Huấn luyện viên Việt Nhi: Hãy dùng Google và Facebook một cách tỉnh táo nhất cho sức khỏe!

Có những khoảnh khắc làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mỗi người. Với Trần Khoa Việt Nhi, cô gái nhỏ này vẫn miệt mài tự vác trên mình sứ mệnh đi khơi dậy niềm yêu thương bản thân cho những người lỡ “trót quên”, chưa biết yêu thương bản thân đúng cách.

Bởi chính Việt Nhi là một thí dụ. Không ai ngờ được Việt Nhi từng là một cô gái béo phì, không tự tin vào bản thân và dễ bị stress với mọi thứ trước khi trở thành huấn luyện viên yoga và huấn luyện viên sức khỏe thực dưỡng (health coach) – một công việc được cho là nghề 5 sao hiện nay. Chúng tôi trò chuyện với Việt Nhi, cũng từ sự thay đổi này.

huan-luyen-vien-viet-nhi

Liệu một cuộc nói chuyện có thể thay đổi cuộc đời bạn? Hình như Việt Nhi rất tâm đắc câu này?

Câu nói này là một trong những slogan của khóa Holistic Health Coach, trường Institute for Integrative Nutrition (Hoa Kỳ) nói về vai trò và hiệu quả của sự huấn luyện khi cần gỡ rối trong cuộc sống. Khoảnh khắc thay đổi lớn của Nhi là lần đầu tiên tập yoga và trải nghiệm cảm giác bình yên không thể tả được. Khoảnh khắc đó đóng vai trò hướng nghiệp khiến cho Nhi chọn nghề HLV yoga cho đến nay. Lần thứ hai là thông qua việc huấn luyện, Nhi phát hiện ra những lo lắng khi trưởng thành của mình xuất phát từ một câu chuyện lúc 5 – 6 tuổi là bị ép đem bỏ con chó nhỏ của mình giữa đêm, từ đó gây ra một vết thương lòng trong vô thức chi phối hành vi của mình khi lớn lên. Nhận ra được rồi thì những lo lắng vô cớ không còn xuất hiện nữa.

Việt Nhi đang quyết tâm thực hiện “sứ mệnh” trở thành người đi khơi dậy niềm yêu thương bản thân cho những người chưa biết yêu thương bản thân đúng cách. Vậy quá trình này hẳn là có nhiều chuyện?

Một câu chuyện gây ấn tượng là, một phụ nữ lên cân sau khi sinh xong, bị ám ảnh về chuyện phải lấy lại vóc dáng và đã ăn kiêng lẫn tập luyện khắc nghiệt. Cô ấy giảm cân được nhưng người luôn mệt mỏi, vì ăn quá ít nên bị thiếu dinh dưỡng, thường đau buồn và nhiều lúc muốn tự tử. Sau một thời gian động viên, thay đổi chế độ ăn uống, luyện tập, cô ấy cảm nhận được khắc nghiệt với cơ thể quá là không ổn, bắt đầu biết trân trọng sức khỏe của mình hơn, bớt ám ảnh với cân nặng, kinh nguyệt đều đặn trở lại, không còn suy nghĩ muốn tự tử.

Trường hợp khác, giám đốc nhân sự một tập đoàn lớn, có gia đình hạnh phúc. Nhưng từ khi bị một bệnh, nhẹ thôi mà lo lắng quá dẫn đến ngộp thở, ngất xỉu nhiều lần và từ đó chị ấy bắt đầu chán ăn, luôn tưởng tượng sắp có tai nạn xảy ra, mình sắp chết, con mình sẽ không ai lo,… Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn lo âu và cho uống thuốc rất nhiều. Nhiều lần chị ấy thừa nhận, chị yêu tất cả mọi người chỉ trừ chính mình. Sau khi đặt mục tiêu sức khỏe lên hàng đầu, thay đổi chế độ ăn uống, tập yoga thiền, tập hít thở sâu, đi bộ… Sau chưa đầy 3 tháng chị đã thay đổi ngoạn mục, tần suất phụ thuộc vào thuốc giảm nhanh chóng, tươi tắn, lạc quan, ngủ tốt, ăn ngon hơn.

Trường hợp thứ ba là của một bạn nam thuộc thế giới LGBT. Bạn đã từng nghiện ma túy, nhiễm HIV, sau khi cai nghiện xong thì bị mất phương hướng trong cuộc sống. Sau một thời gian tập yoga với tần suất dày, cường độ cao, bạn đã lột xác một cách ngoạn mục, tìm thấy đam mê trong cuộc sống, trở thành phiên bản mới tỏa sáng hơn.

huan-luyen-vien-viet-nhi
Trần Khoa Việt Nhi hướng dẫn học viên trong một buổi rèn luyện sức khỏe

Thực tế, vẫn rất nhiều người chưa có động lực để thay đổi lối sống hay một thói quen. Điều này có làm kẻ đi khơi gợi như Việt Nhi thấy mệt không?

 Các kỹ năng, yếu tố cần thiết để khơi gợi động lực thay đổi thói quen sống của người khác là: đầu tiên mình phải là người thực hành được điều mình nói. Sau đó là kỹ năng đặt câu hỏi sao cho thông qua việc trả lời câu hỏi của mình, họ nhận ra động lực và tìm ra giải pháp phù hợp với họ. Còn có kỹ năng giữ cho mình sự bình tĩnh không bị cuốn vào tham vọng vì “tôi muốn họ tốt nên tôi phải tìm cách thay đổi họ”.

Người Việt ngày càng quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn, nhưng hình như quan tâm đủ và đúng, thì chưa hẳn?

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA năm 2019, Việt Nam là một trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới. Đây là thông tin đáng để suy ngẫm. Theo quan sát của cá nhân Nhi thì thấy nhiều người quan tâm đến sức khỏe nhưng chỉ muốn chọn phương pháp nhanh gọn lẹ như thuốc, thực phẩm chức năng, thực phẩm giảm cân,… chứ không chịu thay đổi lối sống vốn là nền tảng của sức khỏe tốt.

Các chế độ, trường phái dinh dưỡng để sống khỏe, sống… thon gọn hiện nay xuất hiện rất nhiều. Làm thế nào để nhận ra đó là chế độ phù hợp với bản thân mình?

Nên làm việc với bác sĩ gia đình hoặc health coach để có phương pháp phù hợp nhất với mình. Nguy hiểm nhất là tự đọc, tự tìm hiểu, tự làm theo, thấy vấn đề phát sinh thì lo âu, lại đi hỏi Google hay group các chị thông thái, các cô ba, 500 anh em Facebook… tìm cách khắc phục hậu quả. May mắn thì mọi chuyện êm xuôi, có kết quả tốt. Không may thì lãnh thêm nhiều bệnh khác, tốn tiền và thời gian chữa trị.

Bạn nên tiếp cận các nguồn thông tin đáng tin cậy, ví dụ như từ bác sĩ dinh dưỡng, chuyên gia dinh dưỡng… Học nhiều khóa học về dinh dưỡng và lối sống, đọc sách.

Theo Việt Nhi, nên đọc và chọn xem các thông tin trên mạng, đặc biệt từ Google và mạng xã hội, như thế nào cho hữu ích, khi người ta ngày càng lệ thuộc và tin tưởng quá nhiều vào Google? Khi một người quan tâm đến chuyện ăn uống cho mình, họ nên làm gì? Họ có nên… tránh xa Google ra không?

Thông tin trên Google và Facebook chính xác có, sai lệch cũng có. Nhi đã từng có một khách hàng chỉ bị một khối u bình thường, khoa học có thể chữa dứt điểm mà do đọc Facebook/Google nhiều quá thành bệnh rối loạn lo âu, trầm cảm, sợ chết.

Tránh xa Google là điều không thể. Nên tận dụng Google để tìm ra các thông tin tốt. Quan trọng là hãy xem người viết ra các bài viết đó là ai? Sau đó tìm vào các trang cá nhân của họ để có cảm nhận rõ ràng hơn về độ tin cậy.

Kinh nghiệm cá nhân của Nhi: theo dõi Facebook của các bác sĩ mà họ trung hòa giữa Tây y và Đông y, không cực đoan. Nhi học nhiều khóa học khác nhau về sức khỏe, dinh dưỡng trong và ngoài nước, theo nhiều trường phái khác nhau. Trước khi mua sách, Nhi sẽ đọc thử một số trang để xem sách đó có tốt với mình hay không, thảo luận và hỏi các bạn bè trong giới rành về lĩnh vực mà Nhi muốn tìm hiểu.

Nhớ lại ngày xưa đi học, học sinh/sinh viên được thầy cô hướng dẫn thực hành, tìm kiếm thông tin trên Internet để học hỏi một điều gì đó. Vừa kết hợp định hướng của giáo viên, vừa kết hợp thông tin trên Internet, vừa có cả nhận định, thực hành của chính người học. Theo Nhi, đây là phương pháp khá tốt để chọn lọc thông tin trước khi cho vào não bộ.

Còn nếu chỉ phụ thuộc vào Internet, cái kiềng ba chân trên chỉ còn một chân thì dễ bị lạc lối.

huan-luyen-vien-viet-nhi
Trần Khoa Việt Nhi trong một buổi giao lưu, thuyết giảng về sức khỏe

Cảm nhận của Việt Nhi về những chia sẻ về các thể loại bí quyết làm đẹp và chăm sóc sức khỏe mà cư dân mạng ưa chia sẻ trên mạng xã hội?

Chúng ta cởi mở tiếp nhận thông tin mới, nhưng hãy cẩn thận trong quá trình từ thông tin chuyển sang áp dụng. Hãy kiểm tra, truy xuất thông tin kỹ càng hơn. Hãy chuẩn bị nền tảng kiến thức về sức khỏe kỹ càng hơn để có bộ lọc tốt.

Bạn hãy nắm vững nguyên tắc Bộ tứ bất khả thi này khi chọn lựa áp dụng phương pháp chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp: Không bao giờ có phương pháp nào thỏa đồng thời 4 yếu tố: nhanh, hiệu quả, rẻ và an toàn (không tác dụng phụ). Phương pháp giảm cân trong hai tháng (nhanh) giảm được 10kg (hiệu quả) giá 5 triệu đồng (rẻ) thì chắc chắn nó sẽ có tác dụng phụ trên cơ thể của bạn.

Một số phương pháp dinh dưỡng, và thậm chí là một số chuyên gia dinh dưỡng, thường có những phương pháp khá là khác nhau, thậm chí quan điểm trái ngược nhau. Lúc ấy, công chúng – bạn đọc sẽ phải làm gì để tránh hoang mang? Đặc biệt là những thông tin từ truyền thông?

Cần phân biệt chất dinh dưỡng (nutrients) và chế độ dinh dưỡng (diets). Các bác sĩ, nhà nghiên cứu, chuyên gia… phối hợp các chất dinh dưỡng với tỷ lệ khác nhau tạo ra các chế độ dinh dưỡng khác nhau, dành cho một nhóm đối tượng cụ thể, cải thiện vấn đề sức khỏe cụ thể, trong giai đoạn cụ thể. Ví dụ chế độ ăn để cải thiện thiếu máu, huyết áp thấp (tăng đạm) sẽ hơi mâu thuẫn với chế độ ăn để thanh lọc cơ thể (giảm đạm). Có hơn 150 chế độ khác nhau trên thế giới, mỗi chế độ đều có điểm mạnh yếu riêng.

Giải pháp là đừng đọc chung chung khiến mình hoang mang mà phải hiểu cơ thể mình đang cần gì. Nếu không hiểu thì nên làm việc với chuyên gia để hiểu và chọn ra chế độ phù hợp.

Việc chăm sóc sức khỏe trong thời dịch Covid-19, được hiểu thế nào với một chuyên gia như Việt Nhi?

Thời dịch Covid-19, dễ có nhiều thông tin không tích cực phát tán. Nên gia tăng các hành động và suy nghĩ tích cực để phần nào khiến cho tinh thần lẫn cơ thể ổn định, không bị lo lắng thái quá. Chăm sóc sức khỏe nhiều khi không cần phải quá to tát mà chỉ cần mỗi ngày định kỳ làm từ 3 – 5 hành động thôi để tạo thói quen rồi tăng dần lên. Ví dụ: mỗi ngày ăn 50 ngàn đồng trái cây và rau xanh; uống một ly nước cam; cách ngày uống một ly sữa các loại đậu hạt; mỗi ngày đi bộ hoặc tập yoga 45 phút; mỗi ngày ngủ trước 23h30…

Xin cảm ơn những chia sẻ của Việt Nhi.

Trần Khoa Việt Nhi, 34 tuổi, hiện đang là huấn luyện viên về dinh dưỡng, tinh thần và là huấn luyện viên yoga. Sáng lập viên của Origin Yoga & Health Coach. Cô là huấn luyện viên “health coach” đầu tiên của TP.HCM và là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam hoàn tất chứng chỉ Holistic Health Coach của trường Institute for Integrative Nutrition (IIN) Hoa Kỳ. Cô là diễn giả về sức khỏe, đã hướng dẫn cho hàng nghìn học viên đến từ các tập đoàn và doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.

Sơn Trà (thực hiện)

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục