Để ngôi nhà ‘là nơi ước đến, chốn mong về’

Từ góc nhìn của một kiến trúc sư, giảng viên và là tác giả sách về kiến trúc, ông Nguyễn Việt Huy chia sẻ với 24h Sống Xanh những gợi ý để ngôi nhà không chỉ đơn thuần là nơi trú ẩn mà còn là một tổ ấm thực sự, nơi ước đến, chốn mong về của chủ nhà.

Ngôi nhà là không gian sống của mỗi gia đình, dưới góc nhìn của một kiến trúc sư thì làm sao tạo ra không gian nuôi dưỡng cảm xúc về một mái ấm?

Vào những năm đầu tiên của thế kỷ 19, nhà địa lý học nổi tiếng người Pháp Pierre Gourou đã đưa ra một nhận xét khi ông thực hiện nghiên cứu của mình về người nông dân Bắc Kỳ: “ … Nhà ở của người Việt gần như đều giống nhau, không có sự khác biệt giữa nhà của người giàu và nhà của người nghèo bởi lẽ nó vẫn bị lạnh vào mùa Đông, nóng vào mùa Hè. Có chăng sự khác nhau chỉ là cái nhìn bề ngoài, nhà của người giàu trông khang trang hơn nhà của người nghèo một chút...”

Điều đó có thể khẳng định rằng ngôi nhà cần sự tiện nghi, sự thoải mái theo nhu cầu của người ở hơn là cái nhìn bên ngoài.

Ngôi nhà không chỉ đơn thuần là không gian trú ẩn, mà nó là không gian sống, sinh hoạt và hưởng thụ cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay kiến trúc nhà ở hầu như mới chỉ giải quyết được chức năng trú ẩn, cũng giống như việc ăn no, mặc ấm mà chưa thể nghĩ tới ăn ngon, mặc đẹp.

kien-truc-su-nguyen-viet-huy
Kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy.

Để kiến trúc nhà ở trở thành một tổ ấm, nơi tạo ra cảm hứng và nuôi dưỡng cảm xúc của chủ nhà, đòi hỏi kiến trúc sư phải thực sự nghiêm túc trong khâu thiết kế, không chỉ giải quyết nhu cầu thị giác là đẹp, thẩm mỹ mà còn phải nghiên cứu thỏa mãn tất cả các giác quan khác của con người: cách âm, chống ồn, thông gió, chiếu sáng, để thỏa mãn cho khứu giác và thính giác. Ngay cả những chất cảm vật liệu để phục vụ cho nhu cầu xúc giác và vị giác. Thậm chí, các kiến trúc sư giỏi còn có thể tạo ra các không gian đa dạng, có những sự cảm nhận khác nhau hoặc tạo ra sự thu hút, thay đổi cảm giác theo nhu cầu của người ở. Khi thỏa mãn được mọi giác quan của con người sống trong những không gian đó thì nhà ở mới mang lại những tiện nghi và sự thoải mái đúng nghĩa.

Nếu làm được những điều đó thì chắc chắn ngôi nhà sẽ không chỉ đơn thuần là nơi trú ẩn mà nó sẽ là một tổ ấm thực sự, là nơi ước đến chốn mong về của người chủ nhà.

Có người lo ngại rằng xu thế nhà thông minh có khiến cho sự kết nối gia đình ngày nay trở nên lỏng lẻo hay không? Anh thấy ý kiến này thế nào?

Tôi không nghĩ vậy, thực tế cho thấy cứ sau mỗi một cuộc cách mạng lớn về sự thay đổi công nghệ, xu thế… thì kèm theo đó là những lo lắng về sự thay đổi đó.

Cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, kéo theo nhiều khái niệm mới, nhà ở thông minh là một trong những khái niệm của cuộc cách mạng này. Nó không làm cho sự kết nối gia đình trở nên lỏng lẻo mà hoàn toàn ngược lại, nó cung cấp cho các kiến trúc sư thêm các công cụ để phát triển và đưa ra nhiều giải pháp thú vị cho các vấn đề tôi đã nói ở trên. Điều đó càng làm cho con người được sống trong môi trường tiện nghi hơn, thoải mái hơn.

Tuy nhiên, do vấn đề đào tạo mà việc kiểm soát cũng như hiểu về ý nghĩa “thông minh” vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn, làm cho con người ta có cảm giác những vấn đề công nghệ này ảnh hưởng đến những sinh hoạt “truyền thống” của chúng ta.

Một số nhận xét của anh về ngôi nhà xưa và nay. Từ ngôi nhà nông thôn đến nhà ống phải chăng là bước thích ứng của người Việt theo các điều kiện lịch sử và hoàn cảnh kinh tế?

Nói đến ngôi nhà xưa, người ta nghĩ ngay tới ngôi nhà truyền thống trong những làng xã mà điển hình là làng xã đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Có thể thấy ngôi nhà nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay rất khác so với ngôi nhà nông thôn truyền thống nguyên gốc. Hiện nay, đa phần là những kiểu nhà mới, đáp ứng quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa. Dường như sự khác biệt này có thể được lý giải bằng những nguyên nhân về khí hậu, kinh tế và đặc biệt là những thay đổi trong lối sống.

Người dân trong vùng xây nhà bị ảnh hưởng rất lớn theo những kiểu mẫu nhà tại những vùng đô thị lân cận hoặc theo khuôn mẫu của một sự pha trộn giữa kiểu nhà nông thôn và nhà thành phố.

Ngôi nhà nông thôn truyền thống có từ khá lâu đời, hiện vẫn còn những ngôi nhà có tuổi thọ khoảng 600 năm, và rất ít thay đổi cho đến năm 1986 – thời điểm Đổi mới. Ngôi nhà nông thôn truyền thống vùng đồng bằng sông Hồng được xây bằng vật liệu địa phương, có cấu trúc bằng gỗ hoặc bằng tre khá đơn giản.

Nhìn chung, kiến trúc nhà nông thôn truyền thống trong vùng rất đồng nhất và ảnh hưởng chủ yếu với hình thức ngôi đình làng. Kiểu nhà mới lần đầu xuất hiện tại các làng vùng đồng bằng sông Hồng là “nhà ống”. Kiểu nhà này có nguồn gốc từ thành phố, đặc biệt là Hà Nội. Điều này được lý giải bằng nhiều nguyên do: mảnh đất của mỗi nhà nhỏ hơn trước, nông dân không làm nông nghiệp thuần túy nữa, sân và vườn không còn được sử dụng, tổng chi phí xây nhà truyền thống cũng ngang với xây nhà bê tông theo kiểu thành phố.

Nhà truyền thống cách tân, được xem là nhân chứng của động lực phát triển nông thôn mới: Được xây bằng gỗ cho đến những năm 1960, tường và mái nhà đã được làm mới bằng vật liệu rắn khi mức sống được nâng cao. Chái nhà biến mất và ngói lợp được sản xuất bằng máy xuất hiện. Một ban công giả đã được thêm vào. “Nhà khối hộp” hoặc “nhà ống” xuất hiện, chúng được xây dựng chắc chắn và có sân. “Nhà khối hộp” là một kiểu nhà nông thôn những năm 1960 – 1970. Nhà được xây bằng bê tông và gạch. Cấu trúc “nhà khối hộp” là tường chịu tải bằng gạch và dầm bê tông. Mái nhà đồng thời giữ chức năng trần nhà, được đổ bê tông đúc tại chỗ. Hình dạng bên ngoài của kiểu nhà này giống như các khối lập phương chỉ với một tầng.

Tính đô thị xuất hiện trong các ngôi làng vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, với “nhà ống” và biệt thự tư nhân: “nhà ống” là dấu hiệu rõ nét nhất của tính đô thị. Biệt thự tư nhân đánh dấu giai đoạn cuối cùng của quá trình hội nhập đô thị của tầng lớp giàu có nhất. Những ngôi nhà được gọi như vậy vì chúng có mặt tiền hẹp và có chiều dài lớn.

Phần lớn các nhà nghiên cứu Việt Nam đều khẳng định kiểu nhà ống chỉ có ở Việt Nam. Theo lập luận của họ, dựa trên các chỉ dẫn khảo cổ của các tiêu bản đất nung được tìm thấy trong các ngôi mộ chứng minh rằng kiểu nhà này đã tồn tại ở Việt Nam từ rất lâu. Ta có thể thấy có sự gần gũi nhất định với ngôi nhà nông thôn điển hình được bố trí quanh một khoảng sân. Ngôi nhà này khép kín với bên ngoài bằng một hàng rào, nhưng lại mở ra sân nơi diễn ra phần lớn các hoạt động và xung quanh sân là ngôi nhà và các công trình phụ.

kien-truc-su-nguyen-viet-huy

Được biết anh sinh ra tại một miền quê nghèo rồi khi lớn lên có cơ hội đi học ở Pháp. Trải qua những bước đổi thay của cuộc đời, cái nhìn của anh về không gian làng xã liệu có biến chuyển theo?

Tôi sinh ra tại một miền quê nghèo thuần nông với những hình ảnh của thiên nhiên ban tặng đẹp một cách thuần khiết như dòng sông, bến nước, bờ đê với những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Tuổi thơ tôi gắn bó với làng từ sáng sớm tới tờ mờ tối qua những hình ảnh mà cha ông chúng tôi để lại như cây đa, giếng nước, sân đình, hay những ngôi nhà cổ với kiến trúc đồ sộ hoặc những con ngõ nhỏ quanh co dẫn chúng tôi ra tới tận cổng làng, nơi có những rặng tre như thành lũy bao bọc và bảo vệ dân làng chúng tôi… Chính vì lẽ đó mà kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên đã ngấm vào con người tôi tự khi nào tôi cũng không biết nữa, chỉ nhớ rằng hồi đó tôi rất hay vẽ, ghi lại tất cả những hình ảnh mà tôi nhìn thấy.

Rồi tôi lớn lên, được học tập ở nơi phồn hoa đô thị – Hà Nội và sau đó là kinh đô ánh sáng Paris. Tôi được học tập nghiên cứu khá bài bản về kiến trúc và quy hoạch đô thị, có thể nói ở những cơ sở danh giá nhất trên thế giới. Nhưng dường như càng đi xa, càng nghiên cứu chuyên sâu thì tôi càng thấy được những giá trị vô giá của những không gian làng xã mà tôi may mắn được trải nghiệm tuổi thơ tôi ở đó. Nhưng thực tế là do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã làm cho các không gian làng xã đó bị ảnh hưởng, bị tác động, làm cho nó không còn nguyên vẹn, thậm chí có những tác động hết sức thô bạo. Làng tôi, cũng như bao nhiêu ngôi làng ven đô vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng khác, vô tình trở thành “nạn nhân” trong quá trình phát triển này. Đành rằng muốn phát triển thì phải chấp nhận thay đổi, đôi khi với cái giá rất đắt.

Có lẽ vì thế mà những dự án, những công trình tôi tham gia thiết kế, đều được tôi nghiên cứu một cách nghiêm túc và vận dụng một cách linh hoạt về những không gian kiến trúc làng xã đã ăn đậm trong tâm trí tôi.

Theo tôi, không gian làng xã đồng bằng sông Hồng có những thứ tinh túy nhất về kiến trúc, về cảnh quan. Chính vì vậy khi nghiên cứu chuyên sâu về những không gian này, chúng ta không chỉ có các giải pháp ứng xử hợp lý, mà ta còn có những bài học quý báu trong việc nghiên cứu quy hoạch các dự án phát triển đô thị trong tương lai.

kien-truc-su-nguyen-viet-huy

Theo anh, liệu kiến trúc xanh và kiến trúc bền vững đã là xu thế thật sự tại Việt Nam chưa, hay còn những khó khăn, rào cản nào?

Dưới góc nhìn hiện thực và thực hành, kiến trúc là mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên và các yếu tố trong môi trường như: khí hậu, địa hình, địa vật lý… Chính vì vậy, khi thiết kế, các kiến trúc sư luôn nghiên cứu các tác động cũng như ảnh hưởng giữa tác phẩm của mình với môi trường thiên nhiên.

Chúng ta rất dễ nhầm lẫn kiến trúc xanh là kiến trúc có màu xanh, cứ nhiều cây thì được gọi là xanh… Nhưng thực chất không phải chỉ như vậy, kiến trúc xanh phải đảm bảo rất nhiều yếu tố mà đã được nêu ở phần trên. Công trình kiến trúc đó phải thỏa mãn các yếu tố như hài hòa với thiên nhiên, phù hợp với địa hình, hợp lý về hướng nắng, hướng gió. Công trình kiến trúc đó phải được nghiên cứu thích nghi với điều kiện khí hậu, điều kiện tự nhiên tại vị trí nó được xây dựng. Các giải pháp thiết kế thông minh nhằm tạo cho công trình có thể thông gió, chiếu sáng tự nhiên. Ngoài ra vật liệu sử dụng phải thân thiện với môi trường, có thể tái tạo được… Hơn nữa còn phải kể đến các giải pháp áp dụng khoa học kỹ thuật để có thể làm cho công trình tự sinh ra năng lượng, tiết kiệm nước…

Gần đây, các tổ chức đánh giá công trình xanh đã xuất hiện ở Việt Nam, hay chúng ta vẫn nghe đến chứng chỉ Lotus, chứng chỉ LEED của Mỹ hay HQE của Pháp… Điều đó cho thấy, việc ứng dụng các thiết kế công trình xanh tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn bắt đầu manh nha. Các nhà quản lý, nhà đầu tư, người dân cũng dần nhận ra được tầm quan trọng của hiệu quả đem lại khi ứng dụng các tiêu chí của kiến trúc xanh.

Cảm ơn anh đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích!

Một số dấu ấn của Nguyễn Việt Huy

  • Tốt nghiệp loại giỏi Đại học Kiến trúc Hà Nội và tốt nghiệp chương trình đào tạo kiến trúc sư của Chính phủ Pháp (DPLG). Tiến sĩ Quy hoạch đô thị trường Đại học Paris Panthéon.
  • Le village Villefontaine, trung tâm thương mại hiện đại tại Pháp mà anh là đồng chủ trì thiết kế kiến trúc, với những thủ pháp hiện đại hóa và chắt lọc những điều tinh tế nhất của không gian làng xã Việt Nam.

Bài: Thiệu Trí Kiệt (thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục