Đà Nẵng thiếu hụt dịch vụ đêm
22h30, quán cà phê view đẹp nhất thành phố, nhìn ra cầu Tình yêu đóng cửa, Công viên châu Á không còn đón khách, tàu du lịch ngắm sông hết giờ hoạt động…
Người dân Đà Nẵng và du khách có rất ít lựa chọn khi tìm kiếm một điểm dịch vụ còn sáng đèn, phục vụ lúc nửa đêm. Nhiều người tìm đến với bánh canh bà Bé nằm trước chợ Cồn, đường Hùng Vương. 0h, nồi bánh canh ở địa danh ẩm thực nổi tiếng này vẫn ngun ngút khói. Gian hàng rộng chừng 30m2 kê khoảng chục chiếc bàn nhựa trên nền vỉa hè. “Mẹ tôi bán bánh canh đêm từ khi 15 tuổi. Năm nay mẹ đã 84“, bà Lê Thị Hiền (55 tuổi, con ruột bà Bé) nói.
Nhưng quán bánh canh này không phải lúc nào cũng bán muộn. Mùa cao điểm du lịch, quán phải đóng cửa lúc 22h vì “đã bán hết 5 nồi, chạy đi mua nguyên liệu giữa đêm không kịp nấu nồi mới“. Bà Bé giờ đã nghỉ bán vì tuổi già. Bà Hiền tiếp quản lại và phải huy động thêm 5 – 7 con cháu trong nhà mới kịp phục vụ khách. “Mọi người không có nhiều nơi để vui chơi, mua sắm về đêm nên những hàng quán như nhà tôi trở thành điểm đến“, bà Hiền nói.
Tương tự, quán vịt quay Quảng Đông trên đường Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu) bán làm hai ca, mở liên tục từ 7h sáng đến 3h sáng hôm sau. 11 năm mở quán, ông Võ Bá Cường (48 tuổi) cho biết nhu cầu khách đi chơi đêm ở Đà Nẵng ngày càng tăng. Nhưng các điểm mua sắm, vui chơi giải trí thường đóng cửa lúc 22 – 23h. Trong khi đó những quán ăn đêm như cửa hàng của ông chưa chịu sự quản lý về giờ giấc, chưa bị công an nhắc nhở nên có thể phục vụ muộn. “Muốn chơi đêm ở Đà Nẵng thì chỉ có thể đi bar và đi ăn“, ông Cường nói.
Đà Nẵng có một vũ trường (từ ngày 1/9 được phép hoạt động đến 2h) còn lại hơn 200 cơ sở là quán bar, pub và karaoke. Nhịp sống phía trong vũ trường, quán bar sôi nổi nhưng lại nằm tách biệt ở nhiều tuyến phố như Đống Đa, Nguyễn Chí Thanh, Chi Lăng, đường Bạch Đằng ven sông Hàn, phía Đông cầu Thuận Phước hay ven biển Võ Nguyên Giáp.
Khu An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn) với tuyến đường Hoàng Kế Viêm chạy thẳng ra biển và nhiều tuyến đường nhỏ cắt ngang hình xương cá có địa thế đẹp vì tập trung nhiều khách sạn, căn hộ được quy hoạch thành khu phố Tây. Nhưng nơi này sau 22h cũng trở nên vắng vẻ, trừ một vài pub mở muộn đón khách uống rượu, nghe nhạc.
Nhiều du khách chia sẻ đến Đà Nẵng không phải để đi bar. Họ muốn được trải nghiệm ở điểm đến. Anh Brian (quốc tịch Mỹ) cho biết không thích bia rượu, nên khi đi du lịch ở Đà Nẵng anh mong muốn có nhiều khu chợ, phố ẩm thực mở cửa về đêm.
“Hiện tôi không biết thành phố này có những nơi nào để trải nghiệm, vì sau 22h hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa“, anh nói. Nhiều du khách khác cũng chật vật tìm dịch vụ ở thành phố khi đêm đã về khuya. “Chúng tôi muốn được nhìn thấy cuộc sống về đêm của người dân bản địa, muốn biết họ kiếm sống ra sao nhưng họ đã đi ngủ“, Fansica đến từ Ireland chia sẻ.
Trong suy nghĩ của khách nước ngoài, Đà Nẵng có nhiều cơ hội phát triển du lịch về đêm, nhưng cần được quy hoạch với các khu vực đảm bảo an ninh, dịch vụ đa dạng, sinh động để họ không có cảm giác đang phải dạo chơi một mình giữa thành phố “đi ngủ sớm”.
Hướng dẫn viên Trần Thị Hồng Hạnh – người dẫn nhiều đoàn khách trong và ngoài nước cho hay, về khuya, khi du khách đã rong chơi ở phố cổ Hội An, họ muốn ăn uống trước khi về khách sạn ở Đà Nẵng, song chị không biết đưa khách đến địa điểm nào để đáp ứng tốt nhất. Quán nhậu thì quá ồn ào. Trong khi quán ăn ở quá xa hoặc không được quảng bá về chất lượng.
So sánh với thành phố Pattaya của Thái Lan, nữ hướng dẫn viên cho biết ở đây hệ thống các điểm ăn chơi được quy hoạch tập trung và xâu chuỗi dịch vụ với nhau. Vừa dễ quản lý, vừa thuận tiện khi khách muốn tìm tòi khám phá mà không mất quá nhiều thời gian di chuyển. Hay tại Seoul (Hàn Quốc), chợ đêm được hình thành với quy mô lớn, nhà hàng nằm cạnh nhau như nấm. Trong khi ở Đà Nẵng các điểm vui chơi về đêm lại rải rác nhiều nơi.
Từ năm 2003, Đà Nẵng đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đưa lĩnh vực này phát triển vượt bậc, lượng khách tăng bình quân hàng năm trên 20%. Năm 2018, lượng khách đến thành phố đạt hơn 7,66 triệu lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt trên 24.000 tỷ đồng, tăng gấp 37 lần về số khách và 73 lần về tổng doanh thu so với năm 1997.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Bình – Phó giám đốc Sở Du lịch thừa nhận du lịch đêm của Đà Nẵng chưa tương xứng với tiềm năng. Trong đó, du khách là chủ thể nhưng lại chưa có được nhiều trải nghiệm vì dịch vụ chưa thực sự phong phú, thiếu kết nối giữa các điểm đến.
Những lý do được đưa ra: người dân Đà Nẵng chưa quen thức khuya như Hà Nội hay TP.HCM nên hàng quán đóng cửa sớm; chưa có nơi ăn đêm thực sự đáp ứng được nhu cầu của khách; nhà hàng, quán bar không được mở cửa quá 0h… dẫn đến sức chi tiêu giảm. Nhiều du khách đến rồi đi khi vẫn còn căng ví.
Ngoài ra, quản lý và phát triển kinh tế ban đêm là câu chuyện của nhiều ngành, không riêng việc tổ chức điểm đến, dịch vụ mà còn phải hài hòa với đảm bảo an ninh, trật tự.
Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Đà Nẵng nói, khi dùng máy đo âm thanh để xử lý tiếng ồn tại các quán bar, phòng trà trên địa bàn thì hầu hết đều vi phạm và phải xử phạt vì “không thể để việc kinh doanh phục vụ lợi ích cho một vài cơ sở mà ảnh hưởng đến đời sống người dân“.
“Thành phố phải quy hoạch thành khu vực cụ thể phát triển kinh tế ban đêm, có quy chế hoạt động riêng mới dễ cho các đơn vị quản lý“, ông Nhơn nói và cho rằng chỉ khi đó việc xử lý những cơ sở vi phạm mới không gây thiệt hại chung cho nền kinh tế.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở Văn hoá nói, nhiều du khách than phiền dịch vụ giải trí đêm ở Đà Nẵng không phong phú. Nhưng mặt khác, cư dân tuyến đường Bạch Đằng từng gửi nhiều đơn thư vì quán bar, pub gây ồn ào. Nếu thành phố quy hoạch ở một khu phố, hay một tuyến đường nào đó để cho các dịch vụ giải trí về đêm hoạt động thì dễ quản lý hơn.
Ông Nguyễn Xuân Bình lý giải, Đà Nẵng đã có định hướng quy hoạch bài bản, vì khách đi chơi ban đêm không hẳn chỉ là ăn nhậu, mà phải có tổng thể các dịch vụ phụ trợ khác. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, khi nhu cầu của khách chưa thực sự nhiều như những thành phố lớn, thì các cửa hàng cũng chưa muốn mở quá khuya. Mặt khác, các công ty lữ hành đang xây dựng tour theo hướng đưa khách đi chơi, đi ăn tối rồi về lại khách sạn.
“Quy định về thời gian được phép kinh doanh vào ban đêm là 22h hay muộn hơn đều có thể điều chỉnh. Vấn đề cốt lõi là thành phố cần phải có nhận thức chung về tầm quan trọng của kinh tế ban đêm“, ông Bình nói.
Nguyễn Đông
Theo VnExpress