Sở hữu trí tuệ: Chất xám cần được bảo vệ
Kết quả của phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị ngày 18-2 đang khiến một số doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này rất quan tâm.
Bản án còn gây tranh luận
Một nội dung trong bản án sơ thẩm từ phiên tòa vụ kiện Thần đồng đất Việt của TAND Q.1 (TP. HCM) là buộc Công ty Phan Thị chấm dứt việc làm tác phẩm phái sinh đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận.
Luật sư Lê Nết (Đoàn luật sư TP. HCM) nhận định kết luận này không phù hợp với quy định của pháp luật vì tác giả và chủ sở hữu tác phẩm là 2 khái niệm khác nhau.
“Đối với hình vẽ 4 nhân vật trong truyện Thần đồng đất Việt, dù ông Lê Linh là tác giả nhưng nếu những hình vẽ này được thực hiện khi ông được Công ty Phan Thị giao nhiệm vụ, được làm theo mệnh lệnh của Công ty Phan Thị và được thanh toán tiền thì chủ sở hữu tác phẩm là Công ty Phan Thị” – luật sư Lê Nết phân tích.
Theo luật sư, ngay cả khi ông Lê Linh không còn “hợp tác” với Công ty Phan Thị thì chủ sở hữu tác phẩm vẫn có quyền được tiếp tục làm tác phẩm phái sinh.
“Tuy nhiên, trong tác phẩm này phải ghi nhận tác giả của nhân vật gốc là ông Lê Linh, còn tác giả của nhân vật được vẽ trong quyển truyện tranh này là người nào đó đã vẽ ra“.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho hay: “TAND Q.1 công nhận ông Lê Linh là tác giả là có cơ sở. Tuy nhiên về vấn đề buộc Công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng do ông Linh sáng tạo thì còn nhiều ý kiến. Bởi như thế nào là sự toàn vẹn của tác phẩm hiện nay luật mới quy định chung chung. Tôi cho rằng chủ sở hữu tác phẩm là Công ty Phan Thị có thể phát triển, tiếp nối các hình tượng nhân vật này”.
Theo luật sư Hà, hiện chưa có án lệ nào liên quan, hoặc quy định pháp luật nào giải thích rõ như thế nào là mất đi tính toàn vẹn của tác phẩm và việc phát triển thêm có vi phạm quyền nhân thân của tác giả hay không. Đây là vấn đề rất khó, phụ thuộc vào nhận định của từng thẩm phán.
Trong khi đó, anh Nguyễn Khánh Dương, nhà sáng lập Công ty truyện tranh Comicola, hoàn toàn đồng ý với tòa. Anh cho rằng trong giới sáng tạo, ai cũng có thể có ý tưởng nhưng để ý tưởng trở thành hiện thực cần có cả một đội ngũ làm việc.
“Tôi từng là tác giả truyện tranh nên luôn đặt mình vào trường hợp tác giả để hiểu những mong muốn của họ. Tôi nghĩ hầu hết các tác giả đều muốn có không gian yên bình để phát triển sự nghiệp sáng tác chứ chẳng ai muốn vướng vào một vụ kiện tụng kéo dài như vậy” – anh nói.
Cần chặt chẽ ngay từ đầu
Ông Lý Quý Trung – tổng giám đốc AKA Furniture Group – cho rằng các doanh nghiệp VN đang ở quá trình dịch chuyển lên tăng giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất, trong đó vai trò của sáng tạo, chất xám quyết định. Vì vậy, đi với quá trình này, những doanh nghiệp, cá nhân cần biết cách tự bảo vệ mình.
“Trong lĩnh vực sáng tạo, sự phân định rạch ròi ai là người sáng tạo ra một thứ mới mẻ hoàn toàn không dễ dàng. Chẳng hạn, trong công đoạn R&D của một doanh nghiệp, việc tranh chấp sở hữu trí tuệ vẫn rất dễ có thể xảy ra giữa doanh nghiệp và người đi làm thuê, nhưng quan trọng là sự minh bạch, tuân thủ pháp lý ngay từ đầu.
Người sáng tạo cần hiểu giá trị những sáng tạo mình làm ra. Nếu họ cảm thấy sáng tạo của mình đủ khác biệt và giá trị đem lại cao hơn mức lương đang nhận cũng như là kết quả làm việc độc lập, họ có thể ‘cầu chứng’” – ông Quý Trung chia sẻ.
Các tranh chấp xảy ra theo ông thường do hợp đồng từ đầu không rõ ràng, thiếu chi tiết cụ thể, thiếu công bằng trong đàm phán, ứng xử. Thực tế mâu thuẫn chỉ xảy ra khi có sự mất cân đối trong quyền lợi, do đó, cần được đề cập đến yếu tố này ngay trong hợp đồng.
Cũng trong vai trò một doanh nghiệp, ông Paolo Bestetti – CEO của Baxter, thương hiệu nội thất nổi tiếng nhất tại Ý – nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sở hữu trí tuệ: “Vấn đề bảo vệ sáng tạo, sở hữu trí tuệ rất quan trọng vì đây chính là giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp sáng tạo“.
Là một công ty thiết kế, Baxter đang làm việc với 11 nhà thiết kế, nghệ sĩ sáng tác khác nhau. Do đó, ông Paolo Bestetti chia sẻ một kinh nghiệm: “Chúng tôi không chỉ phải bảo vệ sáng tạo của mình mà còn phải làm việc với nhà thiết kế để đảm bảo các sáng tạo đó được ứng xử đúng. Điều thú vị là các nhà thiết kế của chúng tôi vẫn được tự do làm việc với doanh nghiệp khác, nhưng tình trạng tranh chấp mẫu mã, thiết kế chưa bao giờ xảy ra“.
Để làm được điều này, theo ông Paolo Bestetti, đòi hỏi phải có sự chuyên nghiệp, tôn trọng lĩnh vực mình đang làm và quan trọng nhất là sự chặt chẽ trong các hợp đồng ngay từ đầu. “Với giới sáng tác, danh tiếng vô cùng quan trọng. Họ ý thức được điều đó, bản thân doanh nghiệp cũng phải tôn trọng những quy định pháp luật nếu họ muốn làm ăn lâu dài” – ông khẳng định.
Khi doanh nghiệp game, phim hoạt hình “quên” chuyện bản quyền
Anh Đoàn Trần Anh Tuấn – người sáng lập Công ty sản xuất phim hoạt hình Colory Animation – cho biết trước đây anh chỉ ký kết với các họa sĩ một số điều khoản cho phép công ty sử dụng tác phẩm gốc và tạo ra những tác phẩm phái sinh để sản xuất phim. “Sau vụ tranh chấp bản quyền Thần đồng đất Việt, chúng tôi sẽ cân nhắc lại các điều khoản hợp đồng về quyền sở hữu, quyền nhân thân để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp lẫn các họa sĩ và tránh những rắc rối về sau” – anh Đoàn Trần Anh Tuấn nói. Chia sẻ về vấn đề này, anh Ngô Minh Quân – người sáng lập Công ty phát triển game Spiritbomb – cho hay suốt thời gian qua, anh chỉ ký kết với các họa sĩ, nhà thiết kế, lập trình viên hợp đồng lao động thông thường chứ không để ý đến việc phải đưa các điều khoản bảo vệ bản quyền vào. “Điều này có thể gây ra cho chúng tôi nhiều rắc rối sau này như trường hợp Công ty Phan Thị” – anh Quân thừa nhận. |
TUYẾT MAI – NHƯ BÌNH – MAI THỤY
Theo Tuổi trẻ