Dự lễ giỗ tiền nhân Lê Văn Duyệt, nhớ về Sài Gòn xưa

Diễn ra liên tục trong 3 ngày, từ 29 đến 31/8 (nhằm 29/7, 1 và 2/8 Âm lịch), lễ giỗ Đức Tổng trấn Gia Định thành – Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt đã khiến không gian Lăng Ông – Bà Chiểu như sống lại những khoảnh khắc của Sài Gòn xưa.

Lễ giỗ Đức Ông năm này trúng vào những ngày Sài Gòn trời mưa dài do ảnh hưởng bão xa. Mưa gió có thể ngăn những bước chân du khách đến lăng khiến lễ hội không đông đúc quá mức, nhưng lại vừa đủ để những ai nhớ đến ông, tìm về. Ngôi lăng mộ trên gò đất cao của thành Gia Định xưa những ngày này được bày nhang đèn cây trái, vật phẩm… dâng lên cúng Ông, bởi đây đã là hoạt động truyền thống lâu đời của người Nam Bộ.

Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 – 1832) là bậc đại khai quốc công thần triều Nguyễn, phục vụ hai đời vua Gia Long và Minh Mạng. Qua hai lần làm Tổng trấn thành Gia Định (các giai đoạn 1812 – 1816 và 1820 – 1832), Tả quân Lê Văn Duyệt đã có công lớn giúp an định và phát triển vùng đất phương Nam, đặc biệt để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người dân Nam Bộ, được truyền đời đến nay, là những cải cách khai mở, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống người dân và bài trừ tham nhũng. Sau khi ông mất, người dân trong vùng đã lập lăng miếu thờ, gọi là Lăng Lê Văn Duyệt hay thường gọi là Lăng Ông Bà Chiểu.

Lễ giỗ Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt – nhằm ghi nhớ công lao vị quan thanh liêm đã chăm lo tốt đời sống nhân dân, có tầm nhìn xa rộng đặt nền tảng xây dựng và phát triển Sài Gòn – Gia Định nói riêng và vùng đất Nam Bộ nói chung trở nên trù phú – vốn là một hoạt động tín ngưỡng được tổ chức thường niên. Dân chúng trong thành phố và các tỉnh lân cận tới thắp hương trong nhiều ngày. Đây là dịp những người đại diện của các đình làng miếu mạo ở Sài Gòn và của xứ Nam kỳ lục tỉnh xưa tề tựu về thành kính chiêm bái dự giỗ đức Tả quân.

Tất cả các đình trong khu vực Gia Định xưa đều cử đoàn đến cúng lễ. Người đến cúng lễ đều bận áo dài khăn đóng. Trong không gian rợp cây xanh, khang trang mà cổ kính của lăng, phục trang của ban tế lễ, của người dự lễ, hành hương, như khiến người ta được sống lại với không gian xưa cũ của Sài Gòn. Những bước nghi lễ trang nghiêm, từ việc dâng hương đến đọc các bài ghi ơn công đức tiền nhân. Sau khi xong các phần nghi lễ, bao giờ cũng có các tiết mục hát tuồng được diễn ngay trong lăng. Những tích tuồng xưa được diễn liên tục trong hai ngày Tiên thường và Chánh giỗ. Người dân đi dự lễ, dâng hương các bậc tiền hiền xong, bắc ghế ngồi coi hát. Ai thích thì nán lại coi cho hết tuồng. Ai ưng đoạn nào trong tuồng thì coi xong đứng dậy, có người khác thế chỗ ngồi coi tiếp. Mà cũng chẳng phải lo hết tuồng. Vì từ gần trưa tới chiều, 2 ngày liên tục diễn tới 4 tuồng, tha hồ mà coi. Tất cả những cách thức ấy, hoạt động ấy càng khiến ngày giỗ Ông lần thứ 187 thấm đẫm không gian của những ngày xưa cũ…

L.M.Hạ

Theo 24hsongxanh.vn

 

 

Cùng chuyên mục