Gặp gỡ cây người trước khi chết
Được liệt vào danh sách “1001 cuốn sách phải đọc trước khi chết” do nhiều học giả thế giới biên soạn, Cây người là một tác phẩm xứng đáng nhận được sự tôn trọng của những ai hâm mộ văn chương đích thực.
“Hãy tưởng tượng bạn đang đứng giữa Siberia lúc âm 65 độ C và nạy một thứ gì đó bằng cái xà beng sắt: khi bạn thả nó ra, một phần da của bạn đã đứt lìa và gắn chặt vào đó. Tương tự thế, khi gấp lại tiểu thuyết của Patrick White, một phần trong tôi đã nằm lại với trang sách, và máu của tôi cũng vậy” – đây là chia sẻ của nhà thơ Yevgeny Yevtushenko.
Với những ai đã quen thuộc với các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông như Voss, Cây người… có lẽ sẽ không phải là nói quá khi tuyên bố rằng Patrick White chính là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất và gây ảnh hưởng lớn nhất trong số các nhà văn Úc đương đại.
Khi trao giải thưởng Nobel văn học cho Patrick White năm 1973, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã gọi bút pháp sử thi và nghệ thuật kể chuyện theo dòng chảy tâm lý của ông là những thành tố góp phần “mở ra một lục địa văn chương mới”.
Lần đầu tiên trao cho một người Úc, Nobel văn học năm đó đã khẳng định vị thế của ông là một tiểu thuyết gia lớn trong lòng công chúng. Biến Patrick White thành đại sứ cho nước Úc hoang dã, thay đổi nhận thức của những người vẫn còn coi mảnh đất ấy nằm ở ngoại biên địa cầu. Ngày nay hậu thế vẫn tiếp tục tôn vinh ông và tìm mọi cách lấp đầy khoảng lũng đoạn mà tên tuổi ông có phần bị quên lãng sau khi ông mất.
Đây là tiểu thuyết đầu tiên của Patrick White gây được tiếng vang toàn cầu. Câu chuyện mang đậm tính sử thi khi tái hiện gần như cả một đời người của thế hệ dân khai khẩn Úc mà trọng tâm là Stan Parker.
Stan được thừa hưởng một mảnh đất cha anh để lại trên đồi giữa rừng cây bụi, thế là cùng với một chú chó và một chú ngựa, anh tới đó, phạt cây, xẻ gỗ, gây dựng một mái nhà, cưới một cô vợ, có những đứa con được sinh ra và không được sinh ra, họ bên nhau trải qua những đắng cay vui buồn, những thiên tai địch họa trong khu ấy.
Tuy là một tác phẩm đồ sộ, nhưng Cây người không bao hàm một cuộc chiến vĩ đại hoặc thảm kịch tàn khốc như ta hình dung, mà đơn thuần xoay quanh những biến cố trong đời một người đàn ông và một người đàn bà. Hơn thế, họ được khắc họa là một cặp vợ chồng bình thường như bất kỳ cặp vợ chồng nào, với hai đứa con có lẽ cũng gần như là con của bất kỳ ông bố bà mẹ nào.
Patrick White cần đến 600 trang sách không phải là để hợp lý hóa những mốc thời gian và diễn biến trong đời vợ chồng Parker mà là để chậm rãi, từ từ, tinh tế, đầy thuyết phục, khắc họa một sự đổi khác.
Lý do khiến Patrick White thường bị cáo buộc mang hơi hướm chủ nghĩa tinh hoa dường như chính là thái độ khinh thị của ông với những thứ tầm thường, nỗi khiếm đảm của ông với những thứ thiếu bản sắc, niềm tin mãnh liệt của ông về sức mạnh của nghệ thuật và văn chương sẽ thay đổi thế giới.
Giải thích về lý do viết Cây người, ông cho biết: “Khi tới sống ở Castle Hill, Sydney, tôi cảm thấy cuộc sống ở đây, trên bề mặt, thật cằn cỗi, xấu xí, tẻ nhạt, hẳn phải có gì đó thi vị ẩn giấu đằng sau để cho nơi này một mục đích tồn tại, và thế là tôi khởi sự tìm kiếm cái cốt lõi bí mật của mảnh đất này, rồi Cây người ra đời.”
Nước Úc hoang dã trong mắt của Patrick White dường như được đi sâu khám phá những tầng biểu tượng, những bản sắc được chính con người bé nhỏ nơi đây bồi đắp gây dựng. Chính vì thế, có thể nói miền đất ấy đã mang ơn các bản anh hùng ca của ông trong công cuộc định hình căn tính quốc gia, và đã được phần nào giải thoát khỏi những định kiến và nghi ngờ về khả năng sản sinh ra một cái gì vĩ đại.
Tiểu thuyết hiện do Hoàng Túy và Mạnh Chương chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Vĩnh Ngân