Kẻ cuồng yêu bản quán

Phạm Tấn Dũng sinh ra và gần như suốt đời sống tại đất Quảng, nhưng lại nhớ thương, cuồng yêu bản quán như một người ở rất xa, không có dịp quay về. Tập thơ Nhật ký gió cuốn (NXB Văn học) vừa phát hành một lần nữa cho thấy điều đó.

1.

Khảo sát bản thảo Nhật ký gió cuốn, gồm 40 bài thơ theo thể tự do, người đọc có thể thấy Phạm Tấn Dũng dùng 44 từ “sông”, 16 từ “nước”, 12 từ “biển”, 12 từ “dòng” [chảy], 12 từ “chảy”, 22 từ “trôi”, 23 từ “sóng”, 6 từ “thuyền”, 4 từ “bến, 58 từ “ mưa”…, nên có thể nói sông-nước là một quan tâm chủ đạo của tập thơ này.

Tập thơ “Nhật ký gió cuốn” vừa phát hành của Phạm Tấn Dũng

Nhưng sông-nước của Phạm Tấn Dũng khác tâm trạng đốn ngộ, kiểu Trương Kế: “… Cô Tô thành ngoại Hàn San tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”.

Khác với tâm trạng hoài nhớ, kiểu Tế Hanh: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre/ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/ Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng”.

Khác với tâm trạng thẩn thờ, tiếc nuối, kiểu Thu Bồn: “Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ/ nên chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu/ những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng/ mặt trời vàng và mắt em nâu”.

Khác với tâm trạng chia cách, kiểu ca dao: “Tìm em chẳng thấy em đâu/ Lội sông thì ướt, qua cầu thì xa”.

Về đời tư, Phạm Tấn Dũng là con người năng nổ, nhiều sáng kiện trong công việc. Về thơ, đây là một tác giả hơi trầm lắng, viết với những suy tư, gởi gắm nhiều hơi bộc trực, bày tỏ…

Sông-nước của Phạm Tấn Dũng là một con sông chảy ngược về cố xứ, ở trên chính quê hương mà đi tìm bản quán, ở quê nhà mà nhớ quê nhà.

Đành rằng làm thơ là cách giãi bày tâm trạng và ý nghĩ bằng nghệ thuật ngôn ngữ. Nhưng Phạm Tấn Dũng không trực tiếp mượn sông-nước để nói về lòng mình, mà dường như muốn phác họa tâm cảnh của chính dòng sông, của chính con nước.

Đó là:

“… sao lại là quê hương Quảng Nam

có dòng sông chảy ngược

có dòng Trường Giang chảy ngang

như dấu gạch nối đời người”, trong bài Hoài niệm sóng

“… ôi quê hương

qua bao bận chiến tranh

con sông xưa một bên đã âm thầm tự tử

bãi dâu xanh rì đã khoát lên lớp áo trắng cỏ lau”, trong bài Quê hương

Đọc nhiều bài cứ ngỡ sông-nước đang nói, Phạm Tấn Dũng nghe và ghi lại:

“… Những đứa con Thu Bồn

mệt nhoài bốn phương gió bão

rưng rứt khóc thầm núi cháy sông khô

thương kiểng nhớ quê ngày đi tháng ở

chiều về nhai giấc chiêm bao

rồi mơ hoang mớ hoảng

lấy nạng chống trời đêm”, trong bài Thu Bồn

“… những đứa trẻ Thu Bồn ngâm chân cửa bể

trân trân những con mắt thuyền quên ngủ

huýt gió bài ca dã tràng

đời riêng ngọn dừa soi bóng

nguồn thì đang mưa bể chớp phía chân trời”, trong bài Nhật ký gió cuốn

Sông ra bên bờ sông Thu Bồn, lại quá yêu bản quán, nên Phạm Tấn Dũng dùng đến 44 từ “sông”, 16 từ “nước” trong tập thơ mới này

Thu Bồn là dòng nội lưu lớn nhất Việt Nam, nó chảy từ núi thiêng Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum) đến Cửa Đợi (Hội An). Nó ngược dòng (Tây – Đông) cùng sông Tiên, ngang dòng (Nam – Bắc, Bắc – Nam) cùng Trường Giang, hợp lưu cùng sông Vu Gia, sông Hàn, xẻ đất cùng sông Câu Nhí, sông Vĩnh Điện… Quảng Nam được gọi là xứ “địa linh”, nếu chỉ nhìn ở dòng chảy nội lưu, kiêu hãnh, ngược ngạo và cự cãi kiểu Thu Bồn, cũng rõ phần nào. Có lẽ do bao đời sống bên dòng này, Phạm Tấn Dũng đã gắn bó với sông-nước và phong thổ, đến mức khó rời. Vì vậy mà dõi theo được tâm trạng và câu chuyện của nó.

Ngay khi nói về quê hương, bản quán, thường bao gồm hai thành tố là đất và nước – bản thảo này dùng đến 48 từ “quê” – thì Phạm Tấn Dũng vẫn nặng tình với nước nhiều hơn đất. Những câu thơ của như nhẹ nhàng hòa vào trong các con nước, các dòng phù sa đó, âm thầm nở hoa.

Nếu xét riêng các tập thơ cá nhân, viết tập trung về một dòng sông như Phạm Tấn Dũng, cũng thuộc dạng hiếm thấy xưa nay. Đây cũng là một yếu tố, đúng hơn, một thuộc tính, để nói Phạm Tấn Dũng là kẻ cuồng yêu bản quán.

Tưởng yêu bản quán vốn là lẽ tự nhiên, dễ dàng, nhưng thật ra không đơn giản như vậy.Nhưng dù cuồng yêu, thơ Phạm Tấn Dũng cũng không bi lụy, mà luôn đứng ngoài cảm xúc đó để quan sát nỗi niềm chính mình .

2.

Điều đáng chú ý nữa của tập Nhật ký gió cuốn là không có bài nào làm theo thể lục bát, hoặc tư duy kiểu lục bát. Dù lục bát vẫn giữ thế mạnh khi diễn đạt các tự tình về quê hương, bản quán. Những bài thơ tự do của Phạm Tấn Dũng cứ nhẹ nhàng chảy, đôi khi lượn lờ, quanh co.

“… Từng hẹn cùng về tuổi thơ thua nhẵn

với ngày ràn rạt

gót dày cố hương sám hối

đất nghe mùa rưng rứt đồi gò xưa

nụ cười nức

               vỡ bữa đi hoang”, trong bài Tan vào cố hương

Hoặc:

“… Tôi cúi xuống

nhặt

thanh âm còn sót

vén lớp bụi thời gian

một chiếc áo dây đã vội vã bỏ quên”, trong bài Vọng âm

Với Phạm Tấn Dũng, việc từ chối lục bát, có thể không khó khăn, nhưng vẫn cho thấy một chọn lựa có chủ đích. Đầu tiên, có thể anh muốn tâm cảnh của mình tự do, lãng đãng như sông-nước, cứ tự nhiên chảy, không gò bò, định hình.

Những hình ảnh thân thuộc như quay tơ, dệt lụa cũng đi vào giọng thơ tự do của Phạm Tấn Dũng. Ảnh: TL

Những câu thơ sau đây có thể diễn tả:

“… đã ngùi ngùi đầu quê làng Thi Lai, Hà Mật

tiếng guốc khua đều sạp chợ Phú Bông

tiếng chim gù bồi hồi giữa trưa Đông Bàn giữa chiều Bàn Lãnh

tiếng còi tàu chiều tà ga Xuân Đài gạt thầm nước mắt tiễn đưa

tiếng dệt lụa ươm tơ làng Bảo An trăm năm còn vọng

tiếng bìm bịp kêu chiều rã riêng bãi dâu Tư Phú

tiếng vạc kêu đêm rớt lại đầu vòm một bến Vân Ly”, trong bài Quê hương

Kế đến, có thể anh muốn khác với người anh em ruột của mình – nhà thơ H. Man, một người chuyên trị lục bát, với nhiều bài ngọt ngào, mềm mại về quê hương, bản quán. Có lẽ vì cả hai đều là kẻ cuồng yêu bản quán, có những tâm cảnh gần giống nhau, nên may mắn, khi họ đã chọn hai lối biểu hiện qua thơ – khác về nội dung và hình thức. Về bản quán, nếu Phạm Tấn Dũng chọn hình ảnh sông-nước, thì H. Man chọn hình ảnh người mẹ.

Tập thơ cũng cho thấy Phạm Tấn Dũng đang giai đoạn bắt đầu thong dong và sung sức viết, nên nhiều bài đã bứt phá trong cách nghĩ và cách diễn đạt tự do. Độc giả hoàn toàn có quyền hy vọng Phạm Tấn Dũng sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn, trực diện hơn trong câu chuyện sông-nước nhiều ẩn dụ sắp tới của mình.

Lý Đợi

Cùng chuyên mục