Không là gió cát…

Bao bận đi qua vùng đông, ám ảnh dấu chân người không rõ hình hài, vì cát. Cát cháy chân người, vừa rút chân đã xóa lấp chỉ còn lại một vệt lõm mơ hồ, rút cạn bao nhiêu mồ hôi đổ xuống.

Tuyến đường ven biển đã góp phần đáng kể thay đổi diện mạo vùng đông. Ảnh: T.C
Tuyến đường ven biển đã góp phần đáng kể thay đổi diện mạo vùng đông. Ảnh: T.C

Ký ức luôn là điều không dễ quên, nhất là ký ức về cơ cực. Nhưng với những người tôi gặp, vùng đông Quảng Nam ngày hôm qua đã nhẹ nhàng đi rất nhiều trong lời kể. Vẫn nơi ấy, miền quê họ sống, đang từng ngày đổi khác…

Rời biển lên nhà máy

Dăm ba lần về bên ngoại ở Tam Tiến (Núi Thành), giữa những bữa cơm thân tình ở quê, tiếng thở dài của áo cơm lận đận cứ làm đường về xa mãi. Tôi có bà chị họ, đẻ hai đứa con, sấp mặt với biển, buôn thúng bán bưng mải miết mà cứ đến đầu năm học là lại quay ngược quay xuôi chỉ với tiền quần áo sách vở cho con. Nghèo nên cực. Cũng không hẳn nghề biển không giàu được. Nhưng cứ thấy cái dáng vẻ tất tả của chị mỗi lần gặp là lại tự hỏi biết bao giờ người đàn bà biển ấy, cũng như phận số của bao người ở quê biển được thong dong hơn một chút, đừng nói là giàu. Sáng chưa tỏ mặt đã ở bãi ngang, chạy chợ đến tối, quay qua quay lại với nhà cửa con cái thì khuya mất. Ai có dịp đi chợ bãi ngang buổi sớm mai, lúc tàu chưa vô, thấy dáng ngồi co ro chờ đợi của những người đàn bà biển bên ánh đèn dầu leo lét từ mấy cái sạp lụp xụp phía bờ mới biết. Khổ ở ngay trong cái chợp mắt vừa lam lũ vừa u trầm. Cá mắm long đong, chị họ tôi xin vào làm cho xưởng đông lạnh. Vẫn tanh mùi biển, và vẫn cực. Cái cực thấm vào da, vào mặt, già nhanh hơn tuổi, như một mẫu số chung. Chị nói, nhiều hồi chỉ ưng ở nhà một ngày coi con học, hay rảnh rỗi để… đi họp phụ huynh cho nó, thay vì cuối giờ phải chạy lên xin gặp cô giáo để hỏi chuyện của con, mà đâu có được.

Bẵng đi thời gian, về gặp, chị khoe liền là đã đi làm công nhân. Chỗ chị làm là một công ty may mặc của Hàn Quốc ở xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), xe đưa đón tận nơi, sáng đi làm, chiều về. Ít ra cũng có một ngày nghỉ cuối tuần, và buổi mai không phải gối mặt lên chân mà ngủ gật ngoài bãi biển lạnh. Chỗ quê, hàng trăm người như chị, chọn vào công xưởng. Thảnh thơi hơn một chút, ổn định hơn… nhiều chút. Một cuộc đổi đời không nhỏ. Tôi nói chuyện với Nguyễn Vũ Hưng, quê ở Thăng Tân (Tam Thăng, TP.Tam Kỳ). Ra trường, bôn ba một dạo, Hưng về với quê, xin vào làm nhân viên quản lý khu nhà ở của một công ty may. Người trẻ không thiếu lựa chọn, nhưng Hưng hài lòng với công việc của mình hiện tại. “Ở quê vừa gần gũi, vừa dễ sống. Thu nhập của em hiện tại cũng khá ổn, đủ để trang trải chi phí sinh hoạt và để dành một ít cho con. Làng em, giờ rất nhiều người sống nhờ nhà máy. Ruộng đồng không còn là sinh kế duy nhất như ngày xưa nữa, rất nhiều người giờ có công việc ổn định, nhẹ nhàng hơn. Ở quê giờ khác lắm, khác từ trong từng nhà. Thay vì phải bươn chải ở các thành phố lớn, mức sống cao, làm cả năm có khi không dành dụm được tiền đủ một chuyến xe về quê ăn tết, nay cũng làm công nhân mà có thể sắm sửa thêm cái này cái kia, tan ca về nhà còn có thời gian dành cho nhà cửa, con cái” – Hưng nói.

Từ những miền quê cát của TP.Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình… hàng ngàn lao động đi vào nhà máy. Họ sống một nhịp sống khác, với một công việc khác. Có thể có những vất vả riêng, nhưng ngoảnh nhìn lại ký ức một thời khó nghèo, họ có đủ lý do để hài lòng với lựa chọn ấy. Sáng lên xe đến nơi làm việc, chiều trở về với mái nhà, con cái, lòng cũng bình yên hơn với quê xứ. Ruộng đồng hay biển giã với những được mùa – mất mùa, không thể ổn định bằng công xưởng, nơi hiện tại họ chọn gắn bó cuộc đời mình.

Gần hơn với phố

Người già ở vùng cát, mỗi lần nhắc đến phố, hay dùng cụm từ “lên”. Lên quốc lộ, lên phố, lên huyện… Tôi có cảm giác, người quê ngày ấy thu mình đâu đó phía dưới mà nhìn lên phố, với cách gọi có vẻ vừa ngưỡng vọng vừa ước ao. Nhưng rồi, gặp ông Nguyễn Thanh Hải, chủ một lò mắm ở Cửa Khe (Bình Dương, Thăng Bình), nghe ông nói khác: mắm nhà tôi ra phố. Là ra, chứ không phải lên nữa. Thì đây, trong con đường đi của mắm, sẽ dọc đường ven biển, đến Hội An rồi thẳng ra Đà Nẵng, một mạch êm ru mà không phải oằn mình lội qua cát lầy như dạo trước. Mắm theo người đi ô tô, phóng thẳng chuyến xe chỉ mất chưa đầy một giờ để đến phố. Đường ven biển thênh thang. Con đường đó đưa họ đến với phố, đưa thứ nước mắm thơm ngọt đậm đà của Cửa Khe đến với một giá trị khác, một “đẳng cấp” khác. Cuộc sống cũng nhờ đó mà thay đổi. “Mấy đời làm mắm, dân Cửa Khe không thiếu kinh nghiệm và tự tin để khẳng định chất lượng của nước mắm xứ này. Nhưng rồi phải ăn đong theo từng can nhựa, đựng trong giỏ xe đạp, đẩy đi gõ cửa từng nhà. Làm ra giọt mắm đã chật vật, cũng chín mười tháng ròng như hoài thai, nhưng đến lúc bán ra cũng vất vả không kém, mà đường sá cũng là một phần nguyên nhân. Có con đường ven biển và các nhà máy, khu du lịch ở vùng đông, rõ ràng thị trường gần hơn rất nhiều. Mắm đi xa hay đến với công nhân cũng có giá hơn, trở về với đúng chất lượng, giá trị thực của nó, người làng nghề cũng nhờ đó mà làm ăn được” – ông Hải nói.

Vùng cát không còn là đâu đó phía dưới kia, xa xăm bụi mù. Mà rất gần. Xe buýt mở tuyến từ Tam Kỳ – Hội An, mười chuyến đi về mỗi ngày, hết cảnh phải “tăng bo” lên quốc lộ rồi vẫy xe. Tam Kỳ cũng hừng hực khí thế làm du lịch, trong khi cách đây chừng hơn chục năm, khái niệm du lịch nghe chừng vẫn… đầy mơ ước. Mà làm được, khách ùn ùn đến làng bích họa Tam Thanh, nhiều người có thêm sinh kế bằng quầy giải khát hay một bãi giữ xe tại nhà. Tam Thanh đón nhiều khách hơn. Không nhiều người biết đến những “quy hoạch”, “chiến lược phát triển”…, họ giản đơn hơn, thấy đổi thay ngay từ đời sống của gia đình, của làng mình. Hàng hóa làm ra có một con đường ngắn hơn đến nơi bán, đi lại thuận tiện, đỡ mất thời gian. Và hơn hết, là không còn cảnh phải ì ạch băng qua những nổng cát giữa trưa nắng cháy. Vết chân chim giãn dần nơi đuôi mắt, gót chân bớt nứt nẻ, khác từ những điều tưởng chừng rất nhỏ…

Đường ven biển, ngày mới hoàn thành trở thành một cung đường mới lạ và đầy háo hức cho bao người dân nơi xứ cát. Ngược xuôi xe cộ, ngược xuôi bán mua, ngược xuôi những công trình. Cũng có những lao xao biến động, nhưng không thể phủ nhận, vùng cát đã thức dậy cơ hội từ con đường mới mẻ đó. Ông Nguyễn Văn Thống – Chủ tịch UBND xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên) nói với tôi, cầu Cửa Đại và con đường ven biển 129 không chỉ đưa hàng hóa của bà con ra phố, dẹp bớt nỗi lo về người và phương tiện qua những chuyến đò, mà còn mở ra một “giấc mơ đô thị” cho vùng cát. “Theo quy hoạch, Duy Hải và Duy Nghĩa sẽ được xây dựng thành đô thị loại 5, và thực tế chúng tôi cũng đã có những khu dân cư mang hình hài phố thị mọc lên nơi này. Người dân mong muốn bàn giao đất nông nghiệp cho dự án hơn là canh tác, vì thu nhập từ nghề nông không bằng các nghề khác. Cơ cấu phi nông nghiệp đã chiếm tỷ trọng chủ yếu ở xã. Kết nối được ven biển, một cánh cửa khác đang mở ra cho Duy Hải, thuận lợi với rất nhiều cơ hội” – ông Thống nói.

Mà đâu chỉ Duy Hải, vùng cát trắng bạt ngàn phía đông đang thức giấc, chuyển mình…

Chạm tay tới những giấc mơ, từ du lịch, công nghiệp, ngay cả nông nghiệp cũng đã khác đi, tính toán dài hơi hơn từ sự xuất hiện của con đường ven biển, của những khu công nghiệp, dịch vụ đang dần nên hình hài. Vùng đông, đâu chỉ có cát nóng rẫy chân người, có gió thổi miên miết qua rặng phi lao phía biển, và hoang vu. Phía ấy, đang có những ngày rất khác…

Ký của THÀNH CÔNG

Theo Báo Quảng Nam

 

 

Cùng chuyên mục