Giữ đàn voi rừng
Để bảo vệ đàn voi rừng 8 con ở Nông Sơn, tỉnh đã thành lập khu bảo tồn, lập Ban quản lý gồm 30 kiểm lâm viên, luân phiên đi tuần tra.
Đàn voi 8 con sinh sống ở gần 19.000 ha rừng tự nhiên, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rộng 13.000 ha thuộc hai xã Quế Lâm và Phước Ninh, huyện Nông Sơn. Ngoài ra, voi có thể di chuyển trong vùng rừng đệm rộng 25.000 ha thuộc 9 xã của 5 huyện Nông Sơn, Đại Lộc, Nam Giang, Phước Sơn và Hiệp Đức.
Để bảo vệ đàn voi, ngoài thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn vào tháng 6/2017, UBND tỉnh Quảng Nam cũng lập Ban quản lý gồm 30 kiểm lâm viên với nhiệm vụ bảo vệ đàn voi. Họ luân phiên đi tuần tra, phát hiện các dấu hiệu bất thường để kịp thời có biện pháp xử lý.
Ngày cuối tháng 6, tổ công tác gồm 6 nhân viên lên xe máy rời trụ sở nằm bên đường Đông Trường Sơn, chạy theo con đường mòn băng qua những cánh rừng cao su đến sát bìa rừng. Đoàn dừng xe cuốc bộ vào rừng già – nơi được xác định những ngày qua có đàn voi ở. Trên vai, mỗi người một balô mang thức ăn, võng ngủ để chuẩn bị chuyến tuần tra bảo vệ rừng kéo dài 5 ngày.
Dọc đường đi, họ phát hiện trên mặt đất in hằn bàn chân voi với nhiều kích cỡ. Bên bờ suối những đống phân voi nằm rải rác, vỏ cây bị voi cọ xát lộ ra từng mảng… “Khu vực này là rừng già nhưng hỗn giao giữa bụi rậm, có nhiều loại như cây mây, giang, nứa, chuối rừng, dây leo… là thức ăn ưa thích của chúng”, anh Đỗ Đăng Vũ, nhân viên khu bảo tồn, giải thích.
Sau 2 giờ, thành viên trong đoàn nghe tiếng lao xao từ xa. Cả nhóm dừng lại, tìm đến ngọn đồi cao, quan sát xung quanh và phát hiện đàn voi đang đi ăn giữa sườn núi. Mỗi con dùng vòi cho lá cây vào miệng khoảng 10 phút thì đi vào rừng cây nguyên sinh.
Những kiểm lâm viên dùng máy định vị xác định tọa độ và ghi lại vị trí đàn voi đang đi ăn. “Đàn có thêm voi con nên rất hung dữ. Để giữ an toàn và không tác động đến chúng thì phải đứng từ xa”, anh Vũ nói.
Tiếp tục công việc, sáu người đi vào rừng sâu tuần tra, vừa đi vừa tháo gỡ bẫy thú rừng, đặt bẫy ảnh và thu thập dấu hiệu xâm hại rừng. Họ mang theo thức ăn đi từ sáng đến chiều rồi dựng bạt, mắc võng ngủ qua đêm. Mỗi tháng nhân viên khu bảo tồn có 4-6 đợt tuần tra ăn ở trong rừng, tính ra mỗi người đi rừng 15 ngày.
Ông Mai Văn Dưỡng, Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn, cho hay từ khi thành lập khu bảo tồn, đàn voi ít bị tác động bởi con người. Sinh cảnh sống của chúng được đảm bảo, nguồn thức ăn ổn định hơn nên thời gian qua chúng không về quậy phá hoa màu của dân.
Ngoài việc giữ rừng cho voi, khu bảo tồn được các tổ chức hỗ trợ nhiều đợt tuyên truyền để người dân tránh xung đột với voi. Nhiều đợt tập huấn kỹ năng ứng phó khi đàn voi ra rẫy của dân tìm thức ăn, hỗ trợ dân kẻng để khi voi về làng thì đánh cho chúng sợ.
“Song song với những biện pháp trên, hiện chúng tôi đã triển khai trồng hàng rào bằng cây bồ kết – loại cây có gai, dài gần 2,4 km ở bìa rừng để đàn voi không ra khỏi rừng, tránh xung đột với người, phá nương rẫy của dân”, ông Dưỡng nói.
Ông Đỗ Văn Ngọc, chuyên gia bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dự án Trường Sơn Xanh của USAID, thông tin tháng 3/2020 chuyên gia đã ghi nhận đàn voi gồm 8 con, tăng một con so với trước đó. Trong đó, có một con đực bán trưởng thành, 4 con cái trưởng thành, một con cái bán trưởng thành, một con đực thiếu niên và một con non một tuổi.
“Cấu trúc đàn voi khá lý tưởng với nhiều cấp độ tuổi và giới tính. Việc có được voi con sinh sản trong tự nhiên được xem là tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn voi tại đây”, ông Ngọc nói.
Tuy nhiên, để phát triển đàn voi còn rất nhiều thách thức. Các nhà nghiên cứu khoa học đã chỉ ra để tồn tại lâu dài và tránh xói mòn di truyền ngắn hạn của một quần thể voi, số lượng cá thể tối thiểu là 100. Đàn voi hiện tại ở khu bảo tồn là quá nhỏ để phát triển lâu dài.
Ông Ngọc cho rằng trước mắt, cần ưu tiên các biện pháp bảo vệ voi và sinh cảnh sống nhằm tăng số lượng cá thể. Chiến lược bảo tồn dài hạn nên xem xét mở rộng môi trường sống hiện tại đến các khu vực lân cận để voi có đủ sinh cảnh sống. “Để làm điều này, các nghiên cứu tiếp theo cần làm rõ áp lực sinh thái, đa dạng di truyền và thay đổi nhân khẩu học của quần thể voi trong khu bảo tồn”, ông nói.
Năm 2015, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn Quảng Nam nằm trong vùng dự án “khẩn cấp bảo tồn voi Việt Nam”. Đoàn chuyên gia được cử đến phối hợp với kiểm lâm địa phương khảo sát voi trên địa bàn, ghi nhận ở Quế Lâm, huyện Nông Sơn có từ 6 đến 7 con. Tháng 6/2017, UBND tỉnh Quảng Nam thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn với tổng diện tích gần 19.000 ha trên địa phận hai xã Quế Lâm và Phước Ninh, huyện Nông Sơn. Từ tháng 7/2017 đến nay, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, trong đó tập trung vào các giải pháp bảo vệ đàn voi. |
Đắc Thành
Theo VnExpress
Link nguồn: https://vnexpress.net/giu-dan-voi-rung-4121651.html