Hương đậu phộng trên vùng đất cát
Trong hương lúa chín, mùi thơm của nồi đậu luộc hòa quyện bay khắp ngõ xóm, đồng quê cùng với nụ cười trong trẻo của đám con nít.
Giữa cái nắng bỏng da, mợ khum người, tay nhổ thoăn thoắt từng bụi đậu phộng. Vừa tách ra khỏi đất cát, những hạt đậu nho nhỏ, xinh xinh, màu trắng sữa nằm gọn trong đôi bàn tay gầy guộc, rám nắng của mợ. Một mùa đậu phộng nữa lại về trên những tấm lưng lom khom ngoài bãi cát.
Thời điểm này, có dịp ngang qua Quảng Nam, du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn cảnh bà con thu hoạch đậu, ghé vào hỏi thăm và có nhiều thú vị để khám phá, bắt đầu từ mùi hơi đất hòa với cái ngai ngái của những luống đậu phộng tới kỳ thu hoạch.
Bao đời qua cây đậu phộng gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân quê. Không phân hóa học, thuốc tăng trưởng, bà con tận dụng mọi nguồn hữu cơ để bón cho đồng đất thêm phì nhiêu. Đó cũng là một trong những nguyên nhân giúp cho cây đậu xanh tốt, mùa thu hoạch thêm bội thu và đặc biệt chất lượng đậu rất ngon.
Trong hương lúa chín, mùi thơm của nồi đậu luộc hòa quyện bay khắp ngõ xóm, đồng quê cùng với nụ cười trong trẻo của đám con nít. Có thể nói, đậu luộc là món phổ biến, dễ chế biến lại giữ nguyên vẹn vị béo ngọt tinh túy nên làm “đẹp lòng” tất cả mọi người. Bà con thường chọn những củ đậu to, đều, để nguyên vỏ rửa thật sạch, cho vào nồi đổ một ít nước thêm chút muối đun đến khi nước cạn thì đậu cũng vừa chín tới. Chỉ cần tách đôi vỏ đã thấy hạt đậu căng mũm mĩm, nhai nhẹ thôi cũng đủ ngập tan trong vị béo, bùi, ngọt lịm, tưởng chừng bao lo toan mệt nhoài đã tan biến hết.
Nhưng có lẽ kỳ công chế biến nhất là đặc sản kẹo đậu phộng. Đậu phộng phải chọn hạt ngon (không lép, không sâu), phơi vài nắng. Đường dùng để đổ kẹo phải là loại đường bát ngon. Chặt đường bát thành những cục nhỏ, cho một lượng nước vừa phải vào nồi, chụm cho nồi đường sôi thì hạ lửa liu riu, nặn một vài giọt chanh tươi. Khi đường bốc mùi thơm thì nhỏ đường vào chén nước, nếu thấy đường không tan, đông lại nhanh tay nhắc nồi ra khỏi bếp. Trút đậu vào nồi đường đang sôi, trộn đều rồi đổ tất cả lên quanh mặt bánh tráng nướng đã để sẵn. Kẹo dẻo, thơm ngon phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người làm; thiếu chanh hoặc đường tới quá thì kẹo sẽ cứng và khét.
Ngoài ra, đậu phộng rang cũng là món khoái khẩu cho dân nhậu vùng quê. Chỉ cần đĩa đậu phộng rang muối lai rai cùng chai rượu gạo, mọi mệt nhọc sau một ngày lao động vất vả rủ nhau đi đâu hết. Đậu phộng rang giã nát trộn với đường cát và muối ăn cùng cơm nóng hoặc xôi vào những sáng trời se lạnh là no chắc bụng cho một ngày làm việc mới.
Những món ngon từ đậu phộng vốn là thức quà quê không thể thiếu của bao thế hệ tuổi thơ xứ Quảng. Đặc biệt ngày nay, còn theo đôi quang gánh các mẹ, các chị miệt vườn vào phố thị đãi du khách gần xa. Có năm được mùa, gánh đậu lần lượt kẽo kịt theo chân người về nhà, từng mái đầu chụm lại, tiếng lách tách bóc đậu, tiếng người ới nhau ra sân phơi khô rồi rộn rã cùng đi ép dầu để dành ăn quanh năm. Nhiều hộ gia đình lại tăng thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống từ dầu phộng quê.
Ngày nay đời sống người vùng quê xứ Quảng có phần khá giả hơn trước, đã hết nỗi lo để dành vài chục lon đậu phộng những ngày mưa bão không ra đồng được nhưng luống khoai, đám đậu vẫn gắn liền với người dân. Những vạt đậu vẫn xanh mướt, trải dài trên vùng đất cát nhưng thú vị nhất có lẽ là người xa quê về thăm làng, du khách ghé chơi được thưởng thức món ngon từ hạt đậu phộng ngọt ngào tình quê.
Phan Thị Thanh Ly
Theo Thanh Niên Online