Dat Bike và dấu ấn thế hệ Millennials của Việt Nam
Chấp nhận từ bỏ công việc đáng mơ ước tại thung lũng Silicon để trở về Việt Nam khởi nghiệp với xe động cơ điện – đó là câu chuyện của Nguyễn Bá Cảnh Sơn và thương hiệu do anh sáng lập, Dat Bike. Xa hơn, đó là dấu ấn của những đại diện thế hệ Millennials Việt Nam trên hành trình dựng xây cuộc sống.
Từ chiếc xe điện “made in Vietnam” ra đời ở Mỹ…
Trước khi xuất hiện và gọi vốn thành công trên Shark Tank mùa 3 (tháng 9/2019), gần như không ai biết đến sự tồn tại của Dat Bike, một thương hiệu Việt với chiếc xe điện đầu tiên mang tên Weaver. Thời điểm ấy, trên bản đồ thị trường xe điện Việt Nam, VinFast với các dòng xe Klara, Impes và Ludo đang gây ấn tượng với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, là sự khẳng định của các thương hiệu lâu năm như Yadea (Trung Quốc), MBIGo (Hàn Quốc) và Pega (Việt Nam). Trên thực tế, tại một đất nước mà xe hai bánh động cơ đốt trong chịu trách nhiệm cho hơn 80% lưu lượng di chuyển của cư dân, xe động cơ điện vẫn là một điều gì đó xa vời.
Đó cũng là một phần nguyên nhân gây nên ô nhiễm khí thải nghiêm trọng tại các thành phố lớn của Việt Nam. Trở về từ Mỹ, chàng kỹ sư phần mềm sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng cảm thấy môi trường sống xung quanh không còn trong lành, thoải mái như ngày trước. Cùng với đó, những căn bệnh về hô hấp và khí quản ngày càng đe dọa cuộc sống con người.
“Lúc ấy, mình chỉ tự hỏi rằng, liệu việc mình cống hiến ở bên Mỹ có xứng đáng không khi người thân của mình ở Việt Nam kể cả việc hít thở bình thường cũng không đảm bảo.” – Sơn bộc bạch.
Từ đó, Sơn bắt đầu nung nấu ý định về một chiếc xe thân thiện với môi trường, không gây tiếng ồn và đặc biệt, phải giải quyết triệt để bài toán về thời lượng pin và vận tốc xe. Dat Bike Weaver ra đời sau gần một năm Sơn tự nhốt mình trong phòng làm việc cá nhân tại Mỹ. Sau đó, chiếc xe động cơ điện này “lăn bánh” về Đà Nẵng, quê hương của Sơn, trước khi chuyển về Bình Dương để mở rộng quy mô sản xuất lên 100 chiếc/ tháng.
… Đến hành trình Dat Bike
Với Sơn và đội ngũ của mình, tất cả vẫn rõ mồn một như ngày hôm qua. Nhờ bước đệm vững chắc từ cái gật đầu của Shark Hưng, Dat Bike lộ diện và tiếp tục cuộc “cách mạng xe điện” của mình, như cách Sơn chia sẻ: “Mình cảm thấy rất phấn khởi vì đã được vào hệ sinh thái của Shark Hưng. Shark Hưng đã từng đầu tư vào Mopo, thì đây là một cơ hội kết hợp rất là tiềm năng giữa hai công ty để đẩy nhanh cuộc cách mạng xe điện”.
Tuy nhiên, để làm được điều đó không hề dễ, nhất là tại một thị trường mà xe máy xăng đã in sâu vào tiềm thức mỗi người. Sự nhanh chóng, tiện lợi, dễ sử dụng là những yếu tố hàng đầu khiến xe máy xăng được ưa chuộng. Ở chiều ngược lại, dĩ nhiên, tác động khí thải lên môi trường là điều rất đáng báo động.
Nhưng để cả thị trường chuyển hướng về xe điện là một câu chuyện dài hơi. Từ tâm thế của những khách hàng Việt hiện tại, những chiếc xe điện trên thị trường không đủ để đáp ứng nhu cầu di chuyển của họ, khi rất nhiều chiếc kiểu dáng giống nhau, còn về công suất và vận tốc thực tế, thua xa những chiếc xe máy xăng đang hằng ngày nhả khói trên đường phố tấp nập. Và dĩ nhiên, sẽ rất ít khách hàng chịu mua một chiếc xe mà chỉ sau vài giờ di chuyển, họ sẽ mất thêm chừng ấy thời gian vào việc sạc đầy bình cho lần di chuyển tiếp theo.
Để giải quyết vấn đề, Sơn và những cộng sự trẻ tuổi của mình hướng đến một chiếc xe với thiết kế đơn giản, hạn chế những chi tiết thừa. Quan trọng nhất, chiếc xe động cơ điện ấy phải mang đến sự tiện lợi ngang ngửa một chiếc xe máy xăng thông thường.
Dĩ nhiên, nếu chỉ nói suông, Dat Bike sẽ không thể thuyết phục được người tiêu dùng. Thương hiệu này tổ chức những buổi trải nghiệm xe miễn phí cho khách hàng trước khi họ quyết định có thực sự muốn “rinh” một chiếc xe điện có mức giá tương đương một chiếc xe máy xăng về nhà không.
“Xe chạy đã, êm và nhanh nữa, tiếng máy êm hơn xe xăng. Đó là điều mà Dat Bike Weaver đã thuyết phục được mình từ bỏ xe xăng.” – Anh Quý, một trong những khách hàng đầu tiên của thương hiệu chia sẻ.
Trong khi đó, với anh Nguyễn Việt Phi (25 tuổi), người đã trực tiếp trải nghiệm chiếc xe điện này, Dat Bike mang đến cho anh một “cái nhìn khác” về xe điện: “Với tôi, xe điện chưa bao giờ là lựa chọn cho giải pháp di chuyển, vì những giới hạn về mặt kiểu dáng và công suất. Tuy nhiên, chiếc Weaver này đã mang lại cho tôi một cái nhìn khác hẳn. Vận tốc 80 km/h của nó là điều chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ có ở một chiếc xe điện thông thường, trong khi kiểu dáng trẻ trung là điều thực sự khiến tôi muốn làm bạn với chiếc xe. Quan trọng nhất, yếu tố khiến tôi lựa chọn Dat Bike Weaver làm bạn đồng hành là thay vì 50 ngàn tiền xăng cho 100 cây số di chuyển bằng xe máy xăng, tôi chỉ cần bỏ ra 5 đến 10 ngàn tiền điện cho cùng quãng đường di chuyển với xe máy điện này”.
Và dấu ấn thế hệ Millennials tại Việt Nam
Cuộc “cách mạng xe điện” của Dat Bike bắt đầu như vậy. Và tất nhiên, không dừng lại ở đó. Những người trẻ của Dat Bike sinh ra và lớn lên tại Việt Nam rất hiểu đặc trưng đô thị mà họ gắn bó suốt thời gian dài. Vậy nên, họ tin rằng, lựa chọn tự sản xuất và phát triển chiếc xe “made in Vietnam” ngay trên đất nước của mình, trong bầu không khí mình hít thở hằng ngày là không sai lầm.
“Dat Bike vẫn đang từng bước phát triển tại Việt Nam chứ chưa dám so với những thương hiệu lớn. Thực sự, trên thế giới hiện tại đã có nhiều quốc gia sản xuất xe điện và các phương tiện di chuyển sử dụng điện năng để chuẩn bị cho một tương lai loại bỏ hoàn toàn xe máy xăng. Đó là xu hướng tất yếu. Việt Nam, cũng như thế giới thôi, nếu như thời điểm này Dat Bike và những thương hiệu khác tập trung sản xuất xe điện, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đi đầu về xuất khẩu xe máy điện cho các nước chưa sản xuất được dòng xe này” – đại diện Dat Bike nói về viễn cảnh thị trường.
Chưa thể nói là thành công thực sự với phân khúc mình lựa chọn, nhưng với việc đã tạo dựng được niềm tin tiêu dùng từ lượng khách hàng trẻ tiềm năng cũng như chứng minh được những giá trị bền vững từ chuỗi cung ứng năng lượng xanh của mình, Dat Bike có thể coi là trường hợp điển hình cho dấu ấn của thế hệ Millennials (1981 – 1996) tại Việt Nam. Họ là những người trẻ hiện đại, tiếp cận với công nghệ, dám nhìn thẳng vào thực tại để có giải pháp cho tương lai, chịu trách nhiệm cho cuộc sống của bản thân và môi trường sống xung quanh.
Millennials hay còn gọi là thế hệ Y là thuật ngữ dùng để chỉ thế hệ những người sinh từ khoảng năm 1981 đến 1996. Họ được coi là thế hệ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, cũng như trực tiếp tham gia vào tiến trình phát triển này từ lúc công nghệ chưa được định nghĩa cho đến khi kỹ thuật số bùng nổ và được áp dụng rộng rãi. (Wiki) |
Khải Duy
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh