Dưới mái nhà xưa

Tôi đã nghĩ gì khi nhớ về căn nhà xưa, nơi bước chân bé nhỏ ấu thời đi kín mỗi tấc đất, nơi tôi bắt đầu ủ mộng cho những ngày xanh?

Hơn hai mươi năm sống dưới mái nhà len chặt biết bao kỷ niệm ở mỗi góc nhà, mảng tường, mảnh sân con và khu vườn còn ủ vạn giấc ngủ say. Trên mảnh đất phía trước nhìn thấy núi xa mờ, phía sau ao chuôm cá lội, đồng lúa xanh rì. Sớm tối, tiếng chuông chùa Thần Phù hai thời vang vọng không trung, gieo muôn thanh tỉnh. Vây quanh một khoảng sân chung, nơi các gia đình trong xóm cùng nhau đi qua bao lần biến động, binh đao khói lửa rồi đến cái nghèo cái đói những năm tháng gian lao đầy ám ảnh. Căn nhà nhỏ xây theo kiểu nhà ba gian truyền thống của tổ tiên, đã bốn đời cư ngụ. Ngôi nhà ấy, ba mẹ tôi chắt góp làm từng giai đoạn dễ đến năm lần, bảy lần mới được hoàn chỉnh, được gọi đúng nghĩa nhà. Một nhà ba gian nằm ngang gọi là nhà chính hoặc là nhà trên, dùng để làm nhà thờ, phòng khách, được trang trí dăm ba bức ảnh nhỏ trong khung kính. Nổi bật nhất là bức hậu án sau ban thờ, một bức bích họa núi sông non nước, đủ cả tùng cúc trúc mai, ngư tiều canh mục, bình bông, màn trướng trông rất thật do người em ông nội vẽ lúc tôi còn chưa ra đời. Một nhà ba gian khác nằm dọc, sát cạnh nhà chính gọi là nhà lều hoặc nhà dưới là nơi ngủ và bếp ăn, khu vệ sinh. Từ “mái nhà tranh tót, cỏ mọc mái hiên” đến nhà mái ngói đỏ tươi thấm màu thời mới là cả một chặng đường của nhiều thế hệ trong gia đình. Lúc tôi học mẫu giáo, ngôi nhà dưới vẫn còn lợp tranh một mái nghiêng và chiếc nôi của anh em tôi treo trên đòn tây bằng tre được bà nội và mẹ ru giấc ngủ thơ. Tôi bập bõm đọc “ngó lên nuộc lạt mái nhà, bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”. Mái tranh ấy được nhuộm màu vàng đậm pha đen huyền hoặc do khói bếp lâu ngày bám vào. Những ngày mưa, anh em tôi ngồi bên bậu cửa thi nhau ngửa mặt ra ngoài trời, hớp những giọt nước mưa rơi từ mái tranh xuống mằn mặn, thật thà. Những ngày mưa lâm thâm không ngớt, quê hương nhòa trong làn nước trắng xóa, chẳng còn thấy núi xa, phía đồng nước đã ngập bờ và đường quê hiu hắt bóng người đi về trên con đường đất đỏ. Cái lạnh nhờ nhợ đến, xộc vào nhà như người khách lạ, mang theo thứ không khí ủ ê, băng giá. Ngày ấy ngôi nhà như chật lại với chăn mền được lấy từ trong tủ ra chống lạnh, những bao lúa được khuân ra, kê cao hơn sợ mưa to, lũ về. Và khói bếp được đốt từ rơm rạ, củi mục xông ướt mắt cay. Những bữa cơm mùa giá lạnh ấm êm dù mắm dù muối, thiếu thốn đủ bề.

duoi-mai-nha-xua

Căn nhà tôi rộn ràng nhất là vào mùa vụ. Đầu tiên, là việc nhổ mạ cấy lúa. Từ sớm, cả nhà đã ra ruộng “trừa lại” để nhổ mạ, bó lại từng bó nhỏ rồi chất lên xe tải chở về nhà vào lúc hoàng hôn, khi mặt trời chiếu từng tia rẻ quạt lên bầu trời. Những bó mạ xanh xanh buộc bằng nuộc lạt được anh em tôi chuyền qua tay nhau. Mùi mạ non thơm thơm quyện lẫn mùi đất ẩm lưu lại một đêm trong nhà rồi mới đem ra đồng cấy. Khi lúa chín, cả sân nhà vàng ươm màu lúa. Thời ấy, để mang được lúa về nhà là cả một công đoạn gian nan, vất vả. Lúa phải cắt bằng tay liềm, bó lại, nếu ruộng gần thì dùng đòn gánh có hai đầu nhọn xóc vào gánh về, ruộng xa phải dùng ghe xuồng vận chuyển đến chỗ có thể gánh được. Mồ hôi túa ra trên người ba tôi và những thợ gặt để đem những hạt lúa chắt chiu về nhà. Nắng lên, bà nội trải bạt ra sân rồi phơi phóng suốt mấy ngày để lúa khô khén mới bỏ vào bao hoặc bán hoặc cất lại để dùng. Còn lũ chúng tôi hò nhau nhún nhảy lên những đống rơm to, chơi trò trốn tìm rồi vùi mình dưới tầng tầng rơm thơm ngát.

Mùa Hè về, ngôi nhà chìm trong bóng mát của nhiều loại cây trong vườn. Hoa phượng nở, hoa khế trong vườn cũng mỉm cười. Trải qua mấy cơn dông, mưa phủ bạc lá cành rồi đến ngày nắng to, cây khế vườn sau lú nhú mấy chùm nụ non. Lúc đầu, chùm nụ chỉ mọc rải rác ở thân cây, các cành lớn rồi nụ nở rộ thành bông hoa nhỏ xinh, màu tím sắc hồng như thể cánh sao. Cả cây khế nở đầy, từ những cành non màu đỏ, trên nhánh lớn nụ hoa tuôn ra, nổi lên trong đám lá xanh vừa thay áo mới. Nếu thử đặt đầu lưỡi vào nhụy hoa, vị ngọt của hương mật nồng nàn xâm chiếm cả nguồn xúc giác. Từng đoàn ong than, ong ruồi rộn ràng thi nhau đến lấy mật vo vo suốt cả ngày. Nhà tôi có hàng tre dày, mọc kín hàng rào là nơi loài ong than làm tổ trong các thân tre khô. Chúng lựa những cây tre, thường là tre đực chắc khỏe, sắp chết khô để trú thân. Cứ mỗi đốt tre chúng khoét một đến hai lỗ tròn, trông cây tre cứ như ngọn sáo khổng lồ. Khi khế ra quả, tôi mang sách leo lên cây, lựa cành ngả ba nằm vắt vẻo, vừa hái khế ăn vừa đọc sách. Tuổi thần tiên trôi êm đềm, mơ mộng, là cành vàng tôi bấu víu khi rơi lạc giữa dòng đời, là dòng suối trong tưới mát tâm hồn mỗi khi khô hạn.

duoi-mai-nha-xua

Những ngày nắng chang chang cứ cầu mưa mùa tắm gội xanh cỏ lá, cho đồng thôi nứt nẻ chân chim, cho cây trong vườn thôi héo hắt. Mái ngói nâu nắng dội, nghe tiếng rạn cựa mình. Đứng trong nhà nhìn ra mùa hạ vàng rực rỡ, cảnh vật nhoang nhoáng như trên mặt nước sôi. Trời như lên cơn sốt, bàn ghế, tủ giường nóng ran. Nhưng đêm về gió núi mơn man thổi, lùa rạng rỡ đêm Hè. Nhớ những đêm cùng ba nằm trên chiếc chõng tre ngoài hiên chờ cơn gió lộng, thiu thỉu ngắm trăng chơi giỡn khắp xóm quê. Trăng ngậm sương trầm mặc, thỏ thẻ nói những lời đầy ánh bạc lên cỏ cây. Nhớ tiếng sáo ba thổi đêm khuya ru anh em tôi giấc ngủ, một khúc Lòng mẹ, một thoáng Mưa hồng rong ruổi u hoài.

Ngôi nhà ấy nở hoa trước thềm, hoa sau vườn ngày đêm tỏa hương êm dịu. Ngôi nhà ấy ôm trọn nắng, chứa trọn mưa, là những cơn mưa ngẩn ngơ nhân thế, dậy chút chơi vơi nguồn cội. Nhớ sao nửa đêm thức giấc nồng, nghe cơn mưa Thu vội về bì bộp trong vườn động lòng xôn xao. Từng giọt rơi lộp độp trên tàu lá chuối cạnh ô cửa tưởng chừng như lá run lạnh giữa đêm. Nghe mưa lá nấc từng hồi, tôi nằm trăn trở trong căn phòng nhỏ nghĩ vẩn vơ điều gì không rõ, những cái sống bộn bề, rậm rì của tuổi trẻ hay phút mặc cả vô ý bên dòng thời gian. Miệng nhẩm hát nhạc Phạm Duy: “Giọt mưa trên lá cố gắng nguôi ngoai/ Nói với loài người: xin cứ nuôi mộng dài”. Ôi, những đêm nuôi mộng dài rồi cũng qua mau, chỉ có ký ức như vết bụi còn bám mờ trên bức tường cũ. Đêm im lặng một khoảng vui khi nghĩ đến ngày mai nhuộm màu xanh biếc. Sớm ra mới hay trận mưa đêm làm ngập tràn ao hồ báo tiết trời Thu. Đất trong vườn cũng xâm xấp nước, đủ cho luống khoai lang đâm đọt mới sau nắng khô mùa Hạ. Muôn cỏ mềm như hơi thở lú nhú trên những gò hoang. Đến ngày trăng tròn, mưa lại về giữa đêm. Mưa tạnh, trăng lên, nước đọng vũng như đùa với ánh trăng.

Mười năm nay, gia đình chúng tôi đã chuyển ở trên mảnh đất khác, ngôi nhà xưa giờ thành nhà thờ gia tiên, có cô tôi một mình ở đó trông nom khói hương. Nếu nghĩ rằng tấm thân này vốn ở trọ giữa nhân gian thì những căn nhà ta từng ở sẽ là lữ quán. Hôm nay, tôi về thăm nhà, cô đi vắng, cửa đóng ỉm im những ẩm mốc cô đơn loang trên vết mục. Dường như mái ngói nâu cũ xỉn nghiêng mình kể chuyện. Bên vườn, chiều nắng gợn sóng thu trên vô vàn lá biếc. Hiên ngoài quạnh quẽ bước chân, nghe cô đơn lảo rảo trong sân vắng. Chợt thèm tiếng dép mòn đế loẹt quẹt đi về mỗi ngày của em nhỏ, tiếng chổi xào xạc sân mơ của bà, tiếng ba pha tách trà mỗi sớm, tiếng mẹ lách cách dắt chiếc xe đạp cũ cũng đủ làm chật khoảng rỗng tâm hồn. Đốt một nén nhang, xông một lượt trầm, nhấp chén trà nguội, tôi lặng lẽ gõ ngón tay lên cung khờ khạo, để nhớ về những ngày đã xa trong ngôi nhà nhỏ nhiều mộng ảo.

Lê Vũ Trường Giang – Ảnh: NAG Trung Thu

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục