Alsace: Nơi cò về làm tổ

Sau khi đi chợ Phục sinh ở Colmar, chúng tôi tiến vào làng cổ Riquewihr uống bia trong Quán những thày tu. Chẳng ai tưởng tượng nổi chỉ một năm sau, cả vùng Alsace bị phong tỏa vì đại dịch Covid-19. Vắng lặng thực rồi tiếng khách thập phương. Nhưng công viên Orangerie chắc vẫn sực hơi ấm cò về làm tổ.

Trở về với êm đềm làng cổ

Còn nhớ mẻ bánh tẻ hỏng bột, tôi bỏ lại nhà. Chỉ mang theo mấy chiếc bánh nếp độ đường. Chặng chạy xe hơn năm tiếng từ Bỉ sang Strasbourg kì nghỉ lễ Phục sinh năm ngoái, chúng tôi dừng lại dọc đường mua thêm cho người cầm lái Bernard chiếc bánh sừng bò. Tây ta kết hợp, đường đi sao mà vui vẻ, háo hức đến thế. Xế trưa thì đến nhà Thảo ở ngoại ô Strasbourg. Trên bàn chủ nhà đã bày sẵn bánh mì baguette giòn thơm, xúc xích và pho mát. Trong bếp, nắng đang nhảy múa trên những chậu nước ngâm sò, ốc, mực, tôm, cá tươi chờ đãi khách phương xa sản vật vùng Alsace.

alsace-noi-co-ve-lam-to
Tổ cò ở công viên Orangerie.

Xinh Phạm, cô bạn Việt kiều Bỉ đi cùng tôi cứ xuýt xoa “Nhìn hải sản Alsace nhớ Hội An, Nha Trang quá. Ở Bỉ, có tiền cũng không dễ gì mua được những thứ tươi ngon rẻ như thế này”. Công nhận. Chỉ cách có vài tiếng chạy xe, đời sống vật chất với tinh thần sao đã khác đến thế.

Sông Rhin chảy qua Alsace làm cho vùng đất này màu mỡ và thuận lợi về giao thông, thương mại. Nông nghiệp tự hào trình diễn những con đường uốn lượn như giấc mơ xanh bên các đồng nho trứ danh. Du lịch hãnh diện vì cả thế giới đổ về Alsace đi chợ Noel. Đường phố sực mùi vang nóng và bánh tart flambé đang nướng trong bếp các nhà hàng lấp lánh sao vàng Michelin. Ngày nào cũng như có hội ở những làng cổ đẹp hơn tranh. Nhưng rồi lịch sử Alsace sau này có thể sẽ ghi lại câu chuyện buồn: đầu tháng 3/2020 từ cuộc họp tôn giáo tập hợp đến 2.000 tín đồ ở Mulhouse, Covid-19 bắt đầu lây lan rộng, biến cả Alsace gồm Strasbourg, Mulhouse, Colmar… trở thành một trong những ổ dịch lớn nhất tại Pháp cũng như châu Âu.

Nếu đại dịch không xảy ra, không có lệnh lock down, giờ này những con kênh xinh xắn uốn lượn trong lòng Colmar mệnh danh “Petite Venice” hẳn đang đón khách dự Colmar fête le Printemps – Lễ hội mùa Xuân tháng Tư hàng năm. Trứng Phục sinh đủ màu sắc, kiểu vẽ, kích cỡ đang ngự trên khắp bậu cửa, mái nhà, bờ tường. Nhưng tôi nhớ Colmar nhất ở việc nhắc nhở về một di sản khác bằng cách nhìn xuống chân mình. Đó là những tấm thép sáng hình tam giác nhỏ in hình Nữ thần Tự do đặt trên các mặt đường ở trung tâm thị trấn. “Người đàn bà của nước Mỹ” sinh ra tại đây. Bảo tàng Bartholdi cũng chính là nơi nhà điêu khắc người Pháp Frédéric Auguste Bartholdi chào đời.

Oái oăm thay một con virus nhỏ phải nhìn qua kính hiển vi mới thấy, lại đủ sức thay đổi sự vận hành của cả thế giới. Mẹ Thiên nhiên đang dạy chúng ta bài học cần thiết, rằng hãy tôn trọng giãn cách xã hội, hãy để thiên nhiên cũng được hít thở và hồi sinh. Giờ này ngồi nhà vì lệnh lock down, tôi vẫn có nhiều thứ để nhớ và du ngoạn trong tâm tưởng. Những ngóc ngách nhỏ xíu ở Colmar, Riquewihr, hay La Petite France của Strasbourg chắc đã hết váng vóc tiếng khách? Giờ này làng cổ mới thực sự êm đềm và được ngủ cho thỏa một giấc thật sâu?

alsace-noi-co-ve-lam-to
Cò làm tổ trên hàng cây trước công viên.

Cò trắng bay về Orangerie

Bạn bè, người thân từ Bỉ, Đức, Anh hoặc từ Việt Nam sang hãy rẽ qua Thảo ở Strasbourg. Bạn tôi đang sống trong một biệt thự xinh xắn cách La Petite France chỉ 15 phút chạy xe. Nhà cô như trạm trung chuyển, nơi nghỉ dọc đường để mọi người ghé trung tâm Strasbourg rồi tiếp tục tiến sát về biên giới Đức, thăm những thị trấn Trung Cổ đẹp nhất thế giới.

Có “thổ dân” dẫn lối chỉ đường, Alsace trong kí ức của tôi sống dậy nhiều giá trị văn hóa tinh thần đặc biệt. Chúng tôi không đi tour du thuyền trên sông Rhin, không thấy ngôi nhà nơi nghệ sĩ dương cầm không chuyên Rouget de Lisle ngồi viết Hành khúc quân Rhein (tức La Marseillaise) trong đêm 25 sáng 26 tháng 4 năm 1792 lịch sử. Nhưng cũng đúng dịp tháng Tư năm ngoái, chúng tôi đã đứng ngắm rất lâu ngôi nhà của Philippe – Frédéric de Dietrich trên quảng trường Place de Broglie. Một tấm biển nhỏ kín đáo khắc trên tường, nơi tấp nập người lại qua, rằng đây chính là nơi Quốc ca Pháp lần đầu được trình diễn.

Để động viên và cùng nhau vượt qua đại dịch, người Ý thời điểm này hay bật nhạc khắp các sân tập thể. Người Pháp chắc cũng khích lệ tinh thần nhau Hỡi người Pháp, những chiến binh đang thức tỉnh/ Hãy chịu đựng, và giáng lại một đòn!… Rồi sẽ ổn thôi. Sau chết chóc là sinh sôi. Chúng ta đang giữa mùa Xuân. Đối với người Alsace, mùa Xuân này, loài cò trắng – huyền thoại của vùng vẫn bay về dựng lại tổ trên những tán cây. Mùa sinh sản của muôn loài vẫn âm thầm diễn ra quanh ta, dù con người đang tuân thủ lệnh lock down. Người dân ở nhiều nước châu Âu vẫn bảo nhau rằng, thấy cò trắng bay qua mái nhà, nghĩa là một em bé vừa chào đời. Nhưng ở Alsace câu chuyện còn sâu đậm hơn: Dưới sông hồ là linh hồn người chết đang chờ tái sinh dưới hình hài các em bé. Thân cò lặn lội bờ sông, cần mẫn mò được các em bé, gói bằng một tấm vải và mang trẻ sơ sinh trở lại từng mái nhà. Nếu bạn nghe mà bảo “chuyện thực điên rồ”, nghĩa là đối với người Alsace bạn đã chưa đến thăm nơi này đúng cách và đủ lâu.

alsace-noi-co-ve-lam-to
Colmar luôn rầm rập bước chân du khách

Chúng tôi còn nửa ngày lưu lại Strasbourg trước khi về Bỉ, Thảo gợi ý “Nên dạo công viên một vài giờ cho thoải mái.” Cảm ơn cô bạn vì gợi ý tuyệt vời này. Mới đến cổng công viên, tôi đã không kìm được, lao ra khỏi xe sững sờ đứng giữa con đường có hai hàng cây kì lạ. Giữa màu xanh nhạt của lá non mới nhú, bật lên màu xám tổ cò to như chiếc giá. Cây nào cũng một tổ như thế, có tổ to như chiếc thúng làng chài.

Tuổi thơ tôi từng ra vườn nhặt những tổ cò rơi từ bụi tre xuống sau cơn bão. Những tổ cò bé nhỏ vừa vặn lòng hai bàn tay. Thoạt đầu, tôi đã không tin nổi những tổ cò quá lớn trước cửa công viên Orangerie. Sau vài giờ dạo sâu trong màu xanh của cây cỏ, sắc thắm của hoa, và được đến gần những tổ cò đặt ngay dưới đất, trên thân cây thấp chưa kịp mọc lá, tôi đã tin là cò trắng Alsace đủ sức cắp một em bé bay qua những mái nhà. Cả Orangerie như ngôi nhà chung của cò vùng Alsace, bởi nơi này tụ hàng trăm tổ cò. Cò Alsace có thể bay sang tận Nam Phi tránh Đông. Dù đi phương trời nào tránh rét, Xuân đến chúng vẫn tìm về tổ cũ. Con đực thường bay về trước, có khi về trước cả mùa Xuân để sửa sang lại tổ ấm. Khi tổ đã ấm áp dày dặn trở lại, con cái sẽ trở về. Cuộc đoàn tụ qua mùa Hè sẽ xuất hiện những con cò nhỏ chíp chíp lớn lên trong tổ. Thu đến là lúc lũ cò nhỏ ra giàng, đủ lông cánh cùng cha mẹ thực hiện chuyến di cư đến miền đất ấm.

Bởi cách sống này, mà loài cò trở thành biểu tượng của lòng chung thủy và sự sinh sôi. Thậm chí, người Alsace còn kể với du khách rằng cò sẽ chẳng chịu làm tổ trên mái nhà vừa có cặp vợ chồng li hôn đâu. Còn khi cò về làm tổ trên mái nhà bạn tức là mang may mắn đến. Sau nhiều thế kỷ chiến tranh và xung đột, người Alsace vẫn nhìn đàn cò trắng bay về làm tổ để tìm thấy ở đó niềm tin vào hạnh phúc và hi vọng bình an. Hôm qua, Thảo vừa đi siêu thị của người Việt ở Strasbourg về, khoe mua đủ bột tẻ bột nếp để làm bánh dày, bánh giò. Cô sưu tầm được nhiều công thức bánh trái giò chả rất ngon, lâu lắm mới lại có thời gian để làm. Thảo cũng chụp cho tôi xem cảnh đường phố vắng bóng người vì lệnh lock down. Nhưng tôi chắc lúc này, cò trắng đang kéo về đông vui, rộn rã đoàn tụ và tình tự trong công viên Orangerie gần nhà Thảo. Người Alsace đã và luôn có lí do để tin rằng rồi đại dịch sẽ qua, sự sống sẽ trở lại trong từng mái nhà.

Kiều Bích Hương

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục