay vẫn thấm thía?

Tôi thấy may mắn vì có đủ sức khoẻ và trời cho cái giọng quá tốt, có thể nói ra rả, hát hò cả ngày cũng không mệt nên khó khăn nếu có chẳng qua là những trở ngại trong quá trình vận chuyển quà, hay đồ đạc làm chương trình ở những chuyến đi xa, đi sâu vào các bản làng.

Còn về bài học, tôi tâm đắc câu nói của ba một mạnh thường quân: “Một sự giác ngộ nào cũng có điều kiện”. Vì vậy trong các chương trình hay hoạt động, quà… tôi đều lồng ghép vào đó những bài học, những thông điệp làm người cho các em.

Bền bỉ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ…

Những ngày cách ly mùa dịch Covid-19 của bạn diễn ra nhà thế nào?

Làm ở ngành y tế nên tôi vẫn tham gia phòng chống dịch. Và tôi vẫn tổ chức tặng quà cho những người bán vé số, những người neo đơn, khiếm thị.

Thời gian biểu của một kỷ lục gia thiện nguyện thì sẽ như thế nào?

Tôi bắt đầu thức dậy đọc kinh từ lúc 5g30. Vô cơ quan lúc 7 giờ, làm các công việc giờ hành chính. Được cái là ở Trạm Y tế quận 1 mọi người biết công việc của tôi, nên rất tạo điều kiện. Sau đó dành thời gian cho các hoạt động thiện nguyện, đi chùa phụ công quả. Thứ 7, Chủ nhật dành hết cho công việc thiện nguyện. Tôi thường đi vào tối thứ 6, đến sáng thứ 2 có mặt ở Sài Gòn và vô cơ quan làm luôn. Thỉnh thoảng vãn chương trình thì về thăm gia đình. Phần lớn thời gian tôi dành cho công việc thiện nguyện bởi tôi tin rằng thương một người không phải là cho họ những nhu cầu thiết yếu về vật chất, mà hơn cả là thời gian, dành sự cảm thông chân thành nhất để chia sẻ với họ.

Trong cuộc sống bạn có chọn một châm ngôn cho riêng mình?

Tất cả mọi đam mê đều có tiền riêng, đam mê tình nguyện thì chỉ có niềm vui!

Châu Thành Toàn – Cho đời một chút bình yên”

Là tựa đề cuốn sách do Lambooks thực hiệnkể lại câu chuyện 22 năm ròng mà Châu Thành Toàn đã cống hiến cho con đường lý tưởng của riêng mình – làm tình nguyện chuyên nghiệp. Những trang sách chứa đựng những câu chuyện thật đẹp về những nỗ lực giúp đời mà Toàn đã chắt chiu qua nhiều năm gắn bó với một công việc mà anh tự nhận đó là cái nghiệp đã vận vào mình – nghề làm tình nguyện.

Ở đó, người đọc sẽ cảm nghiệm được chân thực những cảm xúc buồn vui sướng khổ, cũng như cách tư duy về công việc thiện nguyện của anh, khi cùng bạn bè, cùng các mạnh thường quân và cả những người lạ-thành-quen đã trải qua trong quá trình đem đến những điều tốt đẹp cho đời.

Sách không mang lại tuyên ngôn gì to tát, nhưng nó sẽ là một tiếng nói mới mẻ của những người trẻ tràn đầy nhiệt huyết, là cầu nối và đem lại sự nhân văn trong cái chất dung dị đời thường. Sách vừa được ra mắt đúng dịp Châu Thành Toàn được công nhận kỷ lục Top những người làm có thời gian làm thiện nguyện lâu nhất bởi Trung tâm Kỷ lục Guinness Việt Nam.

 

Châu Thành Toàn khởi đầu sự nghiệp tình nguyện của mình từ thời là học sinh trung học và sau đó đến Mùa Hè Xanh ở Đại học Nông Lâm. Sau 14 năm là trưởng nhóm tình nguyện SV07 do chính anh sáng lập (đến nay gồm 20 thành viên cơ hữu, tuy chương trình mà số lượng tình nguyện viên huy động thêm 100 – 150 người), Toàn và nhóm của anh đã chăm sóc hàng trăm bệnh nhân ung thư, hỗ trợ hàng loạt sinh viên đến ở và trọ học miễn phí suốt nhiều mùa thi đại học. Mỗi năm Toàn và nhóm SV07 đều xây được một ngôi nhà cho gia đình nghèo khó từ chính sức lao động và đóng góp của thành viên trong nhóm.

Cùng các nhà hảo tâm, Toàn đã giúp tặng hàng trăm chiếc xe đạp đến học trò nghèo cần đến trường và gửi quà tặng là tiền bạc, nhu yếu phẩm chăm sóc cho hàng ngàn bà con khiếm thị, người lớn tuổi, người khuyết tật ở khắp vùng sâu vùng xa Việt Nam.

Châu Thành Toàn cũng là người chủ trì chương trình “hát cho bệnh nhân ung thư”, 15 năm làm chương trình “Tết sạch không rác”, trưởng nhóm tình nguyện hỗ trợ vận động viên thể thao khuyết tật trong các giải thi đấu toàn quốc hàng năm.

Mới đây, Toàn đã vận động xây dựng ngôi nhà chung tại Vĩnh Châu (Sóc Trăng) thành ngôi nhà chung cho những người nghèo, người bán vé số, người lang thang cơ nhỡ. Hàng tháng Toàn tổ chức nấu những bữa ăn 0 đồng, tặng các bữa ăn cho người yếu thế tại vùng này.

Trung Dũng (thực hiện)

Theo nguoidothi.net.vn

 

Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/ky-luc-gia-thien-nguyen-chau-thanh-toan-kien-tri-danh-thuc-nhung-hanh-dong-tu-te-23385.html

Cùng chuyên mục