Du khách châu Á đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam như thế nào?
Nửa đầu năm 2019, châu Á vẫn là thị trường chính của du lịch Việt Nam, chiếm đến 77,43% trong tổng lượng khách. Theo Ngân hàng Thế giới, các thị trường nguồn chủ đạo của du lịch Việt Nam không thay đổi nhiều trong 10 năm qua nhưng tỷ lệ du khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc, phân khúc đem lại tỷ lệ lợi nhuận tương đối thấp lại tăng đột biến.
Theo Tổng cục Thống kê, không những chiếm đa số về lượng khách, trong 6 tháng đầu năm 2019, châu Á cũng là khu vực tăng trưởng cao nhất, 8,2%. Khu vực châu Âu tăng 5,5%, châu Mỹ tăng 5,2%. Tỷ lệ tăng trưởng chung của cả nước là 7,5%, tổng lượng khách đến là gần 8,5 triệu lượt. So với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng của khu vực châu Á thấp hơn do lượng khách đến từ thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm 3,3% so với cùng kỳ, còn Hàn Quốc – thị trường lớn thứ hai chỉ tăng trưởng 21,3% so với 60,7% của cùng kỳ.
Mới đây, trong báo cáo thường niên với chuyên đề đặc biệt về Phát triển du lịch tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, so với các quốc gia đang phát triển khác ở Đông Nam Á, số khách quốc tế đến Việt Nam đã lên sát mức hàng đầu trong khu vực. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là các thị trường nguồn chủ đạo không thay đổi nhiều trong những năm qua nhưng tỷ lệ du khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc – phân khúc đem lại tỷ lệ lợi nhuận tương đối thấp lại tăng tăng đột biến.
Trong giai đoạn 2015-2018, thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 43% trong khi các thị trường nguồn khác xoay quanh 10%. Xu hướng này làm tổng lượng khách tăng mạnh nhưng du khách đến từ hai thị trường này có xu hướng lưu trú ngắn hơn so với du khách từ châu Âu, Mỹ, riêng khách Trung Quốc thì chi tiêu mỗi ngày tương đối ít.
Vì thế, sự thay đổi trên làm giảm tổng tỷ lệ lợi nhuận kinh tế của du khách quốc tế đến Việt Nam, với bằng chứng là mức chi tiêu bình quân hàng ngày của du khách cơ bản không tăng, ở mức 96 đô la Mỹ. Thời gian lưu trú bình quân giảm, từ 11,3 ngày của năm 2013 xuống còn 10,2 ngày của năm 2017.
Đâu là những thị trường lớn nhất trong khu vực châu Á? Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019 có 7 thị trường có hơn 100.000 lượt khách. Đó là, Trung Quốc với hơn 2,48 triệu lượt, Hàn Quốc hơn 2 triệu lượt, Nhật Bản hơn 455.000 lượt, Đài Loan hơn 430.000 lượt, Malaysia hơn 298.000 lượt, Thái Lan hơn 245.000 lượt và Singapore hơn 144.000 lượt. Trong đó, Thái Lan là thị trường tăng trưởng cao nhất, tăng đến 45,4% trong nửa đầu năm nay.
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, với việc xúc tiến quảng bá, bên cạnh những thị trường trọng điểm, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh xúc tiến tại thị trường ASEAN, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động xúc tiến tại thị trường này đồng thời cùng các địa phương xây dựng sản phẩm phù hợp cho du khách ASEAN.
Đào Loan
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn