Định viết vài tập sách cho người Mỹ “biết tay” rồi nghỉ!
Mục đích ban đầu của nhà thơ lê thị diễm thúy (chị không bao giờ muốn viết hoa tên của mình) là viết vài tập sách cho độc giả Mỹ biết tâm sự của người Việt là như thế nào, rồi thôi. Nhưng nghiệp cầm bút, có dễ thôi là thôi, khi mà nữ sĩ này có thể viết ra những điều mới lạ, thu hút, ít giống ai, không chỉ nói nỗi lòng của người Việt, người Mỹ, mà còn là tiếng nói của bất kỳ ai, dân tộc nào đang bị vong hóa.
Tiểu thuyết The Gangster We Are All Looking For (tạm dịch: Gã du đãng mà tất cả chúng ta lùng kiếm) xuất bản năm 2001, bán khá chạy tại Mỹ, tạo nên những tranh luận, bản dịch sắp xuất bản tại Việt Nam. Trong rất nhiều giải thưởng và tài trợ mà lê thị diễm thúy đã nhận, có Guggenheim Fellowship (2004), USA Fellowship (2008)…
Đọc tiểu thuyết này và quan sát thái độ độc giả tại Mỹ, nhà nghiên cứu Trần Hữu Dũng từng nhận định: “Rất tiếc là nhiều độc giả ngoại quốc (nhất là Mỹ) đến với nhà văn (gốc) Việt hiện đại với đòi hỏi ở tác giả một thông điệp nào đó về chiến tranh, thậm chí về chế độ. Nhiều nhà phê bình Mỹ đã đọc qua lăng kính này, và cho rằng, so với các tác giả Mỹ, cái đặc sắc của diễm thúy là ở chỗ cô cho thấy người Mỹ là phụ thuộc trong đời sống của đông đảo người Việt. Tuy đó là lời khen, nhưng nó phản ảnh một cách đọc quá chủ quan dân tộc, quá kẻ cả. Không nên đọc và đánh giá đây như một tác phẩm về Việt Nam, càng không phải một tác phẩm về Mỹ và Việt Nam. Nó là tác phẩm về một nhóm người bị bứng rễ từ một văn hóa này sang một văn hóa khác, là một quyển tiểu thuyết chiến tranh phi chiến tranh”.
Một tự sự về vong hóa
Tác phẩm không hề chú tâm đến ký ức Việt, càng không là một diễn ngôn cho thực tại mới tại Mỹ, dù hiện thực trong nó dễ làm người đọc có thể suy diễn chệch như vậy. Về cốt truyện, nó đơn giản là câu chuyện cha và các con đến Mỹ trước, chờ mẹ và các con đến sau. Nhưng nó là một hiện thực phi hiện thực, để chỉ tập trung viết về sự vong hóa, khi bất kỳ ai phải sống xa nơi chôn nhau cắt rốn, sống xa quê hương của mình. Đề cập về tác phẩm của mình, lê thị diễm thúy nói: “Tôi chỉ tập trung vào các nhân vật. Đối với tôi, cái gì xảy ra không hệ trọng bằng nó xảy ra với ai và như thế nào. Nếu không như vậy, tôi cho rằng hiện thực khổ đau của con người có nguy cơ trở thành trừu tượng”.
Điều quan trọng là phải xem tầm mức và giá trị của con người trong các sự kiện lịch sử và biến cố/ hiện tượng (chiến tranh, hoàn cảnh của người tị nạn, lưu vong…). Nếu không có đủ quy mô nhân lực, các cách thức liên lạc giữa con người và các biến cố ấy, chúng ta không thể hiểu lịch sử đã diễn ra với những người cụ thể, ở những nơi cụ thể và trong từng thời điểm cụ thể là như thế nào. Ngay cả người thờ ơ, với đại tự sự của lịch sử thì dễ nhận ra, còn các tiểu tự sự lịch sử, dù chú tâm, cũng dễ bị lướt qua, bị thất lạc.
Nhà văn Vincent K. nhận định đây là tác phẩm “khám phá tác hại của việc thiếu giao tiếp khi đối mặt với chấn thương. Khi ba và – ở một mức độ thấp hơn – mẹ của người kể chuyện từ chối nói trực tiếp về những sự kiện đau buồn trong quá khứ của họ, lê thị diễm thúy nhấn mạnh những thiệt hại mà họ đang gây ra đối với các giác quan của người kể chuyện về danh tính và địa điểm bằng cách làm nổi bật sự im lặng xung quanh người kể chuyện”. Mà lịch sử loài người, nói một cách hình tượng, là cuộc lùng kiếm gã du đãng bị bật ra khỏi gốc rễ, lịch sử là ký ức của vong hóa.
Còn với cây bút Maggie Gee của tờ Independent thì: “Nếu bạn không thường xuyên đọc những cuốn tiểu thuyết đầu tay, hãy dành một ngoại lệ cho tác phẩm ngắn gọn, đặc sắc này, vì nó tái hiện trong một bức tranh ghép được tạo hình khéo léo về cuộc sống của một gia đình Việt Nam với tư cách là thuyền nhân đến Mỹ. Nó phân chia, giống như cuộc sống của chính gia đình họ, thành hai nửa, mỗi nửa bao gồm các mảnh vỡ sinh động, mỗi phần kể một chuyện khác nhau, với hình ảnh là nước chảy xuyên suốt”.
Tác giả đã thành công trong việc đại diện cho bản sắc không ổn định của mình, với sự dịch chuyển và bất ổn. Trên thực tế, trong thế giới đó, cô ấy cũng có thể là chính mình, mà cô ấy cũng có thể là bất kỳ ai còn muốn ở với tất cả những ký ức ám ảnh và những xung đột nội tâm vĩnh viễn.
Một câu chuyện về biểu tượng nước
Paul Baumann của tờ The New York Times nhận định: “Một câu chuyện quen thuộc về sự ngược đãi, bi kịch và quyết tâm gan góc tạo thành bộ xương của cuốn tiểu thuyết này, nhưng bản thân câu chuyện lại bộc lộ một cảm giác đặc biệt, đậm chất thơ, gần như thanh tao. Trong tiếng Việt, ”chúng ta được báo cho biết ngay trong sách, từ chỉ nước và từ chỉ dân tộc, đất nước, quê hương là giống nhau, đều có thể gọi là nước. Và nước có nghĩa đen và nghĩa bóng ở khắp mọi nơi trong câu chuyện được lắp ráp rất tỉ mỉ này. Nó vừa là dấu hiệu vừa là biểu tượng: về quá khứ, về bản sắc, về những gì hợp nhất và phân tách nhân loại, về khởi đầu và kết thúc của cuộc sống, của ý thức hệ”.
Paul Baumann viết thêm: “Nhìn bề ngoài, đây là một sự cố hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, cách sử dụng ngôn ngữ khéo léo của lê thị diễm thúy cảnh báo cho chúng ta một ẩn ý mạnh mẽ. Hơn cả sự bạc bẽo của người chủ nhà, người mẹ đang than thở cho sự thất thường của số phận mình. Chính việc nhập cư đến Mỹ đã lấy đi tầm nhìn của bà ấy về nước, bao trùm lên quá khứ của bà ấy, cắt đứt mối liên hệ của bà ấy với gia đình, cộng đồng, quê hương – với các thiết thân khác. Chúng ta cũng không được phép quên rằng hai đại dương lân cận đã tách bà ra khỏi kết nối với hàng ngàn ngôi làng ven biển, nơi bà lớn lên và lập gia đình, nơi đứa con của bà đã được sinh ra và cha mẹ nay vẫn còn đó”.
Tiểu thuyết này được cấu thành khá tình cờ, vì lê thị diễm thúy là một nhà thơ, lúc ấy chưa có suy nghĩ sẽ viết một tiểu thuyết. Chị cho biết: “Đầu tiên, tôi đã viết truyện ngắn Gã du đãng mà tất cả chúng ta lùng kiếm, sau đó, tôi thích câu chuyện này thành một phần của hiệu ứng gọi là Mùa Hè đỏ lửa. Việc thực hiện này lấy sự tường thuật là chính, nó kể về sự lạc mất hình ảnh của một gia đình, mà khi cất nhắc và hình tượng nó lên, nó đã cho ta những tiếng nói không xác định, gián tiếp phản ánh về cuộc chiến của Việt Nam và Mỹ, cùng những hậu quả của nó. Sau đó thì tôi lại viết một cuốn tiểu thuyết, bao gồm năm chương, mà chương ba có tên là Gã du đãng mà tất cả chúng ta lùng kiếm. Bạn thấy không: ấy là một vòng tròn”.
Khi được hỏi điều gì quyết định trở thành nhà văn? “Chưa bao giờ tôi muốn trở thành một nhà văn. Những gì tôi muốn, kể từ khi tôi còn là một đứa trẻ và lần đầu tiên học đọc, là được sử dụng các từ. Đọc vừa là một thử thách vừa là một niềm an ủi, những câu chuyện là thế giới mà tôi có thể bước vào, và từ khi còn nhỏ, tôi đã hiểu rằng bằng cách nào đó, từ ngữ đã triệu tập các thế giới. Lúc đầu, tôi chỉ muốn là một độc giả thuần túy. Có lẽ tôi đã trở thành một nhà văn khi tôi nhận ra rằng tôi cũng mang những thế giới bên trong mình, và lời nói là chìa khóa để mở ra những thế giới đó, để giải phóng con người, địa điểm, khoảnh khắc, các câu hỏi, sự mong muốn. Nhưng tôi cũng chỉ định viết vài tập sách cho người Mỹ “biết tay” rồi nghỉ luôn” – lê thị diễm thúy cho biết.
Sinh năm 1972 tại Phan Thiết, lớn lên tại Linda Vista (San Diego), đã nhiều lần về Việt Nam thăm quê hương và giao lưu với độc giả. Chị đang ôm ấp một tiểu thuyết có chiều kích rộng hơn, giàu chất thơ, nơi có thể diễn đạt được tâm hồn thơ và ca dao, tục ngữ cửa miệng của người Việt trong tiếng Mỹ, nơi vốn khá thiếu vắng điều này.
Hiền Hòa
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh