Không gian xanh cho đô thị
Diện tích đất để xây dựng đô thị trung tâm của Đà Nẵng ngày càng mở rộng dần theo sự chuyển mình của thành phố bên sông Hàn. Phố sẽ ngày càng tinh tươm hơn nhưng vẫn cần những cảnh quan không gian tương ứng để điều hòa cuộc sống phố thị.
Theo một số liệu nghiên cứu, đến năm 2020 nhu cầu đất xây dựng đô thị trung tâm của Đà Nẵng sẽ tăng lên 280% và lên đến 528% vào năm 2030 so với thời điểm 2005. Để thích ứng với sự biến động này hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào không gian xanh được tái tạo trong lòng thành phố. Không gian xanh là một tiêu chuẩn quan trọng cho việc đánh giá chất lượng cuộc sống thị dân và là yếu tố xúc tiến các hoạt động vật lý, cảm giác hạnh phúc, sức khỏe cộng đồng. Theo nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học quốc gia Hokkaido (Nhật Bản) phối hợp với các trường đại học tại Đà Nẵng: “Yếu tố được xem xét để tạo ra tính kết nối giữa các không gian xanh là có thể cải thiện và tạo ra hành lang, lối đi xanh. Tuy nhiên, các hành lang và lối đi xanh này không thể thay thế không gian xanh tự nhiên trong cảnh quan đô thị”.
Đà Nẵng là đô thị khá đặc biệt bởi chứa đựng hầu hết đặc tính địa hình như: sông, biển, núi, bán đảo, hồ… từ đó tạo nên một hệ sinh thái đa dạng. Với sông, biển, hồ Đà Nẵng có một hệ thống rút nước tự nhiên khá thuận lợi nhưng trận ngập lịch sử vào đầu tháng 12 năm nay là một hồi chuông báo động cho vấn đề quy hoạch thành phố phải hết sức chú trọng đến không gian xanh và hệ sinh thái tự nhiên. Những tác động của con người vào môi trường tự nhiên như lấn biển, lấn chiếm “lá phổi xanh” Sơn Trà… ngày càng khiến không gian và môi trường xanh bị thu hẹp. Cư dân đô thị hầu hết sở hữu diện tích đất hạn hẹp nên họa hoằn lắm mới dành được vài mét vuông cho không gian xanh trong khi thành phố chưa tạo ra được những “mảng xanh” quy củ, trừ những không gian xanh có sẵn trước đây. Ngoại trừ hệ thống cây xanh trên đường và trong các công viên, có thể nói Đà Nẵng đang khan hiếm các không gian xanh thực thụ trong lòng thành phố.
Đến nay, vùng đô thị mới của Đà Nẵng đã đạt hơn 2.100ha – gấp khoảng 3 lần so với vùng đô thị lâu đời của thành phố. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, sự phân bố các vùng thực vật trong khu dân cư vùng đô thị cũ có độ liên tục khá cao với khoảng cách ENN (khoảng cách bình quân giữa 2 mảng trong một cấu trúc cảnh quan) gần 110m và giảm xuống khoảng 88,5m đối với vùng đô thị mới. Điều này chỉ ra sự gia tăng mật độ của thực vật nhưng rải rác và kém tính liên tục. Sự khác biệt ở chỉ số này càng thể hiện rõ ràng hơn giữa vùng đô thị và ngoại ô thành phố bởi hệ thống thực vật tự nhiên khu vực ngoại ô ít chịu tác động từ đô thị hóa. Theo TS-KTS. Trương Văn Quảng – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TP.Đà Nẵng cần nhấn mạnh yếu tố nước và cây xanh trong quy hoạch. Một hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên cần được duy trì, bảo tồn và xác định rõ tính chính danh trong cấu trúc đô thị.
Với nhu cầu tăng cao về diện tích đất đô thị, hiện sự đô thị hóa đã lan tỏa mạnh mẽ đến các khu vực ven đô trước kia như Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn… Với diện tích hạn hẹp, có thể nói Đà Nẵng bây giờ “cựa” chỗ nào để phát triển cũng dễ xâm lấn đến các không gian xanh quý giá – đây cũng là tình cảnh chung của nhiều đô thị duyên hải miền Trung hiện nay, khiến những nhà quản lý chật vật trong công tác quy hoạch. Nếu không có những quy hoạch căn cơ, ranh giới giữa vùng đô thị và các vùng không gian xanh sẽ bị xóa nhòa trong sự ngột ngạt của phần lớn thị dân. Những thị dân sống đủ lâu tại thành phố bên sông Hàn đã, đang và sẽ thẩm thấu được sự chuyển dịch về “không gian” của thành phố. Trong họ vẫn chứa đựng khao khát cho một cuộc sống thị dân phồn hoa nhưng cũng luôn trăn trở về những không gian xanh còn dang dở. Cho họ và cho cả thế hệ mai sau…
Hà Sấu
Theo Báo Quảng Nam