Bê thui Cầu Mống – đệ nhất món ngon xứ Quảng

Mấy chục năm rồi, những quán bê thui nơi đây chưa ngày nào vắng khách. Mở cửa từ tờ mờ sáng, quán nhộn nhịp mãi đến tận khuya. 

Nằm trên quốc lộ 1A, đoạn qua xóm Cầu Mống, xã Điện Phương, H.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, bê thui Cầu Mống từ lâu đã được người dân địa phương, du khách rỉ tai là điểm “dừng chân” đầy hấp dẫn, không thể thiếu trong hành trình khám phá ẩm thực xứ Quảng.

Ảnh: monngondathanh
Ảnh: monngondathanh

Sức hấp dẫn của bê thui Cầu Mống không chỉ ở không gian thoáng rộng, đón những cơn gió mát lạnh từ hạ lưu dòng Thu Bồn ngày đêm thổi vào mà quan trọng hơn cả là hương vị đậm đà xứng danh đệ nhất món ngon xứ Quảng.

Để có được những con bê thui vàng ruộm, quay đều trong lửa than níu kéo du khách ghé lại, các chủ quán phải cẩn thận từ khâu đầu tiên là chọn bê.

Bê thui Cầu Mống nhất thiết phải được nuôi chính gốc ở vùng đất Gò Nổi, nơi quanh năm có nhiều cỏ và mía hấp thu nguồn phù sa từ dòng Thu Bồn mỗi năm có đến dăm bảy cơn lụt tràn lên bờ. Bê nuôi vừa độ, không được quá non thịt sẽ nhão, càng không được già vì thịt dai, độ 30 đến 40 kg là vừa.

Để có món bê thui mặn mà đặc trưng, ngoài tìm chọn nguyên liệu thì một bí quyết nhỏ nhưng không kém quan trọng trong khâu chế biến chính là sự tỉ mỉ, khéo léo và kinh nghiệm của đầu bếp.

Bê cắt tiết, cạo lông rồi mổ bụng, lấy hết bộ lòng ra, dùng dây thép khâu lại, lấy thanh sắt dài xỏ dọc thân để hai đầu thanh sắt lên lò than, bắt đầu thui. Thỉnh thoảng dùng que sắt có mũi nhọn châm đều lên da để thoát nước, lấy vải lau sạch, rồi tiếp tục thui.

Phải biết cách giữ lửa vừa đủ để cả con bê chín đều. Đặc biệt không được lơ là để lửa quá bén, thịt sẽ cháy sém không ngon lại không thẩm mỹ. Thịt bê thui đạt chuẩn phải có màu đỏ hồng nhưng không sống, da vàng ruộm nhưng không dai cũng không bị hôi mùi khói.

Một yếu tố để món ăn hòa quyện và đậm đà chính là nước chấm. Nước chấm phải là loại mắm cái cá cơm, cá nục nguyên chất chế biến từ những làng chài ven biển Hội An đem về gạn ép xác, lọc lấy nước thêm đường, ớt tỏi giã nhuyễn, cùng ít gừng, mè rang sao cho vừa nồng, mặn, ngọt, vừa cay xốc đến tận mũi để vừa ăn vừa hít hà.

Một điều thú vị nữa, khi thưởng thức bê thui Cầu Mống, thực khách còn nhâm nhi hương vị rau sống hái từ làng Trà Quế. Chỉ có rau Trà Quế mới giúp kích thích thêm thị giác, vị giác, khứu giác của người đang thưởng thức món bê thui.

Điện Bàn được biết đến là vùng đất của những món ăn nổi tiếng như mì quảng Phú Chiêm, bánh tráng Điện Phương…

Riêng bê thui Cầu Mống không chỉ ở địa phương và những vùng lân cận mà đã được nâng lên thành đặc sản trong và ngoài tỉnh.

Nhiều du khách cứ mong một lần đến nơi đây để thưởng thức và được xuýt xoa, cảm nhận vị thơm cay nơi đầu lưỡi món đặc sản đậm chất quê nhà của người dân xứ Quảng trong chuyến hành trình xuôi ngược bắc – nam khi qua vùng đất này.

Văn Hoàng
Theo thanhnien.vn
Cùng chuyên mục