Độc đáo chợ chỉ bán tre ở Bình Định

Ở huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), có một ngôi chợ rất độc đáo: chợ tre. Xin nói ngay, rằng chợ không phải được dựng nên từ tre, mà chỉ bán mua tre mà thôi.

Hầu như chẳng còn ai biết chính xác những phiên chợ như thế này có nguồn gốc từ khi nào. Chỉ biết là rất lâu và đã ăn sâu vào máu thịt, tâm khảm của người dân huyện Phù Mỹ. Phiên chợ như một phần tất yếu của cuộc sống người dân ở đây.

Đơn sơ chợ tre

Mang tiếng là chợ, nhưng chợ tre không hề có bất cứ một hàng quán hay mái bạt che mưa nắng nào cả. Chỉ là một bãi đất trống chừng vài trăm mét vuông ở thôn Chánh Thiện, xã Mỹ Chánh, người bán mang tre đến; người mua đến xem rồi mua hay không tùy thích. Nó đơn sơ một cách rất mộc mạc như chính tên gọi của tre. Ấy vậy mà nó như thấm sâu vào máu của không ít người, những người đã biết bao năm gắn bó với chợ tre.

Chợ tre họp cách nhau 5 ngày một phiên, tính từ ngày mùng 3 âm lịch hàng tháng. Và để cho dễ nhớ, nhiều người dân lao động cứ nhằm ngày nào có số 3 và 8 là đến họp chợ tre. Thông thường, để chuẩn bị cho phiên chợ diễn ra vào lúc sáng sớm ngày hôm sau, thì chiều trước đó người bán đã chở tre đến “tập kết” ở chợ. Cũng có người, mang tre đến sớm hơn, có khi là mới sáng sớm của ngày trước phiên chợ chính. Đó là những người đã bao phen tần tảo cùng chợ, ông Trần Văn Nghê (61 tuổi, thôn Mỹ Hậu 3, xã Mỹ Tài) là một trong những người ấy.

Chọn tre.
Chọn tre.

Ngồi tránh nắng dưới lùm tre ven chợ, ông Nghê vừa chỉ ra đống tre duy nhất giữa chợ và bảo: “Đấy, tre của tôi đấy. Sớm mai mới đến phiên nhưng tôi mang tre đến đây từ sáng nay lận”. Và như thể hiểu thắc mắc của người “lạ”, ông tiếp: “Với tôi, chợ tre bây giờ không đơn thuần là bán buôn nữa, mà như đã là máu thịt. Cứ gần đến phiên họp chợ là tôi luôn đến sớm, nhiều khi không có tre cũng đến chợ”. Ông còn bảo rằng, cùng lớp tuổi ông, còn khá nhiều người gắn chặt đời mình với chợ tre như thế.

Như để chứng minh lời ông nói là thật, vài ba cụ ở gần chợ đến trò chuyện. Những người này đa phần đã thôi bán mua ở chợ, nhưng mỗi khi đến phiên chợ thì họ lại xuất hiện, “bởi tới phiên họp chợ mà không đến xem là trong người khó chịu lắm”, một cụ bảo. Họ hầu như không nhớ rõ cụ thể thời gian khởi phát của chợ tre, chỉ biết khi lớn lên, đã thấy chợ tre hiện hữu rồi, và khi tóc đã điểm bạc, chợ tre vẫn còn đấy.

Một cán bộ lão thành xã Mỹ Chánh, cho biết: “Chợ tre trước kia vốn không phải nơi này. Thời Pháp thuộc, chợ tre nằm ở ngã ba Phố Họa (cách chợ tre bây giờ khoảng 300 mét về phía đông bắc). Sau chuyển qua thôn An Lương, rồi đến thôn Chánh Thiện vào những năm 90”. Qua ba lần thay đổi địa điểm, chợ tre vẫn giữ được nét đơn sơ, đặc trưng và nhộn nhịp vốn có của nó.

Và, cái sự chuẩn bị cho phiên chợ, cũng rất giản đơn. Người ta chỉ chuẩn bị duy nhất một thứ là tre để mang đến chợ. Người đến chợ cũng chỉ để mua một thứ duy nhất là tre. Trước kia, tre được mang đến và đưa đi khỏi chợ cũng bằng một phương tiện rất thô sơ là xe đạp, nay có thêm xe gắn máy, xe công nông trợ giúp. “Chợ họp ở Mỹ Chánh, nhưng nguồn tre được mang đến từ nhiều làng quê trong huyện như Mỹ Quang, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Tài, Mỹ Trinh,…”, ông Nghê cho biết thêm.

Sẽ dành không gian cho chợ tre

Theo ông Nghê và những người trung niên, sở dĩ chợ tre nằm ở Phù Mỹ là vì vùng này trước đây vốn có nhiều tre. Hơn nữa, ngã ba Phố Họa lúc bấy giờ rất thuận tiện cho việc giao thương; không chỉ là giữa các địa phương trong huyện mà còn đi các huyện lân cận. Hóa ra, chợ tre là “sân nhà” của người dân Phù Mỹ nhưng vẫn có nhiều người ở các huyện khác đến tham gia, chủ yếu là mua tre.

“Nhiều lúc, thấy bây giờ phát triển quá nên cứ sợ chợ tre mất đi, thế thì tiếc quá, vì nó không còn đơn thuần là chuyện mưu sinh nữa, mà như đã là một phần trong cuộc sống của chúng tôi”, ông Phan Bá, 67 tuổi, nhà ở gần chợ tre tâm sự. Ông Bá cũng lý giải cho sự hình thành của chợ tre, có lẽ nó bắt nguồn từ thực tế, khi mà tre được dùng rất nhiều như đan giỏ, thúng, mủng, mái lợp, tấm phên,…

Sau khi chọn tre ưng ý, người mua khiêng ra để riêng.
Sau khi chọn tre ưng ý, người mua khiêng ra để riêng.

Cho đến bây giờ, sở dĩ tre vẫn còn “đất sống” là vì nó vẫn còn hữu dụng, hơn nữa người Phù Mỹ không muốn chợ tre mất đi. Ông Nghê cho hay, nếu như không có nhiều cảm tình với tre, với chợ tre thì có lẽ ông (và nhiều người khác) đã nói lời giã từ với chợ tre lâu rồi. “Nhiều đồ dùng bằng vật liệu khác nay khá nhiều, nên vật dụng bằng tre khó cạnh tranh nổi. Hơn nữa, tre bây giờ không còn nhiều; đó là chưa nói đến công việc chặt tre vốn rất khó khăn và lắm hiểm nguy, trong khi thu nhập không đáng là bao”, ông Nghê lý giải.

Cũng vì gắn cuộc đời mình với chợ tre, nên không ít người, dù kinh tế khá giả vẫn không dứt ra được. Thế là họ tìm cách này, cách nọ để có “cớ” đến chợ tre vào những ngày phiên, và ông Nguyễn Văn Bạn (52 tuổi, thôn Mỹ Hậu 1, xã Mỹ Tài) lấy “vỏ bọc” là hành nghề chở tre mướn để được… hợp-thức-hóa với vợ con việc đến chợ tre mà không bị… càm ràm.

Trong khi ấy, bà Trần Thị Mai (thôn Trung Thuận, xã Mỹ Chánh Tây), dù ở cái tuổi 72, con cháu đề huề nhưng vào những ngày phiên vẫn theo lũ bạn (theo cách nói của người Bình Định) đến chợ tre. Công việc của bà là mua tre rồi bán lại tại chợ, “nói là để kiếm chút lời chứ thực ra là cho đỡ nhớ chợ, tre và những người hay đến đây” – bà Mai giãi bày.

Hóa ra, chợ tre ngày hôm nay vẫn còn bởi nó đã sống trong lòng người dân ở đây, gắn chặt với cuộc đời họ. Một lãnh đạo xã Mỹ Chánh tâm sự với chúng tôi rằng, bằng mọi cách sẽ dành không gian cho chợ tre “bởi nó là một trong những nét đẹp, độc đáo ở làng quê Mỹ Chánh nói riêng và Phù Mỹ nói chung”.

Tại chợ, tre được bán với giá từ 25.000-50.000 đồng/cây tùy loại. Những loại tre to, ngả màu nâu hay tre đảo (loại thẳng, dùng để làm bè) thường có giá cao. Tre được mua về để làm nan, vỉ, cán cuốc, cán dao, làm đìa… hay làm sườn để lợp mái ngói… Trung bình mỗi phiên chợ tre, người bán kiếm lời được khoảng 300.000 đồng. Những người chở tre mướn được trả tầm 50.000 đồng/ngày.

Bài & ảnh: An Vĩnh
Theo 24hsongxanh.vn

Cùng chuyên mục