Du Tử Lê, chúng ta và những con đường
Vào khoảng này năm ngoái, tuyển thơ Khúc thụy du của Du Tử Lê xuất bản trong nước (Phanbook & NXB Hội Nhà Văn ấn hành), người đọc mê thơ Sài Gòn trước 1975 được gặp lại một giọng điệu, đúng hơn, một cốt cách thi sĩ đã thân quen, tưởng khó gặp lại.
Và sau cuộc hội ngộ không ít hân hoan lẫn ngậm ngùi ấy, thì Chúng ta, những con đường (Phanbook & NXB Đà Nẵng dự kiến sẽ ấn hành vào tháng 6/2019) là câu chuyện mới, vẫn với giọng điệu từ tốn, khắc khoải của một người Sài Gòn ly hương, một hiện thân Sài Gòn gần gũi ở nơi xa xôi.
Như nhan đề tập thơ, “những con đường” gợi lên ngay những biểu trưng của sự chọn lựa. Có lẽ chọn lựa là vấn đề lớn của một thế hệ thị dân nói chung và Sài Gòn, trí thức miền Nam nói riêng trước những biến cố, đổ vỡ, thách đố từ lịch sử.
Đã có một khoảng lùi để nhìn về những con đường với một nhãn quan bao dung và nhân bản. Thi ca Du Tử Lê vẫn chọn “con đường” giãi bày những thao thức bằng một thứ ngôn từ thao thức nhưng không buông rời mỹ cảm lãng mạn chủ nghĩa.
Vẫn sự chăm chút cho nhạc tính từng cú pháp, dù ẩn sâu trong thi pháp là dấu chỉ của rạc rời hoài niệm, thổn thức truy vấn. Biết bao tan rã và mất mát đã xảy ra trên đường bay của bầy thiên di mãi vỗ cánh trong tâm hồn thi sĩ, sau cánh rừng bốc cháy. Chọn đường bay đã khó (vì đường bay, đâu chỉ giản đơn là cần chân trời, như một câu thơ nào đó!), mà sẽ còn là chọn lựa lẽ sống ở cuối cuộc viễn hành định mệnh:
bỗng chai sượng thấy hình ai ở đó
lược, gương xưa thức dậy mối nghi ngờ
ta mất tích giữa đường ngôi thứ nhất
rẽ bên nào cũng chỉ lấp chôn nhau
(bài nắng, mưa kế tiếp)
Sự đồng vọng của ký ức nơi chân trời, những phương hướng mờ tỏ chập chờn, có khi xao xác như phủ lên cả một hiện thực khắc khoải của phận lưu đày:
ngọn gió từ hướng đông
thổi tấm lòng bất trắc /.
ngọn gió từ hướng bắc
thổi buồn về tây nam /.
trái tim ta như rừng!
chẳng gió nào thổi nữa.
(Phương hướng)
Thế rồi thế giới tàn nghiệt, vẫn bảo tồn những chốn rất mực riêng tư cho thi ca nương náu. Mà đâu chỉ nương náu. Thi ca còn trổ ra những bóng râm tươi mát, ủi an loài chim thiên di trú ngụ sau những sải cánh tả tơi dặm trường. Thơ ông như loài thiên di hát về đường bay sinh tử ly hương đã qua, về những cái chết thảng thốt giữa không trung trên hành trình tìm nắng ấm và cả bóng hình lung linh trong niềm tín thác sẽ mang theo về cõi thiên thu… Bài thơ viết cho bè bạn, mỗi câu bảy chữ có tựa Nhìn nhau chợt thấy ra sông, núi, gợi cái không khí ngang tàng sót lại từ khí chất Đường thi, hài hước đó, mà đau đời đó. Cái sự kiêu bạc của người thiếu quê hương nhìn về núi sông đất mẹ xưa, có lẽ cũng vậy:
trong mắt bay nay vàng kỷ niệm
tao đầy gân máu nhớ quê hương
đêm đêm ác mộng còn truy kích
lạnh cẳng tao hầm nhất Biển Đông.
tụi bay muốn sống? – quên cho lẹ
mũ đỏ, đen gì… cũng đã xong
tao cam phận kiếm tô canh cặn
bay rồi cũng thế! – liệu nghe con.
sa trường mất xác. giờ đâu khác?
xương bỏ quê người, cỏ cũng chê.
Độc giả cũng sẽ gặp cái kiểu khinh bạc… rơi nước mắt ấy trong bài Thơ ở những người không tuổi trẻ:
chúng tôi lớn: nứt xương rồng, sa mạc
tìm văn chương làm hố nấp tâm hồn!
chữ với nghĩa có đâu là lối thoát
dăm đường dao, nhát cọ cũng hư, không.
Quê hương, trong hình hài một thế hệ (và nhiều thế hệ, không chừng!) từng được đan bện bằng những sợi dây giới tuyến. Nhưng quê hương cũng đủ rộng để tiêu hủy những làn ranh ấy bằng cách nuôi dưỡng trong những hồn quen mất mát một thứ tình tự nhân văn; làm nên cuộc quy hồi đớn đau mà lộng lẫy trong tâm tưởng.
Và, ở thi phẩm mới này, lững thững trở về một ông Du Tử Lê quen thuộc, gừng càng già càng cay trong những câu thơ tình. Thơ tình của bây giờ chỉ dành cho một bóng hình gần như phổ quát, là dấu chỉ tri âm mà trời sai xuống đời ông để truyền trao cho hồn thơ ông một mệnh lệnh phảng phất hư vô. Lại là một “con đường” khác, mà ông tín thác, lúc này, tuổi này:
chiều-tôi ngược dốc đời thơm kỷ niệm.
người hiện ra, thay mẹ bón tôi, vui.
vai thiên sứ, gánh đời ai vụn, nát (?)
tôi trong thơ, thổn thức những đêm, ngời.
Một dấu nối lặng lẽ với hôm qua, Sài Gòn, khi ta gặp lại một người quen cũ, đã lâu, trong câu chuyện mới.
Du Tử Lê, ông vẫn làm thơ, sống thơ.
Nguyễn Tường
Theo Người Đô Thị