Dính bẫy “lò làm đẹp”

Các than phiền về ngành làm đẹp chủ yếu xoay quanh việc tư vấn quá lố về hiệu quả, cũng như sự đu đeo bám dính quá dai dẳng của nhân viên tư vấn – những người sẽ làm mọi cách để khách hàng ký tên đồng ý chi trả cho một hoặc hai gói làm đẹp. Hoặc ba. Hoặc bốn. Càng nhiều càng tốt...

Thật vậy, các nhân viên tư vấn tại các thẩm mỹ viện lúc nào cũng làm việc nhanh nhẹn chóng vánh, đôi khi hung hăng, chen lấn, nói xấu hoặc giành giật nhau để được tư vấn và chốt khách. Nhiều nhân viên tư vấn còn theo khách hàng đến tận cây ATM hoặc hộ tống khách về tận nhà để lấy tiền, phòng khi khách hàng đổi ý không muốn thực hiện dịch vụ.

Tháng 10 năm ngoái, M.C đã ghé một spa làm đẹp 5* có tiếng và gắn mác international trong thành phố, với gương mặt đại diện là một nghệ sĩ hạng A của Việt Nam. Trong suốt thời gian thực hiện cũng như lúc ngồi nghỉ sau liệu trình, nhân viên tư vấn liên tục trình bày ưu điểm của phương pháp làm đẹp độc quyền mà chỉ ở đây mới có, chê bai nơi khác kém chuyên nghiệp, thuốc men không cao cấp, bác sĩ không chuyên khoa như tại đây… Đồng thời hối thúc M.C mua gói 20 buổi với giá 2.800 đô la, nếu M.C để lại 10 số điện thoại của bạn cô thì sẽ được giảm giá thêm.

M.C lần khần chưa quyết định sẽ mua gói, vì ngoài trang trí nội thất đẹp đẽ thì M.C chưa thấy phương pháp ở đây có gì đặc biệt.

Câu chuyện của M.C không phải là ít gặp và duy nhất. Ngành công nghiệp làm đẹp những năm gần đây đã liên tục được xếp hạng là một trong số ba ngành có nhiều khiếu nại nhất và hỗn tạp nhất.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thời buổi 4.0 cái gì không có, chứ thông tin là luôn luôn có. Tại sao vẫn có nhiều người bị lừa và phàn nàn không dứt về ngành làm đẹp?

Hầu hết các cơ sở làm đẹp tồn tại được là nhờ bán các dịch vụ theo gói (ví dụ gói trị nám, trị mụn 10 lần, triệt lông 10 lần…). Việc bán gói quan trọng tới nỗi họ sẵn sàng tặng không cho khách những dịch vụ giá trị lên đến vài triệu hoặc vài chục triệu (???), để việc thuyết phục mua trọn gói sau đó diễn ra dễ dàng hơn và mượt mà hơn (dù không rõ khách mua gói vì hiệu quả, hay vì… tâm lý “ngại do đã xài miễn phí của người ta, mà không mua thì kỳ quá”. Ngành làm đẹp đã phát triển theo hướng, mà mọi nhân viên (từ tư vấn viên, đến bác sĩ, đến kỹ thuật viên, đến cả hộ lý và bảo vệ) đều cần phải cố gắng hết sức bám lấy khách hàng và “bào tiền” con mồi của mình thông qua nhiều cách. Nếu không, họ sẵn sàng bôi nhọ cơ sở khác, với hy vọng rằng mình không ăn được thì thẩm mỹ viện khác cũng đừng hòng ăn. Nhân viên tư vấn thường xuyên được huấn luyện cách thức làm sao tạo áp lực lên khách hàng thông qua “chương trình chỉ diễn ra 3 ngày”, “chị cần phải cọc trước, để giữ suất, không thì khách hàng khác sẽ được”, “chị mua 10 lần sẽ giảm giá 50-70% gì đó so với mua lẻ từng lần”, hoặc “nếu chỉ thanh toán một lần, chị sẽ được giảm thêm 5% hay 10%” (vì chắc hẳn là nếu đã đóng hết tiền, khách sẽ khó lòng bỏ đi). Về phần khách hàng, với tâm lý: không làm thì thôi, còn đã làm thì làm cho hoàn thiện đẹp hẳn, khách sẽ rất dễ dàng mua gói lớn cốt làm sao được hưởng ưu đãi cao nhất. Đúng vậy, tại sao chị em phụ nữ lại có thể từ chối một đề nghị có vẻ quá tốt như vậy? Viễn cảnh mà khách hàng được vẽ ra là trả tiền một lần nhưng lợi đến nhiều năm sau đó. Nhưng rất ít khách hàng thực sự làm hoàn thiện các gói mà họ đã mua. Họ thường ngưng liệu trình ngang hông nửa chừng – hoặc thậm chí ngưng chỉ sau 3 hoặc 5 buổi. Lý do? Vô vàn!

Có dấu hiệu nào cảnh báo chị em nên biết không? Có, các voucher khám và chăm sóc free, hoặc chương trình giảm giá đến hơn 70%…

Một số chị em luôn lắc đầu nguây nguẩy từ chối những voucher miễn phí hoặc giảm giá, vì họ biết, điều đang chờ họ không phải là một buổi thư giãn và nuông chiều bản thân. Vì thời điểm mà họ bước vào, họ (và cả những nhân viên tư vấn) đều đang ở trong tình trạng căng thẳng. Người bước vào thì sợ bị lừa, người đang nở nụ cười chào đón thì trong não đang ngập tràn những suy nghĩ làm sao để khách chi trả thêm một khoản gì đó (dù ít dù nhiều). Thậm chí trong quá trình bạn đang nằm phè lên giường và rất muốn cảm nhận sự thư thái khi chăm sóc da, thì nhân viên bán hàng có thể đến đứng bên cạnh – “bạn đang mơ mộng được yên tĩnh sao? Ngây thơ quá vậy?” – và cố gắng chỉ ra cho bạn thấy bạn già và xấu đến cỡ nào, và nếu không làm gì đó để cải thiện tình hình, bạn có thể sẽ gặp gì đó kém may mắn trong tương lai (ví dụ: chồng chê, chồng có bồ, cuộc sống buồn bã, phong thủy không hợp vận…).

Kể cả khi cơ sở làm đẹp cung cấp cho bạn một gói rất rẻ, rẻ như thể là họ chẳng lấy tí tị tì ti lợi nhuận nào từ bạn cả, thì luôn có một nguy cơ lớn rằng họ sẽ bán-một-thứ-gì-đó-khác với điều họ nói (ví dụ: dùng thuốc rẻ thay vì thuốc xịn, và đổ thừa là do cơ địa khi hiệu quả không có).

Nói cho ngay, ai cũng có quyền làm đẹp. Nhưng ngành làm đẹp vốn dĩ được sinh ra là phục vụ cho người có kiến thức nhiều và có kinh tế dư dả một chút. Có kiến thức để hiểu nhân viên tư vấn đó đang nói gì, miệng họ nói sóng RF- sóng siêu âm – sóng Hifu nhưng họ có thực sự hiểu chúng khác… sóng biển và sóng điện thoại ở chỗ nào không? 😀 Có kiến thức để biết thuốc sắp dùng là chính hãng hay là đồ đểu (fake) và yêu cầu khui thuốc ngay trước mặt, có kiến thức để nhìn xem ở đây tư vấn mình căng chỉ nhưng có đèn cực tím khử khuẩn không…

Một số chiến thuật được sử dụng bởi các cơ sở làm đẹp là gì?

Các chiến thuật được thay đổi liên tục mỗi tháng, thậm chí vài tuần một lần như cách các nhà quân sư tương kế tựu kế hành quân đánh giặc. Nó có thể là trưng ra thật nhiều hình before – after (hình trước và sau thực hiện), nhưng… đã qua photoshop để làm khách thích thú đến phát lú và tin vào một phép màu. Hoặc, có thể là sử dụng những người nước ngoài (bằng cấp không rõ) tư vấn cho có dáng dấp quốc tế dễ bề hét tiền, hoặc những chiêu đơn giản như là tách bạn ra khỏi người đi cùng, đặng dễ rót lời mật ngọt vào tai bạn mà không có sự can gián từ người thân…

Bí quyết trừ “tà”: khi gặp áp lực phải thanh toán từ nhân viên tư vấn (có những nhân viên hối thúc bạn thanh toán, sẵn sàng đưa bạn về tận nhà hoặc chở bạn ra ngân hàng để rút tiền. Một chi tiêu khôn ngoan cần được suy xét trung bình 2 – 3 ngày, và thật đáng sợ khi phải quyết định một điều gì đó trong chớp nhoáng và sau đó cứ mãi luẩn quẩn giấu giếm vì không biết mình làm vậy là đúng hay sai. Hãy nhớ: bạn luôn có quyền dừng lại và bỏ đi. Đừng đưa tiền của bạn quá dễ dàng. Luôn nhớ rằng trước khi bạn đưa tiền, quyền lực sẽ thuộc về bạn. 

Chúc các bạn luôn đẹp!

Bác sĩ Minh Thư – Chuyên khoa I Da liễu – Thẩm mỹ

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục