Doanh nghiệp dệt may chinh phục người tiêu dùng
Tỷ lệ người tiêu dùng tin dùng hàng Việt đã tăng cao nhưng để giữ vững niềm tin này trước làn sóng hàng ngoại ồ ạt vào Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) dệt may đã không ngừng cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Hiện nay, khái niệm “hàng Việt Nam” đã định hình trong tâm trí người tiêu dùng nhưng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, người tiêu dùng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa. Để đáp ứng đòi hỏi này, thời gian qua, các DN Việt Nam đã liên tục đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm…
Trong lĩnh vực dệt may, nội địa là thị trường lớn khi sức mua lên đến 4-5 tỷ USD/mỗi năm. Thế nhưng, những năm gần đây, thị trường này đang bị các thương hiệu nước ngoài khai thác, đặc biệt là phân khúc cấp cao. Theo chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang, kinh doanh nội địa của ngành may mặc năm 2018 gặp không ít khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu thời trang ngoại liên tục vào Việt Nam. Các thương hiệu này có thiết kế nhanh theo mùa, hợp thị hiếu giới trẻ và sản xuất với thời gian rất ngắn nên khi thị trường có nhu cầu là họ sẵn sàng có sản phẩm.
Làm gì để tiếp cận, khai thác thị trường nội địa hiệu quả là vấn đề cấp bách của các DN trong nước. Bởi thế, ngay từ đầu năm 2019, các DN Việt đã quyết tâm “giành lại chỗ đứng” và tăng thị phần ngay tại thị trường nội địa bằng cách đầu tư công nghệ mới, thiết kế, tăng cường quảng bá, phát triển mạng lưới phân phối, bán hàng qua kênh thương mai điện tử…
Điển hình là Tổng công ty 28. Ngay từ đầu năm 2019, DN này đã tập trung khai thác phân khúc khách hàng nam từ độ tuổi 25 trở lên, có mức thu nhập trung bình khá tới cao cấp, song song với việc xây dựng hệ thống phân phối trên khắp cả nước. Nhờ vậy đã bước đầu có chỗ đứng trên thị trường. Theo đại diện của Tổng công ty 28, bên cạnh chiến lược phát triển hệ thống kênh phân phối, Tổng công ty còn dành nguồn ngân sách hơn 50 tỷ đồng để đầu tư thêm máy móc công nghệ hiện đại. Ngoài ra, DN còn tận dụng sức mạnh công nghệ số để quảng bá, hợp tác với các sàn thương mại điện tử để tăng thị phần. Nhờ những phương cách này mà độ phủ sản phẩm mở rộng hơn và người tiêu dùng cũng biết nhiều hơn đến thương hiệu.
Cũng như thế, Công ty CP Phong Phú liên tục giới thiệu các sản phẩm mới đến người tiêu dùng. Với thế mạnh dệt may, Phong Phú cho ra đời các loại khăn và sợi lapyarn với tính năng vượt trội. Không chỉ sản xuất khăn mặt, Phong Phú phát triển mạnh các dòng sản phẩm thời trang như quần áo, váy, vest, các sản phẩm dệt kim. “Nhằm mở rộng thị phần, công ty liên tục đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm, thực hiện các chương trình khuyến mãi, tri ân khách hàng… cũng như phát triển các hoạt động kinh doanh online và chiến dịch digital marketing”, đại diện Tổng công ty Phong phú cho biết.
Được định vị là thương hiệu hàng thời trang cao cấp của Việt Nam, Công ty may thêu giày An Phước tăng cường đầu tư trang thiết bị sản xuất, cải tiến chất liệu sản phẩm cùng với việc phát triển hệ thống phân phối trên toàn quốc. Hiện An Phước được xem là DN có số lượng cửa hàng cao cấp trong các khu mua sắm nhiều nhất trong số các DN may mặc Việt Nam với gần 130 cửa hàng. Bà Nguyễn Thị Điền – Tổng giám đốc Công ty May thêu giày An Phước cho biết, không chỉ kinh doanh sản phẩm dành cho khách hàng trung lưu với hai thương hiệu An Phước và Pierre Cardin, An Phước còn tập trung vào các sản phẩm đặc trưng dành cho phụ nữ với thương hiệu Anamai và Bonjour.
Trong cuộc đua giành lại thị trường, hồi giữa năm 2019, Tổng công ty Đức Giang đã khai trương cửa hàng thứ 21 cho thị trường nội địa. Điều đáng nói là những sản phẩm bán tại đây mang thương hiệu Paul Downer, DGC, HeraDG, S.PEARL… được đội ngũ thiết kế làm riêng cho thị trường nội địa. Sản phẩm dành cho cả nam và nữ, ở phân khúc trung lưu. Theo chia sẻ của ông Phạm Tiến Lâm – Tổng giám đốc Tổng công ty Đức Giang, lâu nay thương hiệu này nổi tiếng về xuất khẩu nhưng còn xa lạ với thị trường nội địa. Vì thế, Đức Giang phải đẩy mạnh việc thâm nhập thị trường nội địa bằng việc phát triển đội ngũ thiết kế. Mỗi tuần công ty sẽ cho ra mắt hàng trăm mẫu thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Mới đây, giữa tháng 10/2019, Tổng công ty Việt Tiến đã khánh thành Trung tâm Dương Long R&D với tham vọng sẽ thiết kế mẫu nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cùng với trung tâm nghiên cứu sản phẩm, Việt Tiến cũng ra mắt trang thương mại điện tử www.estore.viettien.com.vn, đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm nhanh, linh hoạt cho khách hàng cả nước. Theo đại diện của Việt Tiến, với định hướng đa dạng chủng loại sản phẩm, thỏa mãn tối đa xu hướng thời trang theo phong cách, cá tính riêng của mỗi khách hàng, Việt Tiến sẽ hướng đến dịch vụ may đo theo yêu cầu thông qua cửa hàng Viettien House và trang thương mại điện tử; tạo ra những thiết kế riêng biệt, sản xuất đơn hàng nhỏ, linh hoạt và giao hàng trong thời gian ngắn. Không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước, DN này đang xây dựng sàn thiết kế, mẫu mã, nguyên phụ liệu và cung cấp mẫu mã, đáp ứng nhanh các yêu cầu của khách hàng trên toàn cầu.
Thanh Ngân
Theo doanhnhansaigon.vn
Link nguồn: https://doanhnhansaigon.vn/thoi-su-trong-nuoc/doanh-nghiep-det-may-chinh-phuc-nguoi-tieu-dung-1095827.html