Góc chia sẻ: Tết đến rồi!

Tết Nguyên đán, Tết đầu năm Âm lịch! Một cái Tết hết sức quan trọng của người Việt mình.

Cái Tết sau một vụ mùa thu hoạch thóc lúa, cũng là mùa mát mẻ thích hợp để trồng trọt và bội thu bao rau củ quả, hoa trái cho dịp Tết cổ truyền của dân tộc! Và Tết là để đoàn viên sau cả năm trời vất vả làm lụng, chạy đua với cơm áo gạo tiền, nhứt là với hoàn cảnh xã hội hiện nay!

Thế nên nhà nhà, dù có khó khăn đến đâu cũng cố sao cho có một cái Tết ấm cúng trong gia đình!

Tết, dù gì dưới bếp không thể thiếu nồi thịt kho tàu, hũ dưa giá, lọ củ kiệu thơm lừng! Mùi Tết trong Nam là thế! Thêm nồi khổ qua hầm nữa thì tha hồ ba ngày Tết ngồi với lá bài xanh đỏ. Đến bữa ăn chỉ đứng lên xắt khoanh bánh tét, múc miếng thịt kho là êm bụng!

goc-chia-se-thu-phuong-xa
Hoa ra chợ Tết. Tác giả: Nguyễn Khắc Hiếu (Ảnh dự thi cuộc thi ảnh Vẻ đẹp cuộc sống lần 2).

Người miền Bắc ư? Vâng, không thể thiếu nồi măng khô ninh chân giò! Hộp thịt đông nấu sớm từ sáng Hai Chín.

Thịt đông của miền Bắc thời chẳng phải để tủ lạnh, nhứt là nhà quê xưa làm gì có tủ lạnh mà cho vào! Chỉ để trong nhà thôi cũng đủ đông đặc lại, bởi rét lắm lắm! Tay chân cũng muốn đông cứng nữa là hộp thịt kia!

Quan trọng nhứt có lẽ là nồi măng khô nấu giò heo!

Măng khô phải chọn loại ngon, về ngâm từ hôm Hai Bảy tháng Chạp, thay nước cho bớt màu của măng khô, chiều Hai Chín bắc bếp luộc sôi, thay nước luộc tiếp! Bấy giờ mới cắt miếng vừa ăn và luộc thêm lượt nữa cho măng nở thêm rồi mới cho ra rổ để ráo nước. Sáng Ba Mươi ra chợ kiếm cái chân giò ngon ngon, bảo người bán làm sạch sẽ rồi chẻ đôi, chặt miếng. Về rửa, cạo lại cho sạch rồi cho vào chiếc nồi to, ướp gia vị một lúc lại cho măng khô vào ướp thêm chút mắm muối nữa mới bắc lên bếp xào qua. Một lát thì cho nước vào nấu. Khi gần sôi nhớ mở vung vớt bọt cho trong nước, xong xuôi thì đậy lại ninh nhỏ lửa. Thỉnh thoảng đảo lên cho đều. Thấy chân giò mềm là được!

Cúng Ba Mươi không thể thiếu món măng khô này! Thịt đông xắn ra đĩa, kèm đĩa con dưa nén, củ hành nữa là các cụ hài lòng lắm!

Mẹ tôi bảo cúng ngày Ba Mươi là quan trọng. Có bao nhiêu món phải bày cả lên bàn thờ! Xưa ở miền Bắc lạnh, múc đĩa thịt đông ra, cúng xong vẫn đông như thạch! Giờ trong Nam, đĩa thịt đông chưa tàn cây hương, đã muốn tan thành nước!

Ngày Ba Mươi nấu món nào cũng nhiều nhiều, ăn không hết để đến hôm sau mùng Một chỉ hâm lại là ăn được, và để lúc nào nhà cũng dư thừa từ năm này sang năm khác! Thế đấy! Cho nên nồi măng khô ninh chân giò là to nhất! Ai cũng ưa chuộng món này. Ai đến cũng hỏi món măng khô ninh chân giò có không? Thậm chí ăn đến mùng Hai cũng vẫn còn, vẫn ngon!

Mùng Ba đưa ông bà thì không nấu măng nữa. Lại bày nem cuốn, gà luộc, miến củ dong hay miến đậu xanh cho mát ruột. Nhưng cũng bóc bánh, cũng dưa hành nén, cũng thịt đông đủ đầy!

Mùng Bảy hạ cây nêu, giờ chẳng có nêu, song vẫn cúng kiếng tử tế như ông bà xưa từng làm thời mới yên tâm.

Xong mùng Bảy mới hết Tết. Việc nào lại vào việc nấy. Lại lo làm ăn, lại chờ 365 ngày nữa để đón Tết tiếp theo!

Sông Dài

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/tet-den-roi/

Cùng chuyên mục