‘Giọt máu chung tình’ tái xuất

“Biên cương lá rơi thu hà em ơi/ Đường dài mịt mù em không đến nơi/ Mây nước buồn cơn lửa binh/ Hết kể chuyện chung tình/ Khóc than riêng em một mình”. Có mấy ai là dân miền Nam mà không thuộc lòng câu vọng cổ kinh điển này về mối tình Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà?

Câu chuyện tình “gây cảm động nhất mọi thời đại của xứ Nam kỳ từ xưa tới nay” này còn được thuật lại trong tuồng có sức hút mãnh liệt đối với công chúng do Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền soạn ra.

Sau hơn 90 năm, “Giọt máu chung tình” vẫn còn sức hút của một tiểu thuyết lịch sử diễm tình

Cả vở tuồng và bản cải lương nức danh khắp chốn ấy đều là “hậu kiếp” của cuốn tiểu thuyết Giọt máu chung tình được chắp bút bởi Tân Dân Tử (bút danh của Nguyễn Hữu Ngỡi, 1875-1955) ra đời năm 1926.

Bản in năm 1926

Công chúng Nam bộ, nhất là tầng lớp bình dân, những năm 1920-1930 ấy bị thu hút bởi điều gì ở Giọt máu chung tình – một thiên tình sử nước Nam như nhiều người vẫn quen gọi?

Và một câu hỏi đáng suy nghĩ được đặt ra ở đây: điều gì ở cuốn tiểu thuyết có thể bị lãng quên trong lịch sử thể loại này lại tạo sức sống cho những “hậu kiếp” của nó, khiến chúng trở thành những điển phạm như thế?

Toàn bộ cuốn tiểu thuyết này xoay quanh mối tình trắc trở, éo le giữa Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà, trải qua bao nhiêu cản trở, thử thách, nút thắt này được gỡ thì lại xuất hiện nút thắt mới. Phải chăng đây là điều đầu tiên hấp dẫn công chúng bình dân?

Hai tiểu thuyết nổi tiếng của Tân Dân Tử

Tuy vậy, Tân Dân Tử thực tình không có ý định viết một tiểu thuyết cảm thương. Trong chủ đích của ông, đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, dù chưa có sử liệu nào xác nhận Võ Đông Sơ có nguyên mẫu ngoài đời thực. Mục đích giáo huấn mà Tân Dân Tử hướng đến qua tác phẩm của mình cũng là giáo huấn ý thức về lịch sử dân tộc.

Nhưng Giọt máu chung tình của Tân Dân Tử không chỉ tham gia vào sự kiến tạo tinh thần dân tộc chủ nghĩa hồi đầu thế kỷ 20. Tiểu thuyết này thiết nghĩ cũng phải được nhắc đến như một hiện tượng văn học nổi bật tham gia vào quá trình kiến tạo ý niệm về bản sắc Nam bộ, được nhìn thấy ngay ở lớp phương ngữ Nam bộ dày đặc, với những biến âm mang dấu vết lịch sử trong lời văn.

Lấy bối cảnh thời Gia Long, tác giả không giấu chủ ý suy tôn công trạng những anh hùng, liệt nữ của nhà Nguyễn, triều đại nối tiếp của những bậc tiền nhân có công khai khẩn và chính thống hóa vùng đất mới này.

Ban đầu tiểu thuyết này gồm 3 cuốn, 28 hồi, xuất bản 1926 (bìa ngoài ghi 1926, bìa trong ghi 1925, do nhà in Nguyễn Văn Viết ở Sài Gòn ấn hành). Tính đến nay, tiêu thuyết này đã được tái xuất bản gần 10 lần, kể cũng là điều hiếm gặp với dòng tiểu thuyết lịch sử, lại viết ở thời kỳ đầu của văn học hiện đại Việt Nam.

T.Đ.

Cùng chuyên mục