Đoá hồng môn đầy máu chảy
Đọc tập thơ Anh chỉ là sực nghĩ của em thôi của Nguyễn Thị Thanh Lưu (Domino Books và NXB Văn học, 1/2019). Đây cũng là tác giả của cuốn tự truyện Làm dâu nước Mỹ gây ấn tượng một thời.
Anh, tình yêu, thời gian, và đổ vỡ, những ngờ vực. Đó là tập thơ của nàng thơ bikini Nguyễn Thị Thanh Lưu. Lưu xuất hiện dồn dập không ý tứ, cào xới chữ nghĩa không ngại ngùng như nàng xuất hiện giữa trời đất, thiên nhiên, giữa cơ thể và tự do, giữa tinh thần và vũ trụ.
2 phần của tập thơ cuốn chúng ta đi vào những ngữ nghĩa của những tâm trạng, tổn thương, tự cào xới. Lưu cố thoát ra để kết lại thành tên những phần nhưng những tiêu đề đó sẽ bị lãng quên ngay sau đó bởi những bài thơ với những tầng sâu khác.
Đọc thử xem, em khoá chặt, em im lặng, em sẽ tin anh, em mở toang em…. Anh và tình yêu trong thơ của Lưu chỉ là ước lệ, là nhân vật để Lưu trút tình đời vào đó những tâm tư, chuyện kể. Không phải là một nàng thơ có thật, dù chỉ là sực nghĩ đến và vút đi rất nhanh… để lại những trầm tích. Trầm tích của đời, của nhân gian, của vạn vật đổi thay mà nàng cứ phải nhìn, chứng kiến trong xót xa.
Lưu chạm vào thơ bằng Thơ phản thơ, Thơ trước biển, Nàng thơ, Bài thơ thời gian… Thơ là tri âm của Lưu nhưng lại chính là ngờ vực của nàng. Phải chăng, thơ ca vũ trụ đầy thị phi và trí trá. Phải chăng, đứng trước thơ con người có những ngã rẽ tự phân thân?
Lưu có cả trách nhiệm của người viết và người đọc, trách nhiệm của người đứng nhìn, quan sát. Đọc thơ của Lưu như phảng phất bóng giai nhân xưa như nhìn thấy những không gian, thời gian khác của thời hiện tại.
Thơ của Lưu có đủ tất cả sự hấp dẫn của ý, của ngôn ngữ và của tình thơ. Sự hấp dẫn lôi cuốn từ chính tác giả, một người viết và đam mê văn chương từ rất sớm. Bạn cầm trên tay một tập thơ với những phụ bản do chính nhà thơ vẽ để kể một câu chuyện khác bằng nét bút khác, hình khối khác. Nàng ở đó. Hiển hiện như hư không.
Những tuyệt vọng, thở dài. Dù là cái thở dài trong thi ca thôi cũng đủ chạm vào lòng bạn đọc những khắc khoải, trống vắng, những khát khao có thật. Ở ngoài kia, trên những con sóng, những đường biên… hay một vệt nắng chiều, của mùa thu đang vội vã qua nhanh. Lưu bắt được những thần thái đó trong từng khoảnh khắc như những thiên thu chôn vùi, cất giấu. Thơ đến với nàng. Giải thoát nàng. Nền tảng văn học và sự hiểu biết văn chương như một tấm thảm mosiac mà Lưu có thể trải trên đó những sắc màu tâm trạng.
Tâm trạng của nữ quyền đòi hỏi yêu thương, tâm trạng của chịu đựng chấp nhận. Lưu không có cái tha thiết tận hiến mà nàng dửng dưng, vô ý đánh rơi nó hoặc bỏ nó qua đi. Anh, em cứ đi, mùa rỗng tuênh…. Và cái sực nghĩ ấy như một vòng đời, một lô-gíc hiển nhiên. Cứ tưởng như đắm chìm nhưng không, nàng tỉnh mộng, dứt khoát.
Có lẽ, đó là một điểm khác biệt lớn của thơ nữ thế hệ chúng tôi, thoát khỏi những vô thức nô lệ trong tình yêu, trong bản thể của người phụ nữ, thoát khỏi những mong đợi, ngóng trông. Chúng tôi nhìn thấy rõ, tình yêu hay hình bóng của người đàn ông, dù chỉ là người đàn ông trong thi ca, hay người đàn ông như một cơn choáng váng mộng mị… và chàng chỉ là một trong những người dẫn chuyện để kể những dòng chảy khác của đời sống đa dạng hơn, nhiều sức sống hơn trong những tàn lụi, mục ruỗng, mất mát.
Trong tập Lưu có 2 bài nói về cây, cây là anh như một biểu tượng và cây là cây những hàng cây bị chặt như phần hồn của phố của bị mất đi, như Sài Gòn của tôi không còn nữa sau vài năm. Cây trong tâm khảm của những người di chuyển như Lưu không chỉ là cái đời sống thời sự mà chính là sự quan tâm đến thiên nhiên, đến mẹ trái đất, đến tương lai mà chúng tôi nhìn thấy rõ những mất mát, mất mát từ di sản, từ những giá trị. Trong thơ của Lưu có những góc dành riêng cho những tinh thần ấy, vượt khỏi không gian ngôn ngữ nơi cô đang sống, nó trở thành câu chuyện của thời đại.
Tôi tự hỏi, nếu để quay lại thời gian ấy hay một thời gian khác, liệu Lưu có còn những cảm thức như trong tập thơ đầu tay này không? Anh chỉ là sực nghĩ hay đoá hồng môn đầy máu chảy giữa Sài Gòn náo động. Sự bình yên của nơi ấy đã biến mất cùng những hàng cây, những màu xanh. Và Lưu vẫn ngược xuôi nhìn và thấy, chạm vào những câu chuyện khác trên toàn cõi nhân gian với thi ca.
Đọc thơ Lưu để nhìn thấy một đời sống khác, cách nhìn khác của một thế hệ tự do và cởi mở trong những khuôn khổ, giá trị còn được gìn giữ chứ không phải sự bung ra những mảng vỡ của hoang mang và lạc lối. Giữa những ngờ vực, thi ca của Lưu vẫn giữ cho mình một vị thế, vị thế của những giá trị nhân bản, của tình nhân loại, của những câu chuyện riêng nhìn thấy ở những tầng sâu khác thành câu chuyện chung, câu chuyện về tình người đi về đâu, thơ còn vị trí không….
Dù nó không phải là cứu cánh trần gian hay thánh đường nhưng thi ca đã dành cho Lưu một chỗ đứng để viết, chia sẻ, trần mặc. Nghệ thuật, hơn tất cả những tranh cãi, mới hay cũ, cách thức thể hiện, thì cái còn lại nhất là đi vào lòng bạn đọc, có một sự tồn tại nhất định, đó là những gì thi ca hiện đại đang một phần trở về của thời cổ điển hay tìm lại chính những cơ bản nguyên xưa loài người mong đợi, tìm thấy.
Tập Anh chỉ là sực nghĩ của em thôi có đầy đủ những điều ấy cho sự thơ, cho bạn đọc, cho sự giải thoát của chính tác giả để tìm thấy những gì còn lại, hay một sự trưởng thành tiếp theo.
Hãy đọc thơ Lưu để thưởng thức những thi hoạ của chính tác giả, một cõi nhân gian người có thực, trong mơ và hiển hiện. Nguyễn Thị Thanh Lưu là tiến sĩ văn học, sinh năm 1983, từng công tác tại Viện Văn học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Như Quỳnh de Prelle