Đàn bà là hư ảo?
Tiểu thuyết Đàn bà hư ảo của Nguyễn Khắc Ngân Vi khe khẽ chạm đến sâu thẳm dục vọng của con người nữ, những say đắm cuồng dại gào thét trong tâm khảm nhưng khó thốt ra được đầu môi.
Đây là câu chuyện được viết nên bởi cái nhìn tinh tế và nhạy cảm của một phụ nữ nhiều trải nghiệm. Một thế giới khởi nguyên của đàn bà được tác giả tạo dựng đầy chân thực từ những xúc cảm mạnh mẽ, từ những phù phiếm hư ảo…
Dưới ngòi bút dịu dàng nhưng không kém phần quyết liệt, cùng lối viết dòng ý thức, Nguyễn Khắc Ngân Vi đưa bạn đọc vào dòng chảy cuộn trào không ngừng của những giằng xé, xung đột nội tâm đã bị lột trần chẳng chút e dè, phơi bày không hề che đậy.
Lật giở từng trang truyện, người đọc sẽ bắt gặp chính mình ở trong đó với nỗi cô đơn tột độ, với cái vòng quẩn quanh của thói quen thường tình, lặp đi lặp lại đến phát ngán chẳng khác cá vàng bơi qua bơi lại là mấy.
Ta lạc lối trong sự mông lung đan xen giữa quá khứ – hiện tại – tương lai, ta khao khát muốn biết thực sự biến cố gì đã xảy đến với An, Nhai, Vân, Huyền cũng như các nhân vật khác, thứ gì có thể ghê gớm đến mức rạch sâu vào trái tim và khối óc của họ những vết thương nham nhở mãi rỉ máu như thế và liệu có điều gì, phương cách gì có thể khép miệng nỗi đau, chữa lành tâm hồn, cứu rỗi họ được hay không.
Ta đồng cảm với sự bám víu đến tuyệt vọng của họ vào những người xung quanh, những mối quan hệ thân thuộc như là chiếc phao cứu sinh khi lặn ngụp giữa bể đời lạnh lẽo mà chẳng biết rằng mỗi lần như thế họ lại buộc thêm đá vào chân khiến bản thân mình càng chìm xuống đáy.
Rồi ta lại rùng mình khe khẽ khi chạm đến sâu thẳm dục vọng của con người nữ, những say đắm cuồng dại gào thét trong tâm khảm nhưng khó thốt ra được đầu môi, những khát khao chính đáng bị cái lề thói xã hội ra sức kìm nén.
Ta cũng phải băn khoăn nam hay nữ – giới tính có thật sự là một trở ngại trong tình yêu? Ngưỡng mộ việc dám sống thật với chính mình và quyết đi đến tận cùng bản thể, ta thấy thôi thúc muốn chống lại mấy chuẩn mực xã hội cứng nhắc, chẳng màng đến những thường tình đời sống, bỏ ngoài tai hết thảy những phán xét người đời, xem thường những định kiến vô nghĩa lý, tự đặt cho mình những thước đo riêng.
Cứ thế, người đọc bị những ngọn sóng xúc cảm của nhân vật cuốn băng đi cùng với nỗi day dứt, trăn trở với câu hỏi “sống làm gì?”, “sống thế nào cho ra sống?”, “có phải con người sinh ra vốn cô đơn rồi chết đi vẫn một mình” và “rốt cuộc thế nào mới là hạnh phúc chân chính?”
Bằng một cách rất riêng, rất khác biệt, Đàn bà hư ảo đã cho ta cái thú đi nhặt nhạnh từng miếng ghép của ký ức, chới với lặn ngụp trong những dạt dào xúc cảm triền miên, dịu xoa lên những vết sẹo mờ trong tim.
Như thổi nhẹ vào những vết thương hở của nỗi lòng đơn côi, soi vào phần con khuất nẻo trong góc tâm hồn. Rồi chạm đến cùng những bí ẩn đầy quyến rũ của đàn bà – cái hố đen vũ trụ thăm thẳm mà ngàn đời nay vẫn chưa ai từng hiểu thấu…
T.Đ.