Hội An và nỗi lo biến dạng di tích

“Bảo tàng sống” phố cổ Hội An không chỉ là nơi tham quan, thưởng lãm các di tích kiến trúc, văn hóa hấp dẫn du khách mà cũng là trung tâm mua sắm của hàng triệu du khách mỗi năm.

Cả khu phố trở thành “đại siêu thị” với đa dạng mặt hàng tiêu dùng, ẩm thực, sản phẩm lưu niệm phong phú. Chỉ tính riêng trong khu vực I phố cổ, qua khảo sát thực địa của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, với tổng số 604 di tích nhà ở, nhà thờ tộc thì đến 552 di tích có kinh doanh. Trong đó, các tuyến đường có số điểm di tích kinh doanh nhiều gồm: Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Bạch Đằng, Lê Lợi. Còn các tuyến đường có số lượng ít hơn (khoảng trên dưới 20 nhà) là: Tiểu La, Hoàng Văn Thụ, Trần Quý Cáp, Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ…

Hàng hóa bày bán bừa bộn, làm mất cảnh quan và mất an toàn về cháy nổ trong khu phố cổ.
Hàng hóa bày bán bừa bộn, làm mất cảnh quan và mất an toàn về cháy nổ trong khu phố cổ.

Điều đáng nói, với 552 di tích có kinh doanh nhưng có 47 di tích có 2 hộ đăng ký kinh doanh nên tổng số người đăng ký kinh doanh lên đến 597 người. Trong đó, chủ sở hữu di tích nhà ở, nhà thờ đăng ký kinh doanh là 426 người; trường hợp thuê nhà để kinh doanh là 171 người, gồm 10 người trong tỉnh, 51 người ngoài tỉnh và 8 người nước ngoài. Chính việc tăng nhanh và chiếm phần lớn số lượng các ngôi nhà mặt tiền trong khu phố cổ sử dụng cho buôn bán kinh doanh với các đối tượng đa dạng như vậy đã làm thay đổi không gian truyền thống từng di tích, ảnh hưởng không tốt đến cảnh quan phố cổ. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An – Trần Ánh nói: “Những ngôi nhà chúng ta đang ở là tổ tiên làm nên, là nơi sinh hoạt chung, ghi những kỷ niệm, dấu ấn của gia đình, chúng ta không thể quên được. Nhưng những người khác đến mua thì họ hoàn toàn không có cảm nhận đó, cho nên việc sửa chữa, cơi nới, tu bổ và cách tân nội thất là điều họ làm mà không phải suy tư. Đối với những người này chúng ta phải có một chính sách vận động!”.

Theo khảo sát của cán bộ nghiệp vụ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, các chủ cửa hàng, cửa hiệu từ nơi khác đến đã tháo dỡ các vách ngăn, hệ cửa… là những bộ phận không tách rời của di tích để phục vụ cho việc kinh doanh buôn bán. Thay vào đó là sự xuất hiện các kiểu thức trang trí theo phong cách tân thời như giá đỡ hàng hóa bằng kim loại, các đồ dùng thiết bị có màu sắc không phù hợp, che chắn cảnh quan. Rồi việc sử dụng vật liệu che chắn không gian sân trời trong từng ngôi nhà, biến di tích thành nơi buôn bán theo mục đích riêng tư, lắp đặt hệ thống điều hòa, bồn nước, ống khói, phơi phóng vật dụng sinh hoạt không đúng quy định… đã làm đổi khác quá nhiều không gian kiến trúc và tín ngưỡng truyền thống của quần thể di sản… Ông Võ Duy Trung – Trưởng phòng Quản lý di tích Khu phố cổ thuộc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết thêm, việc người kinh doanh sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí, trưng bày bên trong di tích, hay hầu hết sử dụng vật liệu tre, nứa trong không gian di tích rất khiến nguy cơ cháy rất cao. Hay hình thức trang trí hiện đại không phù hợp như lắp dựng các cấu kiện hiện đại, trang trí đèn, màu sơn phản cảm… khiến di tích bị biến dạng cả về vật thể và ý nghĩa phi vật thể.

Nỗi lo về an toàn phòng chống cháy nổ không chỉ từ những vật liệu trưng bày, trang trí mà còn từ các mặt hàng buôn bán. Cũng theo khảo sát thực địa, chiếm đa số là hàng áo quần may sẵn, hàng lưu niệm, da giày, tranh ảnh, vải may đo, lồng đèn…; được bán đan xen còn có hàng mũ, nón lá, quạt giấy, khăn choàng cổ, mặt nạ. Bên cạnh đó, cũng đáng quan ngại với việc trưng bày hàng hóa kinh doanh không đúng quy định, tràn từ trong nhà ra vỉa hè và tới cả lề đường; đặt để bảng hiệu trái phép, che khuất tầm nhìn, lối đi. Còn có một số trường hợp che chắn, nới rộng không gian lấn cả đường đi, hẻm kiệt, ban công di tích, làm biến dạng cảnh quan và tính chân xác của di tích.

Trong nhiều năm qua, lãnh đạo thành phố đã chú trọng tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị Khu phố cổ Hội An – Di sản văn hóa thế giới, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh thương mại, đảm bảo thân thiện với du khách gần xa. Nhưng xem ra, có phải lợi nhuận kinh doanh đã lấn át tinh thần và thái độ của các chủ nhà hàng, cửa hiệu nên đã tạo ra những biến dạng đáng lo về cảnh quan khu phố cổ như hiện nay?

Áp lực hàng rong
Mặc dù thành phố đã phê duyệt và triển khai thực hiện đề án bố trí kinh doanh hàng rong nhưng chưa trở thành hiện thực và đạt yêu cầu. Số lượng các hàng quán vỉa hè, người bán hàng rong trong khu phố cổ quá nhiều, càng làm cho phố thêm lộn xộn, nhếch nhác. “Đây là một vùng đất sinh lợi rất dễ, một gánh hàng rong cũng đủ nuôi sống cả gia đình, cho nên thu hút rất nhiều người ở ngoài Hội An đến kinh doanh buôn bán. Đi đâu cũng thấy xe đẩy, đi đâu cũng thấy gánh hàng rong. Đây là vấn đề rất áp lực cho thành phố” – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An Trần Ánh nói.

 

Đỗ Huấn

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục