Đồng tiền nào mà chẳng hai mặt
Tiểu thuyết Đồng tiền hai mặt là một trong những tác phẩm tiểu biểu nhất của Nguyễn Khắc Mẫn. Nó đầy tính nhân văn và giản dị, nhưng lại bị vùi sâu trong bụi mờ lịch sử, mới đây được Sách Tao Đàn phục dựng lại, dựa trên bản in năm 1941.
“Văn dĩ tải đạo” – đó là điều mà các cây bút có tâm với đời luôn luôn trăn trở. Là một nhà giáo, cố nhà văn Nguyễn Khắc Mẫn (28/08/1905 – 05/10/2002) càng khắc ghi nhớ điều đó trong lòng và gắng sức truyền tải cái hay cái đẹp đến với đông đảo quần chúng qua những tiểu thuyết và truyện ngắn của mình.
Sự nghiệp của Nguyễn Khắc Mẫn gồm ít nhất 8 tiểu thuyết, 9 tập truyện dài, 9 tập truyện ngắn. Thế nhưng ông nổi tiếng muộn màng, trong giai đoạn quá độ, trước thời điểm cách mạng, cùng thời với Nam Cao, Trần Đăng… Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khắc Mẫn gắn liền với cuộc sống lam lũ của các làng quê thời phong kiến với ngòi bút thành thực và giản dị. Ông từng được giải thưởng của Tự lực văn đoàn và Hội Văn nghệ Việt Nam.
Tiểu thuyết Đồng tiền hai mặt là câu chuyện xoay quanh thứ thế lực to lớn thường được ví như tiên, như Phật – đồng tiền. Ai cũng biết: Xã hội càng phát triển, đồng tiền càng có vị thế.
Nó có thể như Phật từ bi mang lại hạnh phúc ấm no, nhưng đồng thời cũng có thể là con dao hai lưỡi, biến thành “tiên ác” khiến nhân gian thất cách, đổi trắng thay đen, tha hóa đạo đức, xoay chuyển lòng người.
Đồng tiền chỉ là đồng tiền nhưng cũng là thế lực vạn năng khiến nhiều người mù quáng lao vào mà bất chấp tất cả – tình nghĩa, trách nhiệm, nhân đức cũng thành hư vô.
Ta đã thấy bao cảnh bội phản, phi nhân, bạo lực, giết chóc bởi những con thiêu thân lao thẳng vào ngọn lửa tiền bạc. Rốt cuộc mấy ai có thể làm chủ được đồng tiền, coi khinh nó, bắt nó phải theo ý mình, dùng nó để làm đẹp cho đời?
Liệu đồng tiền sẽ giúp con người ta bay cao, bay xa với những ý muốn nhân từ quảng đại hay sẽ ghì chặt đám nô lệ thấp hèn của mình xuống vũng bùn tham lam và ti tiện?
Miêng – chàng nhân vật chính của Đồng tiền hai mặt sẽ giúp bạn thấy rằng cái thiện vẫn còn và sẽ chiến thắng, rằng đồng tiền không phải lúc nào cũng là quỷ dữ mà cũng có thể trở thành thiên thần hộ mệnh, cứu nhân độ thế.
Từ một cậu ấm miền quê với gia tài trong tay và một vị hôn thê xinh đẹp, đáng ngưỡng mộ, chỉ sau một trận lụt, Miêng đã mất tất cả – gia đình, của cải và cả tình yêu. Không còn chốn nương thân, Miêng gắng sức dệt lưới, sắm lấy cái thuyền cá, mộng một ngày lại có căn nhà nhỏ chui ra chui vào, tích được chút vốn liếng để giành lại Vân – cô gái đã có đính ước với chàng.
Thế nhưng số phận trớ trêu, Miêng lại một lần nữa tay trắng. Lại biết tin cha Vân định gả nàng cho một mối tốt, chàng nhận ra cái đắng cay của kẻ nghèo và sức mạnh thay đổi lòng người của đồng tiền. Miêng quyết tâm rời làng, đi xa lập nghiệp, đến khi giàu có mới quay lại.
Chàng quyết tâm làm giàu, nhưng là để khinh bạc đồng tiền, để xem nó có tha hóa được mình hay không. Trải qua bao nhiêu kham khổ, chịu bao lừa lọc, dối gian, băng qua biết bao nghề từ phụ hiệu thuốc, chôn tiểu nhi, làm hoa, buôn bán, chụp ảnh… Miêng cũng gây dựng được sản nghiệp cho mình còn cái lòng thiện lương cũng không hề thay đổi.
Chàng trở về quê cũ, nhưng không phải để trả thù như bá tước Monte Cristo mà là để cảm hóa lòng người, làm những điều cao đẹp cho nơi chôn rau cắt rốn. Miêng tâm niệm: “Nếu đồng tiền có sức mạnh làm cho người ta trở nên kiêu ngạo, khinh bạc, dễ thay lòng đổi dạ, thì nó cũng rất có thể giúp cho người ta có những ý tưởng cao xa, làm toại được những ý muốn nhân từ quảng đại”.
Và Miêng đã dùng những đồng tiền xương máu của mình để xây giếng, xây trường cho làng, xây ấu trĩ viên (nhà trẻ) cho những người nghèo. Còn Vân – vị hôn thê của chàng, sau bao năm xa cách, vẫn chung thủy đợi chờ, dù bị cha quở mắng, đánh đập vẫn kiên tâm. Hai người cùng dắt tay nhau đi trên con đường hạnh phúc.
T.Đ.