Kiểm định chất lượng là mắt xích thiết yếu cho nông sản

Dịch vụ kiểm định là mắt xích nhỏ nhưng quan trọng để nông sản Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường tiêu dùng cao cấp.

Ông Phan Minh Thông, chủ tịch công ty cổ phần Phúc Sinh, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có một kỷ niệm không mấy vui vẻ vào năm 2003. Lần đó, doanh nghiệp đón một đoàn khách Tây Ban Nha ghé thăm nhà máy đóng gói hồ tiêu xuất khẩu. Quan sát cách những người công nhân đóng gói, chất hàng lên container các vị khách quay sang hỏi về quá trình sản xuất rồi ngạc nhiên: “Các ông cho khách hàng ăn thứ này à?”

Câu hỏi của vị khách khiến ông Thông bối rối, suy nghĩ rất lâu mới có thể đưa ra câu trả lời. Giai đoạn ấy, Phúc Sinh còn non trẻ, nên thường chốt đơn hàng với đối tác, khi có đơn hàng quay về thị trường nội địa thu gom hồ tiêu, cà phê tập kết trong kho sau đó đóng bao xuất khẩu.

Sau chuyến thăm của các vị khách khó tính, Phúc Sinh buộc phải thay đổi, chấp nhận trả giá cao hơn, khuyến khích, hướng dẫn các hộ trồng trọt, sản xuất sản phẩm tốt, an toàn, rồi vươn lên trở thành nhà xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. “Chất lượng sản phẩm phải bắt đầu từ khâu trồng trọt, thu hái, bảo quản và xử lý từ phía nông dân chứ không hoàn toàn nằm ở khâu chế biến sau thu hoạch,” ông Thông nói với Forbes Việt Nam.

Hiện nay Phúc Sinh cùng nhiều nhà xuất khẩu khác đang tổ chức các vùng sản xuất nông nghiệp, thu mua nguyên liệu sạch xuất khẩu vào các thị trường tiêu chuẩn chất lượng cao. Trung gian giữa các doanh nghiệp và chủ trang trại sản xuất là các đơn vị kiểm định, kiểm nghiệm, dù hoạt động âm thầm nhưng là mắt xích quan trọng, cấp tấm giấy thông hành cho các loại nông sản Việt Nam đi vào các thị trường tiêu dùng cao cấp quốc tế.

Theo thống kê, năm 2019, Việt Nam có 37 nhóm mặt hàng nằm trong nhóm xuất khẩu giá trị trên một tỉ đô la Mỹ. Trong đó, nông sản (rau quả, hạt điều, tiêu, chè, cà phê, gạo…) và thủy sản (tôm, cá, nhuyễn thể…) là hai nhóm sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, đạt kim ngạch xuất khẩu lần lượt 16,91 tỉ và 8,54 tỉ đô la Mỹ. Trong nhóm này có những ngành hàng Việt Nam dẫn đầu thế giới như hồ tiêu, hạt điều, cá tra hay giữ thứ hạng rất cao như gạo, tôm, cao su, chè…

Theo tài liệu “Hướng dẫn thực hành cho người sản xuất và nhà xuất khẩu châu Á” do tổ chức Nông Lương (FAO) ban hành, để xuất khẩu ra thị trường thế giới, các nhà sản xuất và xuất khẩu phải tuân thủ các quy định đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng như tiêu chuẩn FDA, USDA (Mỹ) hay European Commission (EU).

Tổ chức này cảnh báo việc không tuân thủ các quy định này sẽ dẫn tới hàng hóa bị từ chối nhập khẩu, tiêu hủy hoặc trả về nơi xuất phát gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho nhà sản xuất và xuất khẩu. Trong thực tế, cảnh báo này không thừa khi 15 năm qua nhiều lần các lô hàng xuất khẩu thủy sản bị cảnh báo nhiễm kháng sinh buộc trả về sau khi đã cập cảng Nhật Bản, Hàn Quốc.

Không ít lần hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng, cập cảng nhưng không được thông quan tại một số thị trường, rồi bị trả lại. Trái cây tươi Việt Nam như xoài, vải… bị phát hiện chứa sinh vật ngoại lai hay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật buộc hủy bỏ. Thực tế này vừa khiến doanh nghiệp thiệt hại, vừa khiến nông sản Việt Nam mất uy tín trên thị trường quốc tế.

Một trong các đơn vị cung cấp các dịch vụ kiểm định cho nông sản và hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam là Eurofins Scientific, tập đoàn có hơn 800 phòng thí nghiệm, hoạt động trên 47 quốc gia, quy tụ hơn 45 ngàn chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp. Tại Việt Nam, tập đoàn này có hai nhánh hoạt động là Eurofins Sắc Ký Hải đăng (ESKHD) chuyên về kiểm hóa học, vi sinh liên quan đến thực phẩm, môi trường và Eurofins Product Testing chuyên về kiểm định hàng hóa trong đó tập trung vào mặt hàng dệt may.

Trong lĩnh vực nông sản, ESKHD cung cấp dịch vụ kiểm định cho nông sản Việt Nam xuất khẩu như gạo, hồ tiêu, cà phê, trà và các loại gia vị… “Họ là nhà cung cấp dịch vụ kiểm định có uy tín tại EU. Sản phầm hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu vào EU phải đạt được chứng nhận của họ,” bà Nguyễn Thị Hồng Minh, chủ tịch hiệp hội Thực phẩm minh bạch Việt Nam cho biết.

Năm 2015 Eurofins Scientific mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua hoạt động M&A Sắc Ký Hải Đăng, một công ty nội địa do nhận thấy nhu cầu kiểm định sản phẩm gia tăng khi nông sản xuất khẩu vào EU không ngừng tăng. Hiện nay ESKHD có ba văn phòng ở TP.HCM, Hà Nội và Cần Thơ với 180 nhân viên.

Theo thông tin công bố, đơn vị này được các nhà nhập khẩu cà phê lớn nhất trong liên đoàn Cà phê châu Âu chỉ định kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của cà phê đến từ Việt Nam. Ước tính khoảng 90% các nhà xuất khẩu hồ tiêu tại Việt Nam đang sử dụng dịch vụ của ESKHD để đạt được tấm giấy thông hành đưa hồ tiêu xuất khẩu vào EU. ESKHD cho biết mỗi năm cung cấp dịch vụ kiểm định cho hơn 10.000 doanh nghiệp và cá nhân tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực thực phẩm.

Trao đổi với Forbes Việt Nam, ông Lý Hoàng Hải, giám đốc điều hành ESKHD cho biết, hiện tại công ty này có năng lực tầm soát hơn 700 chỉ tiêu thuốc trừ sâu, phân tích độc tố vi nấm, vitamin, phụ gia, kháng sinh… hay phân tích bất kỳ mẫu thực phẩm nào mà con người sử dụng. “Khoảng 40% doanh nghiệp kiểm định tại công ty chúng tôi là để xuất khẩu. Còn lại kiểm định các mặt hàng nhập khẩu, hoặc sản phẩm sản xuất trong nước cho tiêu dùng nội địa,” ông Hải cho biết.

Trong một nghiên cứu của ESKHD công bố vào giữa năm 2019, ước tính có đến 20% mẫu hồ tiêu Việt Nam mà công ty này kiểm định trong năm 2018 tồn dư các loại hóa chất vượt mức cho phép, đồng nghĩa không đạt chuẩn chất lượng EU. Công ty này cũng cho biết thị trường đã nhận thức, có các biến chuyển từ phía các nhà sản xuất khi tỉ lệ mẫu thử không đạt tiêu chuẩn trong năm 2019 đã giảm xuống còn 14 – 15%.

ESKHD đã trở thành mắt xích quan trong giữa các nhà trồng trọt và nhà xuất khẩu như thế nào? Công ty này cung cấp một loạt các giải pháp kiểm định cho ngành trồng trọt: kiểm nghiệm ô nhiễm hữu cơ trên đất trồng trọt, phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm thu hoạch, kiểm nghiệm vi sinh, nấm trên sản phẩm sau thu hoạch tới phân tích cả chất lượng bao bì, chất lương sản phẩm ăn liền về các yếu tố màu sắc, cảm quan, độ ngọt, độ chua… qua các mẫu thử để đảm bảo các sản phẩm tạo ra đạt tiêu chuẩn chất lượng tiêu thụ ở thị trường EU.

Ông Phan Minh Thông, chủ tịch Phúc Sinh cho biết, số tiền đầu tư để nhận được giấy kiểm định chất lượng cho mỗi vùng nguyên liệu sạch của công ty này có thể lên tới 250.000 USD. “Chúng tôi thuê các chuyên gia nước ngoài hằng tuần, hằng tháng đến hướng dẫn người nông dân cách trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, cách sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật một cách khoa học để thu được sản phẩm đạt tiêu chuẩn EU,” ông Thông nói.

Thị trường kiểm định không chỉ có ESKHD mà còn có văn phòng thí nghiệm của nhiều công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ như: SGC, Intertek, Bureau Veritas, TUV… Trong lĩnh vực này các công ty nhà nước chiếm thị phần áp đảo. Ở lĩnh vực thủy sản, mảng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, thị trường được cầm trịch bởi Nafiqad, công ty kiểm định thuộc bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thành lập năm 1994, với sự hỗ trợ từ các dự án quốc tế  Nafiqad hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản nâng cấp điều kiện sản xuất và phương thức sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh. Từ năm 1997, Nafiqad đủ điều kiện kiểm định cho nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đạt chất lượng hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, EU. Nafiqad hiện có nhiều trung tâm kiểm định đặt tại các vùng kinh tế trọng điểm xuất khẩu nông thủy sản đi Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có thể có hiệu lực vào giữa năm 2020 mở ra một chương mới cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào EU, thị trường 27 quốc gia thành viên là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Năm 2019, kim ngạch hai chiều thương mại Việt Nam – EU đạt 56,45 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỉ USD. EVFTA sẽ là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản, những ngành được xem là hưởng lợi nhiều nhất khi hàng rào thuế quan được cắt giảm.

Cơ hội đi kèm thách thức khi các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sản xuất phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn EU. Tín hiệu tích cực là các nhà sản xuất và xuất khẩu đã tự nhận thức vấn đề trước khi EVFTA chuyển động. “Những năm gần đây nhu cầu kiểm nghiệm để xuất khẩu tăng rõ rệt,” ông Lý Hoàng Hải, giám đốc điều hành ESKHD nói.

(*) Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 83, tháng 4/2020 

Linh San

Theo Forbes Vietnam

Link nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/kiem-dinh-chat-luong-la-mat-xich-thiet-yeu-cho-nong-san-11019.html

Cùng chuyên mục